Tự hào là nơi lưu giữ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành. Đây là một công trình có ý nghĩa chính trị và tư tưởng vô cùng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của dân tộc Việt Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.

           

Năm 1969, Bác ốm nặng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày đêm túc trực bên Bác. Nhân dân cả nước lo lắng theo dõi tình hình sức khỏe của Bác từng giờ từng phút. Đó là những khoảnh khắc đặc biệt, trời đất và lòng người như giao hòa trong một nỗi đau buồn không tả.


9h47 ngày 2/9/1969,  Bác Hồ kính yêu qua đời. Một trái tim vĩ đại đã ngừng đập! Một con người vĩ đại đã ra đi! Dân tộc Việt Nam mất đi người con ưu tú nhất, bạn bè năm châu mất đi người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho phong trào cách mạng. Tin Bác mất làm xúc động sâu sắc toàn thể tầng lớp nhân dân. Các đoàn đại biểu của nhân dân từ khắp mọi miền đất nước về viếng Bác.

           

Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Sau lễ quốc tang, thể theo nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đặc biệt là đồng bào chiến sỹ miền Nam, được lưu giữ mãi mãi hình ảnh của Người, Trung ương Đảng đã họp và quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng lăng của Người tại quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

           

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tạo dáng như một đóa hoa sen, tượng trưng cho khí tiết thanh cao của dân tộc ta và phẩm chất cao đẹp của Bác. Sen còn là tên làng quê Bác – làng Kim Liên - và cũng để nhắc mãi câu ca “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

           

Lăng được thiết kế cao 21,6 m, gồm ba lớp. Lớp dưới là những bậc thềm. Lớp giữa, phần trung tâm của lăng gồm phòng đặt thi hài Bác, những hành lang và cầu thang lên xuống. Lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Quanh bốn mặt lăng là những hàng cột vuông ốp đá hoa cương. Mặt chính có dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

           

Năm 1972, không quân Mỹ quay trở lại ném bom ác liệt miền Bắc, Bộ Chính trị tạm dừng kế hoạch khởi công xây dựng lăng. Đầu năm 1973, hiệp định Paris về hòa bình và chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết. Chớp thời gian này, ngày 2-9-1973, công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công trong sự chờ đợi quan tâm của nhân dân cả nước.

           

Các giới, các ngành, các địa phương đều tự nguyện và rất tự hào vì được đóng góp sức mình vào công trình đặc biệt này. Lăng Bác là công trình của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; là hội tụ tình cảm của cả nước đối với người con ưu tú nhất của dân tộc đã làm rạng danh non sông đất nước Việt Nam. Lăng Bác như một biểu tượng của niềm tin được xây dựng vào nơi linh thiêng nhất trong tình cảm của nhân dân.

           

Các em học sinh được gia đình và nhà trường đưa đến thăm Lăng Bác.Ảnh : Anh Tuấn - TTXVN.

Công trường cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn của Đảng và nhân dân Liên Xô về cả trang thiết bị vật tư và con người. Các chuyên gia Liên Xô ngày đêm lăn lộn ở công trường. Những tấm đá hoa cương quý hiếm từ đất nước của Lênin được gửi sang. Bên trong quy mô hoành tráng của công trình này luôn vang vọng một âm hưởng da diết của một tình bạn thủy chung mà Bác Hồ đã dầy công xây dựng từ hàng chục năm về trước.

           

Rất nhiều vật liệu quý hiếm từ khắp nơi chuyển về để được lựa chọn phục vụ cho công trình Lăng Bác. Từ cát vàng Kim Bôi, những phiến đá xẻ nổi tiếng ở núi non Ninh Bình, Thanh Hóa đến những loài gỗ của Việt Bắc, Tây Bắc, của miền Trung, miền Nam. Tất cả đều trở thành biểu tượng của tình cảm thiêng liêng mà nhân dân cả nước hướng về  Người.

           

Sinh thời, Bác vốn yêu thiên nhiên, yêu lao động, Người thích trồng cây và luôn kêu gọi nhân dân trồng cây để bảo vệ môi trường. Hàng trăm loại cây được gửi về trồng bên Bác. Nơi đây trở thành một khu vườn đa dạng phong phú với đủ loại cây xanh của mọi vùng quê Việt Nam.

           

Sau hai năm thi công khẩn trương, công trình Lăng Bác đã hoàn thành. Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận được nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng để chuẩn bị đón Bác về Lăng. 20h ngày 18/7/1975, đoàn xe đưa Bác về tới quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã chờ sẵn để đón Bác vào Lăng. Giờ phút ấy thật trang nghiêm, xúc động sau những năm tháng phải tạm xa Người.

           

Sáng ngày 29/8/1975, lễ khánh thành Lăng Bác được tổ chức trọng thể. Sau đó, lễ viếng Bác lần đầu tiên đã được tiến hành. Từ đó đến nay đã 39 năm,  hàng chục triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó có rất nhiều khách quốc tế. “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa Xuân” đã vĩnh cửu hóa tình cảm của dân tộc đối với Người.


Nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác, đều đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để chiêm ngưỡng và tỏ lòng biết ơn đến Vị cha già của dân tộc, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

 

 

 

 

 

 

Khởi nghĩa Trà Bồng khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam
Khởi nghĩa Trà Bồng khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam

Đầu năm 1959, đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết thực hiện chính sách "tố cộng diệt cộng", đưa ra Luật 10/59 trả thù những người kháng chiến cũ, chia cắt Đảng với dân, dìm phong trào cách mạng trong bể máu. Chúng lấy Quảng Ngãi là một trọng điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN