09:23 28/09/2011

“Giải mã” hiện tượng “vênh giá” giữa vàng trong nước và thế giới

Dù lên cao, tụt dốc cùng với đà biến động của giá vàng thế giới, nhưng trong những biến động gần đây của thị trường vàng trong nước, không ít ý kiến cho rằng vàng trong nước đang bị “làm giá”.

Dù lên cao, tụt dốc cùng với đà biến động của giá vàng thế giới, nhưng trong những biến động gần đây của thị trường vàng trong nước, không ít ý kiến cho rằng vàng trong nước đang bị “làm giá”. Dấu hiệu là sự chênh lệch khá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới: Có thời điểm, khoảng cách này là hơn 4 triệu đồng/lượng.

Đây là nội dung chính được “giải mã” tại buổi phỏng vấn trực tuyến về thị trường vàng do Báo điện tử VnExpress.net tổ chức chiều 28/9.

Can thiệp chậm

Tại buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Võ Trí Thành, nhận định: Mấy ngày vừa qua, biến động giá vàng là theo xu thế của thị trường thế giới. Tuy nhiên, ông Thành cũng phải đặt câu hỏi về sự chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới có sự khác biệt nhau nhiều. Có lúc dưới 400.000 đồng/lượng, nhưng cũng có lúc trên 1 triệu, và thậm chí là trên 4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng cho biết: Giá chênh trên 400.000 đồng/lượng là có động lực để nhập lậu vàng.

Người dân đổ xô đi mua khi giá vàng giảm mạnh. Ảnh: Lê phú

Đại diện CIEM phân tích: Lý do của hiện tượng này thì có nhiều, trong đó có tốc độ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Độ trễ giữa hoạt động nhập vàng với nhu cầu tại từng thời điểm của nhà đầu tư, người dân, và ngay cả của những người đầu cơ. Một lý do nữa là trên thị trường, giá tăng cao không khiến nhu cầu giảm, tạo ra hiệu ứng đẩy giá. Bên cạnh đó, là khả năng ổn định tỷ giá của NHNN (mức chênh giữa tỷ giá chính thức với thị trường tự do). Cuối cùng, việc thị trường có bị thao túng không còn phụ thuộc lớn vào mức độ cạnh tranh và minh bạch hóa thông tin của thị trường này (kể cả trong và ngoài nước). Trong bối cảnh như vậy, phải thừa nhận rằng trong thời gian qua, cơ quan quản lý có những chậm trễ, thiếu sót nhất định.

Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Công ty Vàng Agribank (AJC) cho rằng: Giá vàng thế giới thực ra cũng do một số đơn vị đặt ra. Cũng như thế, ở trong nước, việc đặt giá vàng trong nước do một số ngân hàng, công ty lớn đặt ra. “Đây cũng có thể gọi là "làm giá" nếu như chúng ta gọi điều này với ý nghĩa là thiết lập giá vàng”.

Ông Trúc cũng xác nhận hôm 23/8, có lúc giá vàng lên tới 49 triệu đồng/ lượng, chênh trên dưới 3 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Khi NHNN công bố tin nhập khẩu, thì các đơn vị buộc phải bán nhanh, vì khi vàng về chắc chắn cung sẽ nhiều hơn. Do đó điều này tác động khiến giá ngay lập tức giảm là điều tất yếu. Tuy nhiên, gần đây việc nhập khẩu bị hạn chế, điều này cũng gây khó khăn cho việc hạ nhiệt giá vàng.

Quota không phải công cụ hoàn hảo

Theo ông Trúc, ngày 27 và 28/9, khi một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng thì lập tức giá SJC giảm từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/lượng dù quốc tế tăng 20 USD/ounce. “Nếu hạn ngạch (quota) nhập khẩu vàng của Nhà nước kịp thời thì giải quyết được những vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, quota nhập 5 - 7 ngày là hết. Hơn 1 tuần sau, nếu không nhập khẩu tiếp thì giá vàng lại lên xuống” - ông Trúc nói. Ông cho rằng, nếu tiếp tục cấp phép nhập khẩu thì giá vàng trong nước và thế giới sẽ xích lại gần nhau.

Tìm giải pháp giúp khắc phục những bất ổn trên thị trường vàng hiện nay, phía DOJI cho rằng: Thứ nhất, NHNN cần chủ động sử dụng công cụ quota một cách uyển chuyển và hợp lý về khối lượng, thời gian cho phép nhập khẩu. Thứ hai, cần có những biện pháp và sự phối hợp để đơn vị sản xuất, gia công vàng miếng là Công ty vàng bạc đá quý SJC - Sài Gòn sản xuất, gia công nhanh nhất đối với số lượng vàng được nhập về, tránh tình trạng bị "khê đọng" vàng nguyên liệu của các đơn vị nhập khẩu. Thứ ba, cần có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các đơn vị tổ chức, kinh doanh vàng, chống việc chi phối một cách tiêu cực với thị trường vàng hiện nay.

Theo CIEM, về dài hạn, cùng với Nghị định quản lý vàng của Nhà nước sắp ra đời, còn cần nhiều biện pháp khác. Vàng gắn với tỷ giá, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô, vòng xoáy vàng gắn với đôla hóa, mất giá, lạm phát. Chính vì vậy, biến động vàng có liên quan chặt chẽ với vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, trước hết, cần ổn định tỷ giá ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ thị trường "chợ đen". Đây là điều kiện then chốt để giá vàng không bị biến động đột ngột gây ra những hệ lụy khó lường. Tiếp theo, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý vàng mà thị trường và xã hội đang chờ đợi; xây dựng đề án huy động vàng trong dân mang tính khả thi và kiểm soát rủi ro chặt chẽ khi NHNN nắm giữ (vay) một lượng vàng rất lớn từ dân cư... Thị trường vàng cần được vận hành và tổ chức theo quy luật của thị trường, giảm bớt các can thiệp hành chính.

Lúc 22 giờ 30 ngày 28/9 (giờ VN), trên thị trường giao dịch điện tử New York (Mỹ), giá vàng giảm 7 USD (0,4%) xuống 1.645 USD/ounce (tương đương 41,26 triệu đồng/lượng). Phiên trước, trong hầu hết các hợp đồng lớn tại New York, giá vàng giao tháng 12/2011 đã chốt phiên đột ngột tăng tới 57,7 USD (tương đương 3,6%) lên mức 1.652,5 USD/ounce. Theo nhà phân tích Ong Yi Ling thuộc Công ty Phillip Futures có trụ sở tại Xinhgapo, sau khi giá vàng rơi tự do trong mấy phiên gần đây, tâm lý của các nhà đầu tư bị tác động khá mạnh và dự kiến giá vàng sẽ còn giảm thêm. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài thị trường để chờ giá vàng ổn định mới quay lại. Chuyên gia này cũng cho rằng nhân tố USD dự kiến tiếp tục chi phối thị trường vàng, khiến giá vàng có thể lùi về mức 1.525 USD/ounce. Trong khi đó, một nhà kinh doanh tại sàn Hồng Công nhận định các hãng kim hoàn sẽ đẩy mạnh mua vào nếu giá vàng lùi về ngưỡng 1.500 USD/ounce. lDù đã có lúc vượt 45 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước ngày 28/9 giảm mạnh khoảng 1 triệu đồng so với cuối giờ chiều 27/9. Cuối ngày, vàng miếng được hầu hết các doanh nghiệp giao dịch dưới 45 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Lúc 15 giờ, giá vàng SJC của Công ty vàng bạc Phú Quý được điều chỉnh tăng khoảng 500.000 đồng/lượng so với lúc mở cửa, giao dịch ở mức 44,55– 45,1 triệu đồng/lượng (mua vào– bán ra). Vàng Bảo Tín Minh Châu cũng được điều chỉnh tăng lên thành 45,1 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi giá mua vào thấp hơn đến 500.000 đồng/lượng, ở mức 44,55 triệu đồng/lượng. Đến cuối ngày, theo đà giảm của giá vàng thế giới, vàng trong nước lại mất mốc 45 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu lúc 17 giờ niêm yết vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 44,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra là 44,9 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, vàng SBJ được Công ty Sacombank niêm yết tại thị trường TP.HCM tương ứng là 44,31– 44,69 triệu đồng/lượng. Thuỳ Dương-Đ.Huyền

Minh Phương