12:11 07/12/2012

Giải Nobel Hòa bình đang mất uy tín?

Thường được đánh giá là giải thưởng danh giá nhất thế giới, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, giải Nobel Hòa bình đang mất đi ánh hào quang do những lựa chọn gây tranh cãi thậm chí “vô lý” và “khôi hài”.

Thường được đánh giá là giải thưởng danh giá nhất thế giới, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, giải Nobel Hòa bình đang mất đi ánh hào quang do những lựa chọn gây tranh cãi thậm chí “vô lý” và “khôi hài”.


Giải Nobel Hòa bình những năm gần đây bị chỉ trích là mất uy tín do những lựa chọn "bất thường".



Việc Liên minh châu Âu được trao giải Nobel Hòa bình 2012 và sẽ chính thức nhận giải trong một buổi lễ trang trọng tại Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12 tới, là sự kiện mới nhất trong một loạt quyết định gây tranh cãi ở hạng mục giải này những năm qua.


“Khôi hài”, “bê bối”, “trò đùa”, “lố bịch” hay “vô lý” là những từ thường được nhắc đến trong những bình luận về quyết định trao giải Nobel Hòa bình của Ủy ban giải Nobel Na Uy những năm gần đây. “Một số lựa chọn đã làm tổn hại danh tiếng của giải thưởng và phủ bóng nghi ngờ lên uy tín của Ủy ban giải Nobel Na Uy”, nhà báo Mỹ Scott London, một chuyên gia theo dõi về các giải Nobel, phát biểu với AFP. “Giải Nobel Hòa bình không còn xa lạ với những tranh cãi, nhưng tôi nghĩ, nhưng năm gần đây, đã có nhiều lựa chọn tồi và ngớ ngẩn hơn bình thường”.


Sau bản công bố gây xôn xao dư luận rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama là người thắng giải Nobel Hòa bình năm 2009, năm đầu tiên tại Nhà Trắng của ông, năm nay Ủy ban Nobel lại gây bất bình với việc trao giải thưởng này cho một Liên minh châu Âu đang khốn đốn với khủng hoảng và chia rẽ.


Quyết định này làm giới quan sát nhớ lại lựa chọn năm 2010, khi việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, một trí thức vi phạm pháp luật và đang thụ án tù ở Trung Quốc, đã bị Bắc Kinh chỉ trích là “trò hề”.


Năm 2011, giải Nobel Hòa bình được đồng trao cho ba phụ nữ, cũng gây nhiều tranh cãi, trong đó Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf bị chỉ trích là tham nhũng và vị thân.


Luật sư người Na Uy, Fredrik Heffermehl, tác giải cuốn “Giải Nobel Hòa bình: Nobel đã thực sự muốn gì?”, nhận xét rằng: “Giải thưởng đã không được trao cho những người cống hiến cho một trật tự hòa bình toàn cầu. Nó đã mất đi uy tín cả về phương diện pháp lý và đạo đức”.


Hầu hết các chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Na Uy, Thorbjoern Jagland. Kể từ khi đảm nhiệm vị trí này vào năm 2009, ông Jagland được cho là đã gây ảnh hưởng tới bốn thành viên khác của Ủy ban, với sự trợ giúp của vị thư ký kỳ cựu Geir Lundestad, một nhân vật không có quyền bỏ phiếu nhưng có tiếng nói nhiều sức nặng.


Nhiều nhà quan sát đã kêu gọi cải tổ Ủy ban giải Nobel Na Uy, vốn có thành phần thường là các cựu chính trị gia do quốc hội Na Uy chỉ định. Hầu hết các đề xuất xoay quanh việc giảm bớt tính chính trị và tăng tính độc lập của Ủy ban này bằng cách đưa vào những thành viên có chuyên môn ngoại giao hơn, có thể gồm cả người nước ngoài.


Giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo, Kristian Berg Harpviken cho biết, ông ủng hộ một cuộc cải cách như vậy: “Giải Nobel Hòa bình có bề dày lịch sử là giải thưởng danh giá nhất thế giới và tôi tin nó có thể vượt qua liều thuốc này”.




Thu Hằng