Liên hoan phim Cannes - bữa tiệc điện ảnh danh giá và đẳng cấp

Diễn ra lần đầu tiên vào ngày 20/9/1946, và được tổ chức thường niên vào tháng năm hằng năm, tại thành phố Cannes (Pháp), Liên hoan phim Cannes được xem như bữa tiệc điện ảnh danh giá và có đẳng cấp, dù cho mỗi năm còn có nhiều liên hoan phim nổi tiếng khác cũng được tổ chức.

 

Được tổ chức thường niên vào tháng năm hằng năm, tại thành phố Cannes (Pháp), Liên hoan phim Cannes được xem như bữa tiệc điện ảnh danh giá và có đẳng cấp.


Liên hoan phim Cannes ra đời từ cuộc đấu tranh chống phát xít tại châu Âu. Năm 1939, bất bình trước việc phát xít Đức và Ý sử dụng liên hoan phim quốc tế Venice làm công cụ chính trị, bóp méo những giá trị nghệ thuật, người Pháp đã quyết định tổ chức một Liên hoan phim quốc tế khác tại thành phố Cannes, với tên gọi “Festival International du Film” (Liên hoan phim quốc tế).


Dự định khai mạc ngày 1/9/1939, tuy nhiên, do Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, mãi đến ngày 20/9/1946, Liên hoan phim Cannes đầu tiên chính thức được tổ chức. Mặc dù được tổ chức lần đầu, lại gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng liên hoan phim đã thu hút 44 bộ phim đến từ 18 quốc gia; đã có 11 bộ phim được trao tặng “Giải thưởng lớn của liên hoan”; nam diễn viên Ray Milland và nữ diễn viên Michele Morgan được trao giải nam và nữ diễn viên xuất sắc nhất.  Thành công này đã trở thành động lực, thúc đẩy các nhà điện ảnh Pháp tiếp tục tổ chức liên hoan phim Cannes trong những năm tiếp theo.


Trải qua 67 mùa, đến nay, liên hoan phim Cannes đã có những bước phát triển rất nhanh chóng, cả về chất lượng lẫn cơ cấu tổ chức. Bên cạnh việc thành lập nhiều hội đồng lựa chọn phim khác nhau, ban tổ chức cũng chọn ra các nhà điện ảnh quốc tế có tên tuổi tham gia ban giám khảo. Cơ cấu giải thưởng cũng dần được mở rộng hơn ra nhiều lĩnh vực khác như phim tài liệu, phim về các lĩnh vực nghệ thuật khác, phim về các sự kiện nghệ thuật đương đại… Giải thưởng cao quý nhất được trao ở Cannes là Palme d'Or (giải Cành cọ Vàng) cho phim xuất sắc nhất.


Giải thưởng cao quý nhất được trao ở Cannes là Palme d'Or (giải Cành cọ Vàng) cho phim xuất sắc nhất.


Cùng với liên hoan phim, từ năm 1959, hội chợ phim Cannes bắt đầu được tổ chức. Hội chợ phim đầu tiên trên thế giới này đã đưa liên hoan phim từ một sự kiện nghệ thuật điện ảnh đơn thuần trở thành một sự kiện lớn của ngành công nghiệp điện ảnh, một thị trường giao dịch phim quốc tế hàng đầu thế giới, thu hút nhiều nước tham gia.  Riêng trong năm 2013, hội chợ đã đón tiếp khoảng 11.700 nhà phát hành, nhà làm phim, chuyên gia, v.v.… đến từ 108 quốc gia khác nhau. 5.364 bộ phim đã được trình chiếu và 1.076 công ty đã trưng bày tại 397 gian hàng.


Ngoài ra, từ năm 1962, bên lề liên hoan phim Cannes còn diễn ra Tuần lễ phê bình phim quốc tế với mục đích tôn vinh những tác phẩm đầu tay của các nhà điện ảnh trên thế giới. Nhiều nhà điện ảnh trẻ nổi tiếng đã được phát hiện từ các tuần lễ phim này như François Ozon, Alejandro González Iñárritu, Julie Bertuccelli hay Eleonore Faucher.


Những đổi thay này đã khiến Liên hoan phim quốc tế ngày càng trở thành nơi trình diễn quốc tế lớn nhất của nghệ thuật điện ảnh, là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất phim và là “bệ phóng” sự nghiệp cho nhiều đạo diễn điện ảnh độc lập khác. Nhưng không vì thế mà liên hoan phim Cannes xa rời mục đích ban đầu là “khuyến khích sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh trên mọi hình thức và xây dựng tinh thần cộng tác giữa các nhà điện ảnh đến từ các quốc gia khác nhau”.


Dưới con mắt nghiêm khắc của các giám khảo liên hoan phim, những tác phẩm được vinh danh ở Cannes luôn có giá trị nghệ thuật cao. Một bộ phim được chiếu ở Cannes, không chỉ mang lại thành công cho chính nó mà có thể thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của một đạo diễn như trường hợp phim "Uncle Boonmee" của đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul. Buổi sáng trước khi công chiếu tại Cannes, bộ phim không tìm được nhà phân phối, nhưng sau liên hoan phim, nó thu hút tới 130.000 khán giả ở Pháp.


Trong số những bộ phim từng đoạt giải thưởng cao nhất của Cannes, có những bộ phim chiến thắng bất ngờ như: "The Given Word" của đạo diễn Brazil Anselmo Duarte, "Rosetta" của anh em nhà Dardenne, "Barton Fink" của anh em nhà Coen. Họ đều là những người vốn chưa có tên tuổi vào thời điểm nhận giải.


Bộ phim “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn được vinh dự tham gia hội chợ phim Cannes 2013.


Bén duyên với Liên hoan phim Cannes từ năm 1993, đến nay, điện ảnh Việt Nam mới chỉ có một số ít phim được chọn tranh giải tại Cannes như: “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, “Cuốc xe đêm” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, “Bi, đừng sợ” của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di, “Hai tư sáu” của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, “16:30” (mười sáu giờ ba mươi) – bộ phim ngắn của đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy,…Trong đó “Mùi đu đủ xanh” giành giải “Máy quay vàng” cho quay phim xuất sắc nhất tại Cannes năm 1993; “Cuốc xe đêm” đã đoạt giải ba ở hạng mục Phim ngắn tại Cannes 2000; “Bi, đừng sợ” giành được giải thưởng cho Kịch bản xuất sắc nhất tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế Cannes 2010.


Tại Cannes 2013, ngoài các phim tham gia tranh giải, còn có hai bộ phim là: “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn và “Đường đua” của nhà sản xuất, diễn viên Hồng Ánh tham gia hội chợ phim.


Dù chưa được giải cao nhưng điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày nào đó, giấc mơ “Cành cọ Vàng” sẽ trở thành hiện thực.


 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Bước tiến lớn của khoa học vũ trụ Nhật Bản
Bước tiến lớn của khoa học vũ trụ Nhật Bản

Nhật Bản bắt đầu xây dựng và phát triển công nghệ vũ trụ từ những năm 1970 bằng sự ra đời của Trung tâm vũ trụ Tsukuba. Tại đây hiện có 1.565 công trình sư và kỹ sư thường xuyên làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN