11:16 30/11/2012

Giải pháp lương thực từ cây trồng công nghệ sinh học

Ngày 29/11, tại Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh tập đoàn Monsanto tại Việt Nam) đã phối hợp tổ chức hội thảo "Vai trò cây trồng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững".

Ngày 29/11, tại Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh tập đoàn Monsanto tại Việt Nam) đã phối hợp tổ chức hội thảo "Vai trò cây trồng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững".


Với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu, cuộc hội thảo đã tập trung thảo luận về thực trạng nền nông nghiệp Việt Nam, các ứng dụng công nghệ sinh học, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ, nhằm đảo bảo an ninh lương thực trong tương lai.


Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất mà nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là sự giảm sút diện tích trồng trọt do hệ quả của công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bên cạnh đó, năng suất cây trồng hiện nay của Việt Nam cũng chưa cao và chưa đạt mục tiêu đề ra do biến đổi khí hậu và sâu hại. "Trong khi đó, dân số Việt Nam dự kiến sẽ chạm mốc 100 triệu người vào năm 2020, và chúng ta phải có những giải pháp để đảm bảo lương thực cho số dân tăng thêm này (dự kiến là 200.000 tấn gạo).


Đó là chưa kể tới nguồn thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi. Hiện tại, chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 70% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi (khoảng 1 triệu tấn ngô/năm). Vì thế, để có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực, thì vấn đề cần giải quyết quan trọng nhất là tăng năng suất cây trồng trên quỹ đất vốn có, hoặc thậm chí là đang ngày càng hạn hẹp hơn" - TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng khoa Công nghệ sinh học - Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết.


Một giải pháp quan trọng được đưa ra trong Hội thảo là triển khai các ứng dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất cây trồng. Theo các chuyên gia, từ năm 1996, công nghệ sinh học đã được 29 quốc gia ứng dụng như một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về công nghệ sinh học trong nông nghiệp, từ năm 1996-2010, diện tích cây trồng công nghệ sinh học đã góp phần tích cực vào quá trình tăng cường an ninh lương thực, phát triển bền vững và khắc phục biến đổi khí hậu.


Cụ thể, riêng trong năm 2010, đã góp phần nâng sản lượng cây trồng lên 78,4 tỷ USD, đồng thời giúp tiết kiệm 443 triệu kg thuốc trừ sâu, giảm 19 tỷ kg khí CO2, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học cũng như giúp xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Trong đó, Monsanto là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc cung cấp giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ và các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới và trong khu vực.



P.V