Chủ trương, chính sách đối ngoại sau ngày giành độc lập-Kỳ 1

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, mở ra một kỷ nguyên mới, song cũng đặt ra cho nhân dân ta, đất nước ta không ít khó khăn, nguy cơ, thách thức. Thực hiện mục tiêu nhất quán và xuyên suốt - độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, trên nền tảng "thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài", Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) thời kỳ đó đã đề ra và thực hiện những chủ trương, chính sách đối ngoại độc đáo, kết hợp chặt chẽ giữa đối nội với đối ngoại, để bảo vệ thành quả xương máu của dân tộc.

Đối thoại, thương lượng hòa bình vì sự tồn vong của chế độ mới

Cách mạng tháng Tám 1945 là một sự kiện lịch sử vĩ đại, có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng sâu rộng vượt ra khỏi biên giới quốc gia dân tộc. Nhà nước VNDCCH ra đời - chính từ thời khắc lịch sử ấy, "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Dân tộc Việt Nam bước vào cuộc hồi sinh vĩ đại, xóa bỏ 80 năm nô lệ, xây dựng cuộc sống mới trên tư thế và địa vị của người làm chủ. Tuy nhiên, lịch sử lại đặt đất nước ta trước những nguy cơ, thách thức tồn vong - "Tổ quốc lâm nguy!".

Độc lập là vô giá, quyền dân tộc là thiêng liêng! Lúc này, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do; nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ. Các mặt đối nội và đối ngoại phải được gắn kết chặt chẽ, thống nhất, nhằm tạo lập thế và lực cho đất nước trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Trên tinh thần "Tổ quốc trên hết!", "Dân tộc trên hết!", Đảng chủ trương: "Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập". 

Như vậy, vấn đề chính quyền là vấn đề số một, cấp bách; cần và phải được giải quyết trên nền tảng kết hợp chặt chẽ ba mặt đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao. Nhận thức mối liên hệ chặt chẽ, quy định và chi phối lẫn nhau giữa ba mặt đấu tranh đó, Đảng chủ trương chính trị, quân sự phải tạo đà cho ngoại giao, đến lượt mình, ngoại giao trở thành cánh tay nối dài của chính trị, cũng như quân sự. Hiện thực hóa chủ trương ấy, ngày 3/10/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức ra Thông cáo về chính sách ngoại giao. Thông cáo chỉ rõ mục tiêu bất di, bất dịch các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là "đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn". Để thực hiện mục tiêu ấy, "tất cả chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự tranh đấu ấy thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết". Có thể thấy, trong cơn "nước sôi, lửa bỏng", Đảng đã đánh giá đúng điều kiện khách quan, chủ quan để đưa ra phương pháp đấu tranh ngoại giao phù hợp, trong đó, đối thoại, thương lượng hòa bình cần được đặt lên hàng đầu.

Nhằm làm rõ hơn nữa những nội dung đối ngoại quan trọng, mang tính nguyên tắc, Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25/11/1945) nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản: "Một là, thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là, muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực". Quan điểm đó cần được hiểu: Giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ chế độ là mục tiêu nhất quán trong toàn bộ chủ trương, chính sách đối ngoại; nguyên tắc thực hiện là "thêm bạn bớt thù", "biểu dương thực lực", chú trọng biện pháp đối thoại và thương lượng hòa bình. Nắm vững những định hướng và nguyên tắc đối ngoại nêu trên, Nhà nước VNDCCH đã tiến hành những hoạt động ngoại giao hết sức đặc biệt: 

Ngoại giao ngay chính trên đất nước mình, thực hiện những bước đi sách lược khôn khéo, nhân nhượng, đối thoại với kẻ thù. Bước đi sách lược thứ nhất là tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng, "chủ trương Hoa – Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc", nhân nhượng cho quân Tưởng một loạt quyền lợi, song kiên quyết không để chúng can thiệp vào nội trị và xâm hại đến độc lập, tự do của chúng ta. Bước hòa hoãn sách lược ấy đã cho ta thời gian rảnh tay đối phó với quân Pháp ở miền Nam, từng bước phá tan âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch, bảo vệ chính quyền cách mạng. Bước đi sách lược thứ hai được đặt ra sau khi hai nước lớn Hoa - Pháp mua bán, trao đổi lợi ích, ký kết Hiệp ước tại Trùng Khánh (28/2/1946), "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa - Pháp". 

Trước thời khắc gay go, đòi hỏi những quyết sách sáng suốt, đong đếm mọi lợi, hại, "biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong và ngoài nước", Đảng đã quyết định hòa với Pháp. Chủ trương "Hòa để tiến" của Đảng được thực hiện thông qua việc ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt (6/3/1946). Dù còn những điều bất lợi, song ký kết Hiệp định, chúng ta đã đạt được những mục tiêu vô cùng quan trọng: Một là, bản Hiệp định mang tính chất văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, chứng tỏ rằng, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, "nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ"; hai là, biến thỏa thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thỏa thuận tay ba Việt - Pháp - Hoa, kết thúc vai trò của lực lượng Tưởng Giới Thạch về mặt pháp lý trên đất nước ta, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng; ba là, bảo toàn được thực lực, "dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới". Trên tất cả, quan trọng hơn hết thảy là hòa không phải là lùi bước, không phải là đầu hàng, không phải là thất bại, không nhụt ý chí chiến đấu, mà hòa là bước đệm, toàn dân tộc "không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu (...), hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy". Đây cũng là điểm cốt tử gắn kết đối ngoại với đối nội trong một thể thống nhất, tạo thành sức mạnh cần và đủ để chính quyền non trẻ trụ vững, để chế độ mới tồn tại, gánh vác tương lai của dân tộc. Đất nước đã vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc”, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chúng ta không hề muốn, song lường định là khó tránh khỏi, là vô cùng khó khăn, lâu dài và gian khổ.

(Còn tiếp)

PGS. TS Nguyễn Thị Mai Hoa (Khoa Lịch sử, Trường đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.)
Chủ trương, chính sách đối ngoại sau ngày giành độc lập-Kỳ cuối
Chủ trương, chính sách đối ngoại sau ngày giành độc lập-Kỳ cuối

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ vừa mới ra đời chưa được bất kỳ một nước nào trên thế giới công nhận, đất nước bị bao vây từ bốn phía.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN