05:22 02/05/2012

Giải pháp cầu vượt nhẹ

Ngày 26/4/2012 Hà Nội đã đưa hai cây cầu vượt nhẹ tại ngã tư Tây Sơn – Thái Hà và ngã tư Láng Hạ - Thái Hà vào hoạt động, trở thành một sự kiện đáng chú ý trong bức tranh giao thông của Thủ đô.

Ngày 26/4/2012 Hà Nội đã đưa hai cây cầu vượt nhẹ tại ngã tư Tây Sơn – Thái Hà và ngã tư Láng Hạ - Thái Hà vào hoạt động, trở thành một sự kiện đáng chú ý trong bức tranh giao thông của Thủ đô.

Nhờ hai cây cầu vượt này mà hai điểm đen về ùn tắc giao thông tại hai ngã tư đã cơ bản được giải quyết. Ngay trong ngày đầu tiên vào giờ cao điểm, giao thông đã trở nên thông thoáng tại đây; mang lại sự phấn khởi cho người tham gia giao thông. Việc xây dựng các cầu vượt nhẹ đã trở thành một giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Bởi vì so với nhiều công trình giao thông hiện nay thì thời gian xây dựng hai cây cầu có thể được xem là “kỷ lục”; hơn nữa việc thi công không ảnh hưởng nhiều đến giao thông và cuộc sống của người dân xung quanh. Và quan trọng hơn là chi phí xây dựng hai cây cầu không lớn, mặt bằng được tận dụng hợp lý nên không có chuyện “đền bù, giải tỏa”; điều này góp phần giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Thực tế, tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn nhiều ngã tư đang là điểm nóng về ùn tắc giao thông nhưng từ nhiều năm qua các ngành chức năng chỉ mới dừng lại ở việc vừa phân làn, vừa điều chỉnh; vì vậy nhiều khi chống ùn tắc chỗ này thì chỗ khác lại ùn tắc trầm trọng thêm. Nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là biện pháp “di dời” ùn tắc từ chỗ này sang chỗ khác, không giải quyết tận gốc của vấn đề là phải đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Cũng có nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng rất hiện đại; chẳng hạn như cầu vượt Ngã Tư Sở, Hầm chui Kim Liên tại Hà Nội vừa giải quyết nạn ùn tắc giao thông, vừa góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị. Tuy nhiên với các công trình hiện đại và to lớn như vậy thì cần kinh phí lớn, thời gian thi công kéo dài; do vậy không phải bất kỳ ngã tư nào cũng có thể làm cầu vượt, hầm chui hiện đại như thế.

Tuy về mặt mỹ quan đô thị thì còn nhiều việc phải bàn, nhưng trong tình hình hiện nay, các biện pháp nhanh chóng giảm ùn tắc giao thông cần được ưu tiên. Theo đó, các công trình giao thông có chi phí xây dựng thấp, thi công nhanh và phát huy tích cực công năng như hai cây cầu vượt nhẹ tại Hà Nội cần được xem là giải pháp hữu hiệu. Nếu giải pháp này được triển khai nhiều hơn ở các ngã tư thì chắc chắn giao thông đô thị, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ trở nên thông thoáng, các điểm ùn tắc giao thông sẽ dần được giải quyết cơ bản tại các ngã tư này.

Tuy nhiên, có một điều rất đáng quan ngại là ý thức của người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ, rất kém. Theo quan sát của phóng viên Báo Tin tức ngay trong chiều ngày 26/4 (ngày đầu tiên đưa hai cây cầu vượt nhẹ tại Hà Nội vào sử dụng), đã có rất nhiều vi phạm từ người đi xe máy, đi bộ. Trong 30 giây đã có 3 người vi phạm như đi bộ băng qua chân cầu trước “mũi” ô tô, xe máy, dù rằng ngay cạnh đó có cầu vượt dành cho người đi bộ; hay xe máy đi ngược đường “tạt” qua đầu ô tô… Toàn là những vi phạm “chết người” trong tích tắc. Vì vậy, dù chúng ta có thể sẽ xây thêm nhiều cầu vượt, nạn ùn tắc có thể giảm bớt nhưng thương vong do tai nạn giao thông sẽ không thể giảm nếu ý thức người tham gia giao thông vẫn “coi trời bằng vung” như ở hai cây cầu vượt nhẹ vừa mới khai trương.

Nguyễn Quang Vinh