01:06 09/01/2015

Giải mã đối đầu Nga-phương Tây trong 'Chiến tranh Lạnh mới'

Thế giới chưa từng chứng kiến không khí căng thẳng và đầy thách thức trong năm 2014 kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, với việc máu đã đổ ở châu Âu và Trung Đông trong khi xuất hiện những bế tắc trong các cuộc đối thoại giữa những cường quốc lớn.

Khi năm 2014 khép lại, rõ ràng là các cấu trúc chính trị quốc tế và châu Âu vốn được hình thành kể từ năm 1989 đã bị sụp đổ trước thử thách của thời gian.

Thật vậy, thế giới chưa từng chứng kiến một môi trường căng thẳng và đầy rẫy thách thức như đã diễn ra trong năm qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, với việc máu đã đổ ở châu Âu và Trung Đông trong khi xuất hiện những bế tắc trong các cuộc đối thoại giữa những cường quốc lớn trên thế giới, đặc biệt là giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Có thể nói, thế giới đang đứng bên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thậm chí một số người còn cho rằng cuộc chiến này đã thực sự bắt đầu.

Trong khi đó, tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới – Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc – lại có vai trò mờ nhạt hay không có hành động cụ thể nào để ngăn chặn các cuộc xung đột và sự tàn sát. Tại sao tổ chức này không quyết tâm trong việc đánh giá tình hình và xây dựng một chương trình hành động chung?

Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu được cho là đang bên bờ vực của cuộc Chiến tranh Lạnh 2.


Có một lý do chính, đó là niềm tin - vốn được xây dựng thông qua các hoạt động tích cực và những nỗ lực chung nhằm kết thúc cũng như xóa bỏ những di sản tiêu cực thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây - đã đổ vỡ. Không có niềm tin thì nền hòa bình trong các mối quan hệ quốc tế trong thế giới đang toàn cầu hóa ngày nay là rất khó có thể đạt được. Nhưng niềm tin này không phải bị suy giảm mới đây và trong ngày một ngày hai. Gốc rễ của tình hình hiện nay nằm trong các sự kiện của năm 1990.

Chiến tranh Lạnh kết thúc được cho là sẽ mở ra con đường hướng tới một châu Âu mới và một trật tự thế giới an toàn hơn. Nhưng, thay vì đi xây dựng các thể chế an ninh mới và theo đuổi việc phi quân sự hóa ở châu Âu – như những gì mà NATO đã hứa trong Tuyên bố London năm 1990 - thì phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lại tuyên bố mình là bên chiến thắng. Sự phấn khích và thái độ hân hoan đã xuất hiện đối với các nhà lãnh đạo hàng đầu của phương Tây. Lợi dụng điểm yếu của Nga và việc thiếu một đối trọng, họ đã bỏ qua những lời cảnh báo để duy trì thế độc tôn lãnh đạo toàn cầu.

Các sự kiện diễn ra trong vài tháng qua là kết quả của những nỗ lực thiển cận nhằm áp đặt ý chí của phương Tây trong khi lờ đi lợi ích của các đối tác. Một danh sách sơ bộ của những “việc đã rồi” như vậy có lẽ bao gồm sự mở rộng của NATO, cuộc chiến tranh ở Nam Tư (đặc biệt Kosovo), kế hoạch phòng thủ tên lửa, Iraq, Libya Syria và Ukraine. Kết quả là, những điều từng được coi là một “vết bỏng” giờ đây trở thành một vết thương bị bưng mủ.

Và  châu Âu có lẽ bị tổn thương nhiều nhất. Thay vì đi đầu nhằm thay đổi trong một thế giới đang toàn cầu hóa, lục địa này lại trở thành một đấu trường chính trị đầy biến động, cạnh tranh về khu vực ảnh hưởng và xung đột quân sự. Chắc chắn, hậu quả là châu Âu đang bị suy yếu tại một thời điểm khi các trung tâm quyền lực khác có ảnh hưởng ngày càng tăng lên. Nếu điều này tiếp tục, châu Âu sẽ mất ảnh hưởng của mình cũng như dần trở nên không liên quan trong các vấn đề quốc tế.

Moskva cho rằng sự mở rộng của NATO về phía đông đe dọa đến an ninh của Nga.


May mắn thay, những kinh nghiệm của những năm 1980 đang gợi mở ra một con đường ở phía trước. Tình hình quốc tế tại thời điểm đó là không ít nguy hiểm hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, các bên đã thành công trong việc cải thiện nó - không chỉ bình thường hóa quan hệ mà còn kết thúc cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây. Điều này đạt được chủ yếu thông qua đối thoại. Nhưng chìa khóa để đối thoại là ý chí chính trị và đề ra các ưu tiên đúng đắn.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng

Hiện nay, ưu tiên hàng đầu phải là đối thoại và tự đối thoại: một sự đổi mới về khả năng tương tác, biết lắng nghe, và thấu hiểu lẫn nhau. Có những tín hiệu đầy hứa hẹn đang nổi lên mặc dù những nỗ lực ban đầu đã đạt được là rất khiêm tốn và kết quả là rất mong manh: Thỏa thuận Minsk về một lệnh ngừng bắn và rút các hoạt động quân sự ở Ukraine; các thỏa thuận khí đốt ba bên ký kết giữa Nga, Ukraine, và EU; và một số hành động nhằm ngăn chặn sự leo thang của các lệnh trừng phạt lẫn nhau.

Ngoài ra, cả Nga và phương Tây phải ngừng các cuộc khẩu chiến và cáo buộc lẫn nhau để tìm kiếm những điểm chung, xóa bỏ dần các lệnh trừng phạt, vốn đang gây tổn hại cho cả hai bên. Bước đầu tiên sẽ là các biện pháp trừng phạt cá nhân gây ảnh hưởng đến các nhân vật chính trị và các nghị sĩ phải được dỡ bỏ, để họ có thể tái tham gia vào các quá trình tìm kiếm giải pháp mà đôi bên cùng có thể chấp nhận được. Một không gian cho sự tương tác giữa Nga và phương Tây cũng có thể sẽ giúp Ukraine khắc phục hậu quả của chiến huynh đệ tương tàn và xây dựng lại các khu vực bị tàn phá.

Cả Nga và phương Tây phải ngừng các cuộc khẩu chiến và cáo buộc lẫn nhau để tìm kiếm những điểm chung xóa bỏ dần các lệnh trừng phạt, vốn đang gây tổn hại cho cả hai bên.


Điều này cũng phù hợp cho việc đối phó với những thách thức toàn cầu và an ninh của châu Âu. Các vấn đề toàn cầu quan trọng ngày nay - chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, nghèo đói và bất bình đẳng, sự biến đổi khí hậu, di cư và dịch bệnh - đang xấu đi từng ngày. Và, dù có những khác biệt nhất định, nhưng các bên đều phải chia sẻ một nguyên tắc chung: không có bất kỳ một giải pháp quân sự nào. Tuy nhiên, các cơ chế chính trị để giải quyết những vấn đề trên còn đang thiếu hoặc chưa đủ mạnh. Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra thuyết phục chúng ta rằng không nên chậm trễ trong việc tìm kiếm một mô hình mới có thể đảm bảo tính bền vững về chính trị, kinh tế và môi trường.

Đối với an ninh của châu Âu, chỉ có một giải pháp trên toàn châu Âu là khả thi. Thật vậy, nỗ lực để giải quyết vấn đề bằng cách mở rộng NATO hoặc thông qua một chính sách quốc phòng của EU là phản tác dụng. Các bên liên quan cần các thể chế và cơ chế toàn diện cung cấp sự bảo đảm và bảo đảm cho tất cả các nước.

Ở đây, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), vốn rất được kỳ vọng, cho đến nay chưa thể hiện được vai trò của mình. Điều đó không có nghĩa rằng OSCE cần phải được thay thế bằng một tổ chức mới - đặc biệt là kể từ khi tổ chức này đảm nhận các chức năng kiểm soát quan trọng ở Ukraine. Nhưng nếu ví OSCE là một “dinh thự” thì cơ quan này cần phải được đại tu và một số công trình phải được xây mới.

Những năm trước đây, cựu Ngoại trưởng Đức Hans Dietrich Genscher, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Brent Scowcroft, và các hoạch định chính sách khác đã đề xuất thành lập một “Hội đồng An ninh”, hoặc “Ban Giám đốc” đối với châu Âu. Cùng với đó, trong nhiệm kỳ tổng thống, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cũng kêu gọi thành lập một cơ chế ngoại giao phòng ngừa ở châu Âu và những tham vấn bắt buộc trong trường hợp có một mối đe dọa đối với an ninh của bất kỳ quốc gia nào. Nếu một cơ chế như vậy được thành lập, các sự kiện tồi tệ nhất ở Ukraine có thể đã được ngăn chặn.


Công Thuận