Cơ duyên đến với hội họa bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám

Nổi tiếng với phong cách tranh cổ động rất riêng, năm nay hơn 80 tuổi, họa sĩ Trường Sinh, đã có cả nghìn bức tranh, trong đó có rất nhiều bức khẳng định tên tuổi ông trong lòng công chúng như: “Nixon phải trả nợ máu”; “Khải hoàn môn của học thuyết Nixon”; “Thừa thắng xông lên”... Tuy nhiên, không nhiều người biết được cơ duyên đưa ông đến với hội họa lại chính là ngày Cách mạng tháng Tám thành công, 19/8/1945.

Họa sĩ Trường Sinh.


Sinh ra và lớn lên tại Nga Sơn, Thanh Hóa, họa sĩ Trường Sinh thể hiện năng khiếu hội họa từ khi lên 5 tuổi. Hiện ông đang là Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Văn hóa Du lịch STC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khoa học phát triển Du lịch Văn hóa Trường Xuân. Trong căn gác nhỏ nơi làm việc của Liên hiệp Khoa học Văn hóa Du lịch STC (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) trên đường Chùa Bộc - Hà Nội, ông hào hứng kể về thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công, khi vừa tròn 11 tuổi, được vinh dự cầm cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn diễu hành biểu dương lực lượng của người dân Nga Sơn ủng hộ cách mạng.

70 năm đã trôi qua, nhưng những cảm xúc về những ngày tháng đó vẫn dâng trào trong ông. "Trong Đội thiếu nhi cứu quốc hôm đó, tôi được đi đầu đoàn diễu hành hàng nghìn người. Cả đội đều rất nghiêm túc với quần trùng, áo dài, mũ lie trên đầu. Để cho “oai vệ” giống các anh bộ đội, tôi đã lấy dây buộc ngang bụng, bước đi hùng dũng”, ông Sinh bồi hồi nhớ lại. Gương mặt sáng sủa, ánh mắt tự hào, cậu bé có tiếng thông minh của trường Tiểu học Việt - Pháp (nay là Tiểu học Nga Sơn) ngày đó tay cầm cờ, miệng hát vang các bài hát “Diệt phát xít”, “Lên đàng”...

Trong trí nhớ của ông, trước Cách mạng tháng Tám, trên toàn miền Bắc đã xảy ra nạn đói khủng khiếp. Làng Yên Hạnh (nay là thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn) lúc đó là trung tâm hành chính của toàn huyện cũng chìm trong nạn đói, người dân sống cùng cực, lam lũ. Khu vực “sầm uất” nhất là quãng đường từ trung tâm làng đến sân vận động dài khoảng 1,5 km, nơi đoàn diễu hành đi qua ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cũng chỉ có lèo tèo vài chục nóc nhà.

Một trong số những bức tranh cổ động nổi tiếng của họa sĩ Trường Sinh.


Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, không khí thật sôi động. Trong mắt cậu bé Trường Sinh, phố xá, nhà cửa và cả con đường như sáng bừng. Nắng vàng ruộm trên những cánh đồng, làm hồng khuôn mặt của những nông dân vốn đen đúa vì lam lũ, đói nghèo. Trường Sinh cầm cờ đi đầu, ánh mắt nhìn cao, trước sự ghen tị của đám trẻ quanh làng. Đoàn người đi sau cậu rầm rập bước chân, hô vang khẩu hiệu chống thực dân Pháp, phát xít Nhật. Trường Sinh rất muốn ngoái đầu nhìn lại xem bà con thế nào, song lại nhớ đến trọng trách của một người cầm cờ đi đầu đoàn diễu hành nên không dám nhìn ngang, nhìn ngửa. Cậu tự hào nhìn lên lá cờ có ngôi sao vàng năm cánh, lòng rộn ràng bao cảm xúc. Chính thời khắc quan trọng ấy, cậu bé 11 tuổi quyết phải làm một điều gì đó cống hiến cho cách mạng như vẽ một bức tranh Bác Hồ thật lớn...

Dự định vẽ tranh về Bác Hồ mãi ba năm sau mới thực hiện được. Lúc đó Trường Sinh vừa đi học vừa tham gia công tác tại Phòng Thông tin - Tuyên truyền huyện Nga Sơn. Qua nhiều tài liệu thu thập được về hình ảnh của Bác, cậu đã dùng mực tàu, màu đỏ nghiền từ chu sa, màu vàng sử dụng quả giành giành... vẽ bức chân dung “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập”. Sau gần 1 năm, vẽ đi, vẽ lại, đúng dịp kỷ niệm ngày 2/9/1948, bức vẽ ưng ý nhất được hoàn thành. Bức tranh này được treo ở trụ sở phòng Tuyên truyền của huyện thu hút nhiều người đến xem. Ai cũng trầm trồ thán phục cậu bé 14 tuổi vẽ rất khéo, rất giống Bác. Bức vẽ cổ động đầu tiên này cũng tạo cho Trường Sinh cơ hội làm việc tại Ban Tuyên huấn (Tỉnh đoàn Thanh Hóa), rồi sau đó tình nguyện lên phục vụ tại Tây Bắc trong vai trò “cán bộ” tuyên huấn Đội 34 Thanh niên xung phong khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào những năm tháng gay go, ác liệt nhất. Giai đoạn này, Trường Sinh đã vẽ được rất nhiều tranh, trong đó ông nhớ nhất là bức tranh tuyên truyền đầu tiên về những người lính anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên đèo Pha Đin.

Hòa bình lập lại, Trường Sinh được cử đi học mỹ thuật tại Cộng hòa dân chủ Đức và sau đó về làm việc tại Ty Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội). Trong suốt 30 năm công tác trong ngành văn hóa, họa sĩ Trường Sinh đã có nhiều sáng tác quý. Phần lớn trong số đó là tranh cổ động cổ vũ cuộc chiến đấu của quân dân hai miền Nam, Bắc; chào mừng những sự kiện lớn của đất nước; những chiến thắng trên mặt trận quân sự và thành công trong xây dựng, kiến thiết đất nước... Tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh được giới mỹ thuật ghi nhận là có phong cách riêng. Sức lao động của ông cũng khiến đồng nghiệp vô cùng nể phục. Người dân Thủ đô năm 1970 đã được ngắm hai bức tranh khổ lớn của họa sĩ Trường Sinh treo trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày sinh vị lãnh tụ của Cách mạng Tháng 10 Nga - Lênin. Rồi trong 12 ngày đêm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Hà Nội, người dân lại được chiêm ngưỡng 12 bức tranh cổ động hừng hực khí thế chiến đấu, trong đó nhiều bức được vẽ ngay tại trận địa sau khi địch đánh phá.

Họa sĩ Trường Sinh lật giở từng bức tranh, từng trang kỷ niệm ùa về. Buồn rồi lại vui, ánh mắt ông lấp lánh khi nói về những ngày gian khó mà hào hùng của dân tộc, về việc bức tranh cổ động “Nixon phải trả nợ máu” của ông trên một bức tường vẫn vẹn nguyên trước sự hoang tàn của khu phố vốn sầm uất đã bị bom đánh sập ở Hải Phòng. Ảnh chụp bức tranh trên tường ấy là của một phóng viên người Nhật chụp khi tham gia tác nghiệp trong chiến tranh tại Việt Nam, vẫn được ông trân trọng lưu giữ cẩn thận mấy chục năm nay.

Họa sĩ Trường Sinh giờ đã có bộ sưu tập tranh lớn lên tới cả nghìn bức, trong đó nhiều bức (bản gốc) được lưu giữ ở những bảo tàng trong, ngoài nước; gần 200 bức tranh của ông được bán ra nước ngoài phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức mỹ thuật Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Cùng với kỷ lục về số lượng tranh cổ động lớn ít người có thể vượt qua, họa sĩ Trường Sinh đã tổ chức được 4 triển lãm về tranh. Ông cũng là một trong những người đầu tiên thể nghiệm vẽ tranh gốm, làm tranh kính màu và thành công với những tác phẩm tranh gốm được treo tại Nhà khách Chính phủ trên phố Ngô Quyền - Hà Nội.

Mỹ Bình
 Xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu
Xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu

Vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm và thắp nén nhang tưởng nhớ đến tác giả của lời bài ca nổi tiếng “Lên đàng” - nhà lão thành cách mạng Huỳnh Văn Tiểng, tại ngôi nhà nhỏ của gia đình tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN