Người góp phần bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta gặp nhiều khó khăn vì bị cấm vận. Việc gỡ bỏ rào cản để có thể bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ là cần thiết cho cuộc tái thiết và phát triển đất nước. Và nhân vật được nhắc tới dưới đây đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy gỡ bỏ cấm vận này.

Đại tá Phạm Đức Đại, sinh năm 1929 mất năm 2003, nguyên Giám đốc Bảo tàng quân đội (nay là Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam), là người được giao nhiệm vụ làm việc với hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và John Kerry về vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh vào đầu năm 1992.
Những khó khăn

Đại tá Phạm Đức Đại nguyên Giám đốc bảo tàng Quân đội nhận kỷ vật từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo ông Phạm Đức Ngọc, con trai của Đại tá Phạm Đức Đại kể: Đầu những năm 90 của thế kỷ XX Việt Nam mong muốn mở cửa bình thường hóa quan hệ ngoại giao đối với nước Mỹ cũng như mở cửa hội nhập. Tuy nhiên đất nước vẫn còn chịu cấm vận từ phía Mỹ do phía họ vẫn còn nghi ngờ. Họ đưa ra bản danh sách khoảng 2.000 lính Mỹ chết trận và muốn chúng ta phải chứng minh rằng những binh lính đó thiệt mạng thật sự trong chiến tranh vì có một số thông tin cho rằng phía Việt Nam còn giam giữ những binh lính Mỹ đó. Phía Mỹ đưa ra yêu cầu này mong muốn Việt Nam tìm hiểu và đây sẽ là một trong các căn cứ để bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Lúc bấy giờ cả hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và John Kerry (chủ tịch ủy ban tìm kiếm) đều nhiều lần sang Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Thời gian này Đại tá Phạm Đức Đại là giám đốc Bảo tàng quân đội được cấp trên giao nhiệm vụ đón tiếp và làm việc với hai thượng nghị sĩ. Cấp trên tin tưởng rằng với kinh nghiệm nghiên cứu về bảo tàng, lịch sử của mình, đại tá Phạm Đức Đại sẽ giải quyết được vấn đề hoài nghi này của phía bạn. Để cẩn thận, đại tá Đại đã hỏi một vị lãnh đạo Tổng cục Chính trị và ông nhận được câu trả lời rằng từ khi bắt đầu chiến tranh, Bác Hồ luôn chỉ đạo chúng ta phải đối xử nhân đạo với tù binh để sau này trao trả và chúng ta đã thực hiện đúng như vậy.

Đại tá Phạm Đức Đại trao cho thượng nghị sĩ John Kerry chiếc mũ của ông John McCain.

Yên tâm về những hoài nghi lúc bấy giờ đại tá Đại đã tiếp đón phía Mỹ và nhận được danh sách khoảng 1.000 trong tổng số danh sách ban đầu là hơn 2.000 binh lính Mỹ. Mặc dù được rút ngắn nhưng danh sách này vẫn là quá nhiều và ông đã nói với thượng nghị sĩ John Kerry rằng hàng triệu liệt sĩ của ta còn chưa được tìm thấy thì việc này vượt quá khả năng của ông. Tiếp sau đó thượng nghị sĩ John Kerry rút ngắn bản danh sách xuống vài trăm người. Nhưng chừng ấy vẫn là khó khăn.

Nỗ lực được đền đáp

Công tác tìm kiếm được thực hiện ở nhiều khu vực cũng như các kho tư liệu nhưng kết quả vẫn khiêm tốn. Cuối cùng đội tìm kiếm sang Thông tấn xã Việt Nam phối hợp kiểm tra lại kho ảnh tư liệu về binh lính Mỹ bị giam giữ trong chiến tranh và tìm được bức ảnh chụp máy bay Mỹ bị bắn hạ ở Quảng Bình là phi công Marison rõ cả số hiệu quân nhân. Đây là một trong số danh sách vài chục trường hợp được tìm thấy, và ưu tiên tìm kiếm được dành cho con cái mất tích của những chính khách, nhà tài phiệt, đại tư bản.

Năm 1944, khi mới 15 tuổi đại tá Đại đã làm trinh sát cho công an Bắc Bộ. Đến năm 1946 ông nhập ngũ rồi theo phong trào Tây Tiến. Năm 1949 ông học lục quân khóa năm (tổng phản công) cùng với nhạc sĩ Phạm Tuyên. Sau khi tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1958 đại tá Đại bắt đầu đi học ngành bảo tàng. Từ năm 1966 - 1970, đại tá được cử đi sưu tầm hiện vật chiến tranh. Nhờ có quá trình dài nghiên cứu về bảo tàng nên sau này giúp ích rất nhiều trong quá trình làm việc giúp bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Không chỉ có ảnh mà còn cần phải có những hiện vật cụ thể. Chẳng hạn, thượng nghị sĩ John McCain có nguyện vọng tìm lại chiếc mũ phi công của mình khi bị quân đội ta bắn rơi tại hồ Trúc Bạch. Xin chỉ thị cấp trên, đại tá Đại đã tích cực huy động các kho hiện vật và cả bảo tàng quân đội, trong đó có mũ được cho là của thượng nghị sĩ John McCain được quân đội Từ Liêm để trong kho lưu trữ. Sau khi tìm hiểu và kiểm chứng thông tin đúng là chiếc mũ của John McCain, phía Mỹ đã tổ chức một buổi lễ trang trọng để nhận lại. Lúc này công nghệ thông tin của phía Mỹ tốt tới mức ngay hôm sau người dân Mỹ đã biết được sự kiện. Trong khi đó rất nhiều người dân nước ta vẫn chưa biết, điều này khiến một số cá nhân có suy nghĩ bảo thủ cho rằng đại tá Đại làm việc cho Mỹ, mặc dù hành trình công tác mọi việc đều có báo cáo.

Vì điều này mà một thời gian ông Đại suy nghĩ rất nhiều, thậm chí đến mức bị xuất huyết dạ dày. Nhưng sau đó mọi người cũng đã hiểu ra và nghi ngờ được xóa bỏ. Chiếc mũ của John McCain cùng với một số mũ của phi công khác và nhiều tư liệu cụ thể cho thấy binh lính Mỹ chết trận thực sự chứ không phải do chúng ta giam giữ như cáo buộc. Sau chiến tranh, chúng ta cũng rất nỗ lực làm giảm nỗi đau chiến tranh và mong muốn quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Điều này đã góp phần lớn vào việc thúc đẩy tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bin Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại và bình thường hóa quan hệ đối với Việt Nam. Thượng viện Hoa Kỳ trước đó 1 tuần đã thông qua quyết định trên. Vậy là mọi việc thành công tốt đẹp trong đó sự cố gắng không mệt mỏi của đại tá Phạm Đức Đại. Ông và cộng sự đã nhận được thư cảm ơn của Bộ Ngoại giao lúc bấy giờ.

Tuấn Anh (Ghi theo lời kể của ông Phạm Đức Ngọc - con trai Đại tá Phạm Đức Đại)
Đức kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước
Đức kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước

"Trái tim chúng tôi rộng mở, nhưng khả năng chỉ có hạn", đây là phát biểu đáng chú ý của Tổng thống Đức Joachim Gauck tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày Thống nhất nước Đức trong bối cảnh Đức cùng với các nước châu Âu khác đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN