Xuân Bính Ngọ, Bác Hồ hai lần thăm bộ đội công binh

Sáng 21 tháng một, năm 1966 (tức 29 Tết Bính Ngọ), một đồng chí cán bộ Cục Chính trị Quân khu 3 tới làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 19/5 công binh Quân khu 3 (nay là Lữ đoàn Công binh 513), đóng quân gần thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội).

Đồng chí cho biết: Thời gian qua, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Công binh đều hài lòng trước tinh thần dũng cảm, bám bến, bám sông, phục vụ chiến đấu của tiểu đoàn. Để động viên bộ đội, Bộ Tư lệnh Quân khu đã báo cáo thành tích của tiểu đoàn lên Tổng cục Chính trị. Tổng cục Chính trị đã báo cáo với Bác Hồ và Bác quyết định sẽ đến thăm đơn vị vào ngày mồng một Tết.

Hôm ấy, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 19/5 công binh Quân khu Ba mặc quần áo mới, tập hợp chỉnh tề trong sân doanh trại chuẩn bị đón Bác.

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lần thứ II được tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đúng 7 giờ, tiếng còi ô tô vang lên. Tất cả đơn vị đều hướng ra trước cổng doanh trại. Một đoàn xe con từ từ đi vào và dừng lại trước cửa nhà khách. Từ chiếc xe thứ 2, Bác bước ra. Cả tiểu đoàn vỗ tay và hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!". Tiểu đoàn trưởng Lưu Văn Thập chạy lại trước Bác, thay mặt tiểu đoàn kính chào Bác và xin chỉ thị của Người. Bác đáp lễ và bảo:

- Chú cho bộ đội nghỉ.

Cùng đi với Bác có đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Thiếu tướng Hoàng Sâm, Tư lệnh Quân khu, Đại tá Nguyễn Quyết, Chính ủy Quân khu và mấy đồng chí cán bộ cao cấp ở Bộ Quốc phòng. Đại tá Nguyễn Quyết giới thiệu đồng chí Lưu Văn Thập, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Xuân Bảo, Chính trị viên phó tiểu đoàn với Bác. Bác thân mật bắt tay từng người rồi hỏi đồng chí Thập:

- Các chiến sĩ ở tiểu đoàn chú có ai ốm không?

Đồng chí Thập kính cẩn:

- Thưa Bác, tiểu đoàn có một đồng chí bị ốm nhẹ ạ.

Bác ân cần hỏi tiếp:

- Anh em mỗi đêm ngủ được mấy giờ, mỗi bữa có được mấy bát cơm?

- Thưa Bác, mỗi đêm anh em thường được ngủ 6 đến 7 tiếng, bữa nào cũng ăn hết cơm ạ.

Bác hỏi đồng chí Nguyễn Quyết:

- Tiêu chuẩn ăn của công binh hiện nay mỗi ngày được mấy lạng hả chú?

Đồng chí Nguyễn Quyết đáp:

- Thưa Bác, công binh ăn 8 lạng một ngày ạ.

Bác quay lại phía đồng chí Thập và đồng chí Bảo:

- Bây giờ, chú Thập, chú Bảo muốn Bác nói gì với bộ đội nào?

Đồng chí Bảo nhanh nhẹn:

- Thưa Bác, Bác động viên chúng cháu ạ!

Bác cười, chỉ vào Đại tá Nguyễn Quyết, nói:

- Động viên đã có đồng chí Chính ủy đây - Bác chỉ vào Thiếu tướng Hoàng Sâm - Chiến đấu thì có đồng chí Tư lệnh kia - Quay sang đồng chí Tố Hữu, Bác tiếp - Còn văn nghệ đã có nhà thơ nổi tiếng này. Bác mà nói thì hết phần của các chú ấy.

Thấy Bác vui, mọi người đều cười thoải mái. Rồi Bác nói với đồng chí Thập và đồng chí Bảo:

- Các chú để cho Bác tự đặt chương trình nhé.

- Thưa Bác, vâng ạ!

Bác vẫy đồng chí Thập lại gần:

- Trước hết, chú Thập cho Bác đi thăm doanh trại, đi xem hệ thống phòng tránh máy bay Mỹ của đơn vị. Sau đó, Bác sẽ tặng quà Tết bộ đội.

Quyết định của Bác hoàn toàn đảo ngược với kế hoạch đón tiếp Bác ở nhà khách khiến hai đồng chí Thập và Bảo trở nên lúng túng. Nhưng theo mỗi bước đi của Bác tới từng vị trí thường trực sẵn sàng chiến đấu, từng nơi để xe máy, thấy Bác vui tươi, các đồng chí cũng bớt lo dần và thấy vững tin hơn. Rồi Bác khen: “Các chú làm được như vậy là tốt".

Rời khu xe máy, Bác vào thăm dãy nhà ở của tiểu đoàn. Lúc này, bộ đội đã tập trung cả trong hội trường, chuẩn bị nghe Bác nói chuyện. Chúng tôi cứ tưởng Bác sẽ đi lướt qua, nhưng Người dừng lại ở từng nhà, xem kỹ giường nằm, chăn màn như có ý xem bộ đội có đủ điều kiện chống lại cái lạnh của mùa đông không. Đến nhà đại đội 2, thấy một chiến sĩ nằm trùm chăn kín đầu, Bác hỏi đồng chí Thập:

- Có phải chú chiến sỹ ốm mà chú báo cáo với Bác không?

Đồng chí Thập vừa trả lời Bác, vừa định chạy đến đánh thức chiến sĩ bị ốm dậy, nhưng Bác đã giơ tay ngăn lại, rồi ra hiệu cho mọi người bước nhẹ nhàng để khỏi làm ảnh hưởng đến chiến sĩ bị ốm.

Rời khu nhà ở tiểu đoàn, Bác và các đồng chí cùng đi bước vào hội trường. Phấn khởi, sung sướng, tất cả cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đứng cả dậy, vỗ tay và chạy ùa lên, vây quanh Người. Bác ra hiệu cho toàn tiểu đoàn ngồi xuống, rồi hỏi:

- Các chú có biết trước tin Bác đến thăm đơn vị không?

Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn còn im lặng nhìn nhau thì Ngô Quý Sơn, một chiến sĩ trẻ được mệnh danh là "tham mưu con" của tiểu đoàn đứng bật dậy:

- Thưa Bác, có ạ!

Các cán bộ tiểu đoàn đều giật mình. Tin Bác đến vẫn được giữ bí mật đến phút chót, thế mà cậu ấy lại nói như vậy. Bác âu yếm nhìn Sơn, hỏi tiếp:

- Chú biết từ bao giờ?

Sơn hồn nhiên:

- Thưa Bác, lúc Bác đến, thấy Bác là chúng cháu biết ngay ạ.

Đồng chí Tố Hữu khen: "Rất thông minh". Bác mỉm cười với Sơn rồi Bác vui vẻ, nói:

- Nhân dịp năm mới, Bác và đồng chí Tố Hữu, Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đại tá Nguyễn Quyết đến chúc các chú vui vẻ, mạnh khỏe, tiến bộ, thu được nhiều thắng lợi mới.

Bác khen ngợi:

- Năm qua, các đơn vị công binh đã lập được nhiều thành tích trong việc phục vụ chiến đấu và giao thông vận tải, bảo đảm cầu đường, làm trận địa cho các đơn vị phòng không, tháo gỡ bom nổ chậm, xây dựng các công trình quốc phòng. Các công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cũng có nhiều tiến bộ. Công binh đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ chiến đấu kịp thời, góp phần vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta.

Người căn dặn:

- Các chú chớ tự mãn với những thành tích đó mà phải tiếp tục cố gắng để đạt thành tích lớn hơn nữa. Hiện nay, đế quốc Mỹ và tay sai đang mưu mô tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam và đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta. Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang.

Để đánh bại âm mưu thâm độc của địch, cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị công binh phải dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết vượt mọi khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, kiên quyết tiến lên, giành nhiều thắng lợi mới.

Cần đoàn kết chặt chẽ hơn nữa giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa các đơn vị bạn, giữa quân đội và các cơ quan khác như dân quân, giao thông vận tải, thanh niên xung phong, giữa quân đội và nhân dân.

Cần giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, xe cộ, cần tiết kiệm đạn dược, xăng dầu, cần quí trọng sức của, sức người của nhân dân. Báo cáo và xin chỉ thị phải kịp thời. Cần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu.

Cả hội trường chăm chú lắng nghe từng lời dạy bảo ân cần của Người. Bác vừa dứt lời, toàn tiểu đoàn đứng bật dậy, vỗ tay dồn dập. Tiếng hô "Đảng lao động Việt Nam muôn năm", "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" vang lên không ngớt.

Đợi cán bộ, chiến sĩ im lặng, Bác giơ cao tờ thiếp chúc mừng năm mới rồi tặng thiếp và rất nhiều kẹo cho tiểu đoàn.

Thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 19/5 công binh Quân khu 3 Nguyễn Xuân Bảo đã nói lên niềm vui sướng, vinh dự, tự hào lớn lao được đón Bác, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Tư lệnh, đồng chí Chính ủy Quân khu đến thăm, chúc Tết. Bác chăm chú lắng nghe đồng chí Bảo báo cáo thành tích của tiểu đoàn. Đồng chí Bảo vừa dứt câu: "Kính thưa Bác, năm qua, tiểu đoàn chúng cháu đã xuất quân 17 lần, đảm bảo cho 5.198 xe vượt sông an toàn, kịp thời chi viện cho miền Nam và bắn rơi 3 máy bay Mỹ", Bác vỗ tay hoan hô và nói:

- Như vậy là các chú phục vụ chiến đấu giỏi, chiến đấu giỏi, đáng khen lắm!

Kết thúc nói chuyện trong hội trường, Bác vẫy cán bộ, chiến sĩ ra sân chụp ảnh, quay phim kỷ niệm. Chúng tôi ùa ra, đứng thành hình vòng cung quanh Bác, như một đàn con quây quần bên Cha già kính yêu.

Chụp ảnh, quay phim xong, Bác vui vẻ nói:

- Năm nay là năm ngựa. Ngựa phải phi nước đại. Các chú phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, giành thắng lợi gấp năm, gấp mười năm ngoái.

Bác bảo đồng chí Tố Hữu bắt nhịp cho đơn vị hát. Đồng chí Tố Hữu phân bua:

- Thưa Bác, cháu chỉ biết làm thơ thôi ạ.

Bác bảo đồng chí Nguyễn Quyết:

- Chú làm chính trị, bắt nhịp cho đơn vị hát vậy.

Đồng chí Nguyễn Quyết thanh minh:

- Thưa Bác, cháu không biết cầm nhịp ạ.

Bác cười và bảo:

- Thế thì để Bác bắt nhịp các chú hát bài "Vì nhân dân quên mình". Các chú có đồng ý không?

Cả hội trường reo hò và đồng thanh đáp:

- Thưa Bác, đồng ý ạ!

Bác giơ tay bắt nhịp và hát. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 19/5 công binh Quân khu 3 vừa hát theo Bác vừa vỗ tay rầm rập. Hát đến lần thứ 2, rồi hát tiếp lần thứ 3. Tiếng hát muốn níu chân Bác lại, nhưng Bác đã vẫy tay tạm biệt rồi bước tới phía xe. Cán bộ, chiến sĩ đều ùa tới, vây quanh xe Bác và hô lớn:

- Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

Đúng nửa tháng sau, vào tối mồng 5 tháng 2 năm 1966, Bác Hồ đã đến thăm Trung đoàn công binh Sông Thao và Trung đoàn công binh Sông Lô ( nay là Lữ đoàn công binh Sông Thao và Lữ đoàn công binh Sông Lô), tập luyện bắc cầu vượt sông Hồng ở bến Mễ Sở (thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình, nay Thường Tín thuộc Hà Nội), chuẩn bị đối phó âm mưu đánh phá cầu Long Biên của đế quốc Mỹ.

Tối hôm ấy, trời bỗng trở rét. Sương muối giăng đầy mặt sông. Gió mùa đông bắc hun hút thổi về. Khi ánh pháo hiệu báo cầu hàn khẩu xong vừa bừng lên, đơn vị hối hả lát ván vào những khoảng trống của mặt cầu, ngụy trang cầu, chuẩn bị rút về bờ sông thì Bác đến.

Cán bộ, chiến sĩ nhìn thấy Bác, reo to: "Bác! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!" Tiếng Bác vang lên ấm áp:

- Các chú không giữ bí mật à?

Một đồng chí cán bộ trung đoàn sợ trời tối, Bác khó đi, xách chiếc đèn măng xông chạy lên phía trước. Ánh sáng đèn đã giúp mọi người nhìn rõ Bác. Bác đội chiếc mũ lưỡi trai sẫm mầu và mặc bộ quần áo ka ki đã bạc. Tóc hai bên thái dương và chòm râu Bác bạc phơ. Đi bên Bác là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng mặc bộ ka ki, cổ quấn chiếc khăn rằn.

Vừa đi, Bác vừa cười rất đôn hậu và vẫy tay đáp lại những tràng vỗ tay của cán bộ, chiến sĩ.

Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi được một đoạn cầu thì đồng chí Hồ Phê, Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh Sông Thao, từ chỗ hàn khẩu, chạy lại, đứng nghiêm trước Bác, cảm động thưa:

- Báo cáo Bác, cầu chúng cháu đã bắc xong, sẵn sàng chờ xe qua!

Đồng chí Chu Thanh Hương, Chính ủy Binh chủng Công binh giới thiệu đồng chí Hồ Phê với Bác. Bác âu yếm cầm tay đồng chí Hồ Phê, kéo lại gần, rồi Bác khen:

- Cầu của các chú làm tốt!

Ngừng giây lát, Bác hỏi:

- Cầu chở được bao nhiêu tấn?

Đồng chí Hồ Phê lễ phép đáp:

- Thưa Bác, chở được... tấn ạ.

Bác tiếp tục đi thăm cầu, vui vẻ nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Chu Thanh Hương... Sợ Bác mệt và muốn để cán bộ, chiến sĩ được gần Bác lâu hơn, đồng chí Chính ủy Binh chủng Công binh hướng dẫn Bác đi rất chậm.

Bác và Thủ tướng dừng bước. Cán bộ, chiến sĩ xúm xít quanh Người. Không khí ồn ào, náo nhiệt như một ngày hội lớn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc đơn vị im lặng để nghe Bác nói chuyện. Bác nhìn khắp lượt, rồi nói:

- Hôm nay, Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ đến thăm các chú bắc cầu. Bác rất vui vì thấy các chú làm tốt.

Bác hỏi đồng chí Trung đoàn trưởng Hồ Phê:

- Các chú bắc cầu cần bao nhiêu người?

Sau khi thưa với Bác số người và thời gian bắc cầu, đồng chí Hồ Phê nói tiếp:

- Hôm nay, chúng cháu đã hoàn thành cầu sớm hơn hôm qua 10 phút ạ.

Bác khen đơn vị làm được như vậy là tốt, nhưng Người phê bình:

- Các chú làm còn ồn lắm.

Rồi Bác ân cần dặn dò:

- Nhiệm vụ các chú nặng nề nhưng rất vẻ vang. Các chú cần phải cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa, mỗi ngày nhanh hơn một phút, ba phút, dăm phút, dần dần, rút ngắn lại, càng ngắn càng tốt. Bắc cầu mỗi ngày một giỏi hơn. Làm như thế thì chúng ta sẽ mau đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Bác nói tiếp:

- Bây giờ, Bác giới thiệu đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện với các chú.

Đồng chí Trung đoàn trưởng Hồ Phê nhanh nhẹn rút một tờ giấy trong túi, trải lên chiếc dép, mời Bác ngồi. Bác khoát tay ra hiệu không cần và ngồi xuống mặt cầu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng thân mật hỏi thăm sức khỏe, sinh hoạt của đơn vị và nói cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn nghe về tình hình, nhiệm vụ cách mạng hai miền Nam Bắc. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho trung đoàn và các đơn vị công binh vượt sông toàn quân: Phải bắc cầu nhanh, chở phà giỏi trong mọi tình huống bom đạn ác liệt, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường ra tiền tuyến. Thủ tướng khen ngợi và góp ý cặn kẽ về đêm bắc cầu để chúng tôi rút kinh nghiệm. Thủ tướng nhắc lại lời Bác vừa dạy và hỏi:

- Các đồng chí có quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy không?

Cả đơn vị đồng thanh:

- Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

Bác đứng dậy, hỏi:

- Các chú có biết Liên Xô mới đưa cái máy lên gần mặt trăng không?

Cả đơn vị chưa biết trả lời Bác thế nào thì Bác cười. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết: Liên Xô mới phóng một vệ tinh nhân tạo lên quĩ đạo mặt trăng và giải thích cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn ý Bác dạy: Thời đại ngày nay là thời đại khoa học kỹ thuật. Muốn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, không những cần có đường lối lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, có tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân, dân hai miền..., mà cần phải có trình độ khoa học, kỹ thuật giỏi nữa. Chúng ta cần phải học tập nền khoa học kỹ thuật của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em để tiến lên.

Toàn đơn vị cứ muốn nghe Bác và Thủ tướng nói tiếp. Nhưng xe của Bác đã đến. Người và Thủ tướng chúc cán bộ, chiến sĩ mạnh khỏe, rồi bước lên xe. Cả trung đoàn ùa quanh xe, như muốn giữ Bác và Thủ tướng ở lại và hô to: "Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Xe của Bác nổ máy, từ từ lên dốc. Mọi người đang bàng hoàng tưởng xe Bác đi qua cầu theo lối Hưng Yên về Hà Nội thì thấy xe vòng trở lại, lăn bánh xuống cầu. Tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm!" lại vang như sóng dậy. Hiểu tâm lý mọi người muốn nhìn rõ Bác và Thủ tướng, một đồng chí trong xe đã bật đèn trần và hạ cửa kính. Bác cười rất đôn hậu, vẫy tay chào cán bộ, chiến sĩ gần suốt nhịp cầu. Rồi, Bác hô lớn:

- Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng muôn năm!

- Muôn năm! Muôn năm! Muôn Năm! Toàn đơn vị hô vang theo Bác.


Hải Giang
Bác Hồ với mùa xuân
Bác Hồ với mùa xuân

Mùa xuân được xem là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa muôn hoa khoe sắc, của sự hồi sinh, của tình yêu thương, của những ngày Tết Nguyên đán ấm cúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN