Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 5

Với sự trợ giúp, cả về chiến lược, tài chính lẫn kinh nghiệm, từ một số tổ chức và quỹ hoạt động tại New York, Tập đoàn Trimpa đã giành được một trong những thành công quan trọng nhất: Một bức thư gửi Tổng thống Obama có chữ ký của 46 nhân vật nổi tiếng trong chính giới và thương trường, hối thúc cải thiện quan hệ với Cuba.

VẬN ĐỘNG HÀNH LANG

Chỉ 3 ngày trước cuộc họp của nhóm nghị sĩ với Tổng thống Obama, một loạt những quảng cáo chính trị cỡ lớn đã đồng loạt xuất hiện trên tường các bến tàu điện ngầm quanh Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ với nội dung như: “Ngài tổng thống, đã tới thời điểm ra quyết định về chính sách với Cuba” hay “Nhân dân là đại sứ tốt nhất của chúng ta. Đã tới lúc cho phép tất cả mọi người được tự do du lịch Cuba”. 

Những thông báo này gây được tiếng vang tương đối trong truyền thông do tính mạnh dạn trong thông điệp và vị trí đặt chiến lược của chúng. Tài trợ cho các quảng cáo chính trị này là nhóm #CubaNow, một tổ chức mới đại diện cho nhóm những kiều dân đa phần là trẻ tại Miami theo đuổi một đường lối mới thân thiện với đất nước quê hương mình do Ricardo Herrero điều hành. Trong trang web của mình, #CubaNow cho biết chức năng của mình là: “Thông tin, thiết lập các mối liên hệ và thúc đẩy một cuộc đối thoại về những thực tiễn mới ở hai bên bờ eo biển Florida, vận động những hành động chính trị thực tế và hiệu quả tiến tới những thay đổi có ý nghĩa tại Cuba”, và bên cạnh việc đăng quảng cáo, tổ chức này cũng bắt đầu gửi những thư điện tử gồm tin tức, bình luận, phân tích và đề xuất cho những người dẫn dắt dư luận tại Miami và Washington, các phương tiện đại chúng và các quan chức thân cận với tổng thống Obama.

Một áp phích quảng cáo vận động chính quyền Tổng thống Obama thay đổi chính sách với Cuba của nhóm #CubaNow.

Trên thực tế, #CubaNow chỉ là một phần trong chiến dịch gây sức ép và vận động hành lang mà Tập đoàn Trimpa, có trụ sở tại Denver và do Ted Trimpa đứng đầu, phát động từ năm 2013. Tập đoàn Trimpa có nhiều kinh nghiệm và rất chuyên nghiệp trong công tác vận động hành lang. Thành tích nổi bật của họ là chiến dịch vận động cho quyền bình đẳng hôn nhân của cộng đồng người đồng tính và chuyển giới (LGBT) vào năm 2003 do tỷ phú Tim Gill tài trợ. Trong một chuyến thăm Cuba năm 2012, ông Gill tình cờ quen bà Patty Embrahimi, vợ của chủ tập đoàn phần mềm Quark Software - ông Fred Embrahimi, người gốc Cuba và đang bực mình về những rào cản của chính quyền Mỹ cản trở bà về thăm quê hương và muốn thay đổi hiện trạng đó. Ông Gill đã giới thiệu bà Patty Embrahimi cho Ted Trimpa - khi đó cũng đang ấp ủ kế hoạch vận động thay đổi chính sách Cuba, và sau những trao đổi và lập kế hoạch đầu tiên, bà Embrahimi đã tài trợ cho Tập đoàn Trimpa 1 triệu USD.

Để bắt đầu, Trimpa sử dụng một phần vốn của Embrahimi để tài trợ cho các nhân vật chính trị then chốt như lãnh đạo của phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid và thượng nghị sĩ Durbin, để có thể tiếp cận với Quốc hội; và tiếp theo đó để mở cánh cửa tới Nhà Trắng và phát triển một chiến lược truyền thông, ông ký hợp đồng với Luis Miranda, người vừa rời bỏ vị trí Giám đốc truyền thông tiếng Tây Ban Nha của Phủ tổng thống Mỹ. Sau các cuộc tiếp xúc đầu tiên với quan chức Nhà Trắng, Trimpa nhận được tín hiệu rằng một chiến dịch vận động theo hướng này là “vô cùng đáng giá” và vào mùa thu năm 2013, nhóm của Trimpa đã có một cuộc gặp với các quan chức đối ngoại then chốt như Ngoại trưởng Kerry, trợ lý ngoại trưởng phụ trách Tây Bán Cầu Roberta Jacobson và chuyên gia Hội đồng An ninh quốc gia Ricardo Zuniga.

Trong cuộc họp này, đội ngũ của Trimpa đã đưa ra một luận điểm có thể đã góp phần thay đổi quyết tâm chính trị của chính quyền Obama: Họ khẳng định rằng nếu Tổng thống Obama thay đổi chính sách với Cuba, đảng Dân chủ cầm quyền sẽ không phải gánh chịu hậu quả chính trị tiêu cực tại bang Florida. Để chứng minh và củng cố luận điểm của mình, Tập đoàn Trimpa đã tài trợ một loạt các cuộc thăm dò dư luận, thậm chí thuê cả John Anzalone - chuyên gia thăm dò dư luận của chính Tổng thống Obama - để tăng tính khả tín cho các kết quả thu được, và công bố rộng rãi các kết quả này trên các cơ quan báo chí có uy tín nhất. James Williams - đại diện của Tập đoàn Trimpa tại Washington và là người giám sát chiến dịch quảng bá khẳng định các cuộc thăm dò “đã cho thấy sự ủng hộ rộng rãi đối với sự thay đổi và tạo ra một điểm tựa cho quan điểm bình thường hóa quan hệ”. Nhằm củng cố hơn nữa cảm giác ủng hộ chính sách mới từ dư luận, đặc biệt là từ cộng đồng gốc Cuba tại Miami, Williams và Miranda đã quyết định thành lập #CubaNow để “trao tiếng nói cho đa số im lặng” tại cộng đồng trên và thuê Herrero điều hành.

Nhà báo Ernesto Londoño, tác giả của loạt bài xã luận quan trọng về Cuba trên tờ The New York Times.

Với sự trợ giúp, cả về chiến lược, tài chính lẫn kinh nghiệm, từ một số tổ chức và quỹ hoạt động tại New York, Tập đoàn Trimpa đã giành được một trong những thành công quan trọng nhất: Một bức thư gửi Tổng thống Obama có chữ ký của 46 nhân vật nổi tiếng trong chính giới và thương trường, hối thúc cải thiện quan hệ với Cuba. Trong số các nhân vật nổi tiếng ký tên, gây chú ý nhất là cựu Giám đốc CIA thời Tổng thống Bush, John Negromonte. Bức thư được công bố vào ngày 19/5/2014, đúng ngày Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ Tom Donohue thông báo sẽ dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp thăm Cuba, càng tạo hiệu ứng gây cảm giác gia tăng sự ủng hộ một chính sách mới với Cuba.

Tiếp đó, các cơ quan truyền thông lớn cũng góp tiếng nói vận động vài tháng sau đó, với loạt bài xã luận chưa từng có tiền lệ của tờ The New York Times “Cuba: một kỷ nguyên mới”. Ngày 11/10 tờ báo này ra bài xã luận đầu tiên trong loạt với tựa đề “Obama cần chấm dứt cấm vận chống Cuba” trong đó khẳng định: “Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, những thay đổi trong dư luận Mỹ và một loạt những cải cách tại Cuba việc tái thiết lập quan hệ chính thức và xóa bỏ cấm vận trở nên khả thi về chính trị”. Trong 2 tháng tiếp đó, mỗi tuần nhật báo này lại ra một xã luận mới trong loạt bài trên với các đề tài thay đổi từ nhân quyền, hợp tác trong đấu tranh chống dịch bệnh ebola tại Tây Phi, nhu cầu chuyển đổi cơ chế của kinh tế Cuba, và cả đề tài nhạy cảm là trao đổi tù nhân giữa hai bên. Loạt bài này tạo tiếng vang và được nhiều cơ quan báo chí khác trên thế giới đăng tải lại, trong đó đặc biệt là chính nhật báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba - đã tái bản bài xã luận đầu tiên kèm với bình luận cá nhân của lãnh tụ cách mạng lịch sử Fidel Castro.

Tác giả của loạt bài xã luận này là Ernesto Londoño, một nhà báo gốc Colombia mới gia nhập Hội đồng biên soạn của The New York Times chỉ vài tuần trước khi loạt bài xã luận này được đăng tải. Nhiều nhà phân tích tại Washington và La Habana tin rằng hoặc Londoño là thiên tài suy đoán, hoặc Times đã bí mật hợp tác với chính quyền Obama để tạo dựng một bối cảnh dư luận ủng hộ công khai ý tưởng cải thiện quan hệ với Cuba. Trong lần trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh NPR, Londoño thừa nhận từng nói chuyện với quan chức của Phủ tổng thống, của văn phòng thượng nghị sĩ Leahy và James Williams của Tập đoàn Trimpa, nhưng khẳng định các cuộc gặp này hoàn toàn chỉ là để tập hợp thông tin phục vụ loạt bài xã luận và rằng chính Times đã nhận thấy cơ hội thúc đẩy thay đổi chính sách với Cuba và quyết định thử vận may.

Kỳ tới: Giáo hoàng -người trung gian đặc biệt
Lê Hà
Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 4
Hé lộ bí mật các chiến dịch ngoại giao ngầm giữa Cuba và Mỹ - Kỳ 4

Đúng một năm sau ông Leahy trở lại với một phái đoàn nghị sĩ đông đảo hơn và cũng được Chủ tịch Cuba tiếp đón trong 3 giờ. Ông Leahy mang theo một số ảnh các cháu của mình và hai người ông cùng nhất trí rằng không muốn con cháu họ thừa hưởng sự thù hận giữa Cuba và Mỹ tích lũy từ hơn nửa thế kỷ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN