85 năm ngành cao su Việt Nam

Cách đây hơn 85 năm, vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3, Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc xã Tân Lợi (nay là xã Thuận Phú), huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập.

Từ đó, phong trào đấu tranh của công nhân cao su dần chuyển biến, lực lượng công nhân cao su đã sớm trở thành đội quân tiên phong của phong trào cách mạng; và ngày 28/ 10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Cao su Việt Nam.

Công nhân Cao su làm việc tại nông trường ở Phú Riềng, Bình Phước. Ảnh: Thế Anh-TTXVN


* Những dấu ấn

Sau 10 năm nghiên cứu trồng thử nghiệm, năm 1897, thực dân Pháp đã chính thức cho du nhập cây cao su vào Việt Nam. Đến đầu những năm 30 của thế kỷ XX, diện tích trồng cao su lên đến gần 130.000 ha.

Song song với đó, đội ngũ công nhân làm cao su cũng tăng nhanh, lúc cao điểm lên đến trên 70.000 người. Thời bấy giờ, công nhân cao su bị bóc lột đến tận xương tủy. Họ phải sống một cuộc đời trăm cay nghìn đắng, khổ cực, tủi nhục trăm bề, “thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”.

Sự áp bức và bóc lột cùng cực đó đã đẩy người công nhân đồn điền cao su phải đứng lên tự vệ, bảo vệ quyền sống của mình. Đêm 28/10/1929, tại Làng 3 của Đồn điền Cao su Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ đã được thành lập.

Chi bộ gồm 6 thành viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư. Sự kiện lịch sử này là một mốc son chói lọi của Ngành cao su Việt Nam.

Người công nhân chăm chú cạo mủ cao su . Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Kể từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao su đã có sự biến đổi nhảy vọt về chất. Những cuộc đấu tranh nhỏ, lẻ, tự phát trước đây được thay thế bằng phong trào đấu tranh có tổ chức, có mục tiêu và phương pháp cách mạng khoa học.

Nổi bật nhất là cuộc bãi công của gần 5.000 công nhân cao su Phú Riềng năm 1930, đã làm nên một “Phú Riềng đỏ” anh hùng. Lần đầu tiên, công nhân cao su đã buộc chủ Tây phải ký vào biên bản đáp ứng những yêu cầu của công nhân.

Ngay sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, tiếng vang “Phú Riềng đỏ” không chỉ lập tức lan truyền đến các đồn điền cao su lân cận, mà còn tạo ảnh hưởng, động viên to lớn đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động trên phạm vi cả nước.

Và cũng kể từ đây, đội ngũ công nhân ngành cao su Việt Nam đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, góp phần

Năm 2013, sản lượng cao su ước đạt 1.043.000 tấn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sản lượng cao su của Việt Nam vượt qua mốc 1 triệu tấn, tiến từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong danh sách các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

* Không ngừng phát triển lớn mạnh

Sau khi đất nước được giải phóng, diện tích cây cao su trên cả nước chỉ còn 47.000 ha, hầu hết cơ sở vật chất kỹ thuật bị hư hỏng, không đồng bộ và công nghệ lạc hậu.

Để khôi phục lại sản xuất, đội ngũ công nhân ngành Cao su phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng. Nhờ đó, đến cuối năm 1976, vườn cây, nhà máy của ngành cao su nước ta từng bước hoạt động có hiệu quả.

Năm 1995, Tổng Công ty Cao su Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đã được thành lập. Đây là một dấu mốc quan trọng để ngành Cao su Việt Nam từng bước khẳng định vị trí là một trong những mũi nhọn kinh tế của đất nước.

Ngày nay, cao su đã trở thành một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn với tỉ suất lợi nhuận và hàm lượng nội địa cao, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo và góp phần tạo thêm vốn, ngoại tệ cho đất nước. Nhiều địa phương chọn cao su là một trong những cây trồng chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững.

Nhờ đó, diện tích cây cao su cả nước liên tục được phát triển mở rộng. Hiện toàn ngành Cao su Việt Nam đã có trên 900.000 ha cao su. Cùng với diện tích, sản lượng cao su Việt Nam liên tục tăng.

Kể từ năm 2006 đến nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên của nước ta luôn đạt trên 1 tỷ USD và luôn có mặt trong top 10 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước ta, là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao thứ 3 sau gạo và cà phê. Xuất khẩu cao su của Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 4 về xuất khẩu trên thị trường cao su thế giới.

Không chỉ đóng góp về giá trị về kinh tế, các doanh nghiệp ngành Cao su còn đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, góp phần củng cố, giữ gìn quốc phòng an ninh và là sứ giả, là nhịp cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với hai nước bạn Lào và Campuchia.

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ngành cao su, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN



James Cook với những hành trình khám phá vùng đất mới
James Cook với những hành trình khám phá vùng đất mới

James Cook là một trong những nhà hàng hải vĩ đại nhất trong lịch sử, ông cũng là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hawaii và là người đầu tiên đi vòng quanh New Zealand.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN