Đoàn nghi lễ Quân đội: nghệ sĩ - chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt

Ngày 20/8/1945, “Ban âm nhạc Giải phóng quân” (tiền thân của Đoàn nghi lễ Quân đội hiện nay) được thành lập. Trải qua 69 năm hình thành và phát triển, mặc dù có nhiều khó khăn về tổ chức biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện, song Ðoàn nghi lễ Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nếu Đội danh dự là lực lượng nòng cốt góp phần làm nên vẻ đẹp oai phong, hùng dũng của Quân đội Việt Nam, thì Đội quân nhạc được coi là linh hồn đã tạo dựng “thương hiệu” cho Đoàn nghi lễ Quân đội. Một ngày sau cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, “Ban âm nhạc Giải phóng quân” được thành lập để phục vụ Lễ tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Đoàn nghi lễ quân đội. Ảnh: qdnd.vn


Ngay từ những ngày đầu thành lập Đoàn, Bác Hồ đã khẳng định: “Một đất nước độc lập, tự chủ không thể thiếu quân nhạc”. Bác còn dặn: “Các cháu phải ra sức đào tạo thêm nhiều người vào. Quân đội ngày càng trưởng thành, càng cần nhiều quân nhạc” và: “Ông cha ta xưa có câu “Trống năng rèn, kèn năng thổi”. Bác mượn câu nói đó để nói với các cháu”.

Những lời dạy đó của Bác đã trở thành phương châm hành động của bộ đội quân nhạc và Đoàn nghi lễ Quân đội trong suốt gần 70 năm qua. Bộ đội quân nhạc được Bác Hồ tặng những chiếc dăm kèn, tămpông, rétso đủ cỡ đủ loại mà Bác Hồ mang từ Pháp về.

Trong điều kiện đất nước vừa giành được độc lập còn muôn vàn khó khăn, việc Bác Hồ tặng các chiến sĩ quân nhạc những phụ tùng kèn tây là một món quà vô giá. Không chỉ có vậy, Bác đã dành thời gian đến thăm, động viên và huấn thị nhiều điều tâm huyết đối với bộ đội quân nhạc.

Nếu như trước đây Ban âm nhạc Giải phóng quân chỉ có 75 người lính thổi kèn đồng thì đến nay đã phát triển với một đội hình mạnh, đủ sức đảm đương phục vụ những nghi lễ đón tiếp cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và những sự kiện văn hóa- thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù không trực tiếp ra mặt trận, nhưng những người lính kèn cách mạng cũng có một tinh thần “chiến đấu độc đáo”. Sự kiện ngày 20/7/1964 là một mốc son đáng nhớ trong lịch sử của Đoàn nghi lễ Quân đội. Ngày đó, ngụy quyền Sài Gòn dự định chọn bờ Nam cầu Hiền Lương để tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày ký hiệp định Geneve (ngày 20/7/1954) với ý đồ chính trị thâm độc và phản động.

Nhưng quân ta đã “tương kế, tựu kế” bằng cách bố trí một dàn quân nhạc với gần 100 nhạc công tại vị trí sát bờ Bắc sông Bến Hải thổi những bài ca cách mạng vào micrô rồi phóng lên loa tăng âm cỡ lớn, tạo nên một dàn âm thanh cực đại “đánh” vào địch phía bờ sông bên kia. Nghe thấy những giai điệu cách mạng thân quen, đồng bào ta ở bờ Nam ra sông Bến Hải để cùng hướng về miền Bắc ruột thịt với tất cả niềm tin dành cho ngày chiến thắng và thống nhất non sông sẽ sớm trở về Tổ quốc Việt Nam.

Mặc dù không phải ra thao trường luyện tập, song các chiến sĩ- nghệ sĩ quân nhạc cũng phải rèn luyện từ hơi thở, nhịp phách đến vóc dáng, quân dung, từ kỹ thuật cá nhân đến hợp luyện toàn đội hình tập thể để làm sao cho mỗi giai điệu quân nhạc khi vang lên như hội tụ được cả hồn sông, khí núi của một dân tộc với bề dày lịch sử hơn bốn ngàn năm và sức mạnh oai hùng của một quân đội cách mạng bách chiến bách thắng từng làm lay động tâm khảm của triệu triệu trái tim người dân yêu chuộng hòa trên thế giới.

Sự nghiêm trang, hùng dũng, chuẩn mực của Bộ đội danh dự hòa quyện vào vẻ đẹp hùng tráng, oai phong của Bộ đội quân nhạc trong các hoạt động nghi lễ trọng đại đã trở thành một biểu tượng văn hóa cao đẹp của Quân đội ta, góp phần khẳng định vị thế ngày càng cao của dân tộc Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Với phương châm "Nghiêm trang, trọng thị khi đón khách, tận tình, chu đáo trong lễ tang", Ðoàn chủ động nghiên cứu, tham mưu, đổi mới nghi thức, nghi lễ, đáp ứng chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Ðảng, Nhà nước; đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ tang lễ theo chính sách của Ðảng, Nhà nước, Quân đội.

Nghi lễ quân đội của Đoàn thể hiện sức mạnh và văn hóa quân sự của QÐND Việt Nam; là một phần không thể tách rời trong hệ thống các nghi lễ văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp tinh hoa nghi lễ quân đội của các nước tiên tiến trên thế giới.

Ảnh: qdnd.vn


Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn nghi lễ Quân đội gánh vác sứ mệnh quan trọng: Mang thông điệp của dân tộc Việt Nam về lòng thịnh tình hiếu khách và thái độ ứng xử văn minh đối với bạn bè quốc tế tới thăm và làm việc; sự trịnh trọng, kính cẩn, xót thương và biết ơn khi làm việc hiếu, tiễn đưa những cán bộ cao cấp của Ðảng, Nhà nước, Quân đội về nơi an nghỉ cuối cùng.

Với mục tiêu đổi mới toàn diện các mặt công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ nghi lễ, phục vụ Ðảng, Nhà nước, Quân đội cũng như thực hiện xã hội hóa quân nhạc phục vụ mọi tầng lớp nhân dân, lãnh đạo, chỉ huy Ðoàn tập trung chỉ đạo khối chuyên môn âm nhạc và bộ đội quân nhạc nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trên thế giới và những tác phẩm âm nhạc kinh điển của Việt Nam, hòa âm phối khí, dàn dựng những chương trình biểu diễn nghệ thuật xếp hình đạt trình độ cao các lễ hội lớn của dân tộc và quốc tế.

Phương tiện, kỹ thuật của Ðoàn được trang bị hiện đại hơn. Ðoàn có hai loại xe ôtô: một chuyên phục vụ nhiệm vụ nghi lễ; một chuyên thực hiện nhiệm vụ chính sách, lễ tang. Điều kiện vật chất của các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn nghi lễ ngày càng được cải thiện.

Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Ðảng, Nhà nước, Quân đội giao phó: nghi lễ và tang lễ, mỗi cán bộ, chiến sĩ đứng trong hàng quân danh dự luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào mình đang đại diện cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân trước bạn bè quốc tế. Gương mặt chiến sĩ trẻ rạng ngời thể hiện sức mạnh và trí tuệ Việt Nam.

Phát huy truyền thống "Trung thành vô hạn, đoàn kết một lòng, năng động sáng tạo, chính quy mẫu mực. Vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ" và thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ðoàn nghi lễ Quân đội sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt trong mọi hoàn cảnh, tình huống, xứng đáng với sự tin yêu của Ðảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Chu Cẩm Phong - tấm gương cao đẹp về lòng yêu nước
Chu Cẩm Phong - tấm gương cao đẹp về lòng yêu nước

Nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN