11:06 04/11/2014

Giải mã chương trình không gian giá rẻ của Ấn Độ (Tiếp theo và hết)

Gia nhập câu lạc bộ ít ỏi các nước đưa thành công tàu thăm dò đi vào quỹ đạo của Sao Hỏa, nhưng điều đáng bàn là New Delhi đã có được thành công ngay ở lần thử đầu tiên với một số tiền đầu tư rất khiêm tốn.

Giải thích về việc làm thế nào để giảm tối đa chi phí cho Magalyaan, nhà nghiên cứu Lele chỉ rõ ISRO “đã phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng chung cho cả nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng và khám phá Sao Hỏa”. Nhờ vậy, ISRO đã tiết kiệm được chi phí cho nghiên cứu và phát triển; cho phát triển nguyên mẫu và thử nghiệm.

Tháng 9/2014, Ấn Độ phóng thành công tàu Mangalyaan lên quỹ đạo Sao Hỏa.


Quan trọng hơn, công nghệ mà ISRO phát triển là hoàn toàn “make in India”. Không giống như chương trình của NASA thường “sử dụng các dự án thuê ngoài hay các công ty như Lockheed Martin hoặc Boeing, ISRO tự làm tất cả”. Chính điều này giúp cắt giảm đáng kể chi phí. Và tất nhiên, tiền trả cho chuyên gia của Ấn Độ cũng thấp bởi các nhà khoa học ISRO có lương thấp hơn nhiều so với những đồng nghiệp của họ tại NASA và các cơ quan hàng không khác.

Doanh thu hàng trăm triệu USD

Cùng với thành công trên không gian, ISRO đồng thời đem lại lợi nhuận cho Ấn Độ. Dịch vụ phóng vệ tinh của cơ quan này đã sinh lời khi trong các năm 2012 - 2013, công ty vũ khí thương mại của ISRO, Antrix Corportation, báo cáo đạt doanh thu 216 triệu USD.

Dự kiến tăng trưởng của công ty này trong năm 2014 - 2015 là 15%. Mặc dù, các sản phẩm, dịch vụ không gian của ISRO có hiệu suất và độ tin cậy cao và thu hút nhiều khách hàng, Ấn Độ vẫn chưa phải là một trong những bên chủ chốt trên thị trường phóng vệ tinh vũ trụ toàn cầu.

Có hai nguyên nhân lý giải thực tế này. Một là Ấn Độ mới chỉ có một cơ sở phóng vệ tinh với hai bãi phóng, điều này hạn chế số lượng vệ tinh phóng xuống chỉ là 2 - 4 lần mỗi năm. Quan trọng hơn, Ấn Độ chưa thành công trong việc biến GSLV thành một hệ thống vận hành hoàn chỉnh.

Tới nay, Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào thiết bị phóng địa cực (PSLV), vốn vẫn cho thấy sự tin cậy khi phóng các vệ tinh vào các quỹ đạo thấp của Trái Đất, với trọng lượng dưới 1 tấn và sử dụng cho các mục đích viễn thám, thử nghiệm và điều hướng. Tuy nhiên, thị trường phóng đang hướng tới các thiết bị có trọng lượng 3 - 7 tấn, được phóng vào quỹ đạo địa tĩnh dùng cho viễn thông, phát thanh truyền hình và dự báo thời tiết.

Vì vậy, nếu muốn trở thành một đối tác lớn trên thị trường phóng vệ tinh toàn cầu trị giá nhiều tỷ USD vốn đang bị các công ty châu Âu và Trung Quốc thống trị, ISRO cần phải phát triển khả năng mang những vệ tinh nặng hơn đi vào quỹ đạo địa tĩnh.

Các nhà khoa học Ấn Độ vận chuyển một bộ phận tên lửa tại làng Thumba.


Tháng 1/2014, sau rất nhiều thất bại, Ấn Độ đã có bước tiến quan trọng theo hướng này khi phóng thành công vệ tinh nặng gần hai tấn sử dụng hệ thống GSLV và động cơ làm lạnh do chính nước này phát triển. 

Việc vận hành được hệ thống GSLV sẽ cung cấp cho Ấn Độ một thị phần lớn hơn trên thị trường mà đến năm 2020 dự kiến sẽ phóng khoảng 1.000 vệ tinh vào cả quỹ đạo thấp và địa tĩnh. Điều này cũng đồng thời giúp ISRO, với công nghệ phóng tự phát triển, loại bỏ được thách thức về chi phí cao cho mỗi lần phóng mà các cơ quan hàng không vũ trụ nước ngoài đòi hỏi khi phóng các vệ tinh hạng nặng.

Các nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng và Sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ bị giới hạn về quy mô do sử dụng PSLV nên vệ tinh mang theo nhỏ hơn. Nhưng với GSLV, các nhà khoa học cho rằng tham vọng không gian của Ấn Độ đang được chắp cánh.

Tới nay, thị trường của ISRO vẫn mới đang giới hạn ở các khách hàng châu Âu và Canada và dường như coi nhẹ những thị trường lân cận, như Sri Lanka và Pakistan, những người đã quay sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu phóng vệ tinh của mình, còn Afghanistan lại nhờ châu Âu đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Do vậy, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể mở rộng thị trường của mình bằng cách chào dịch vụ tới các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

Trong đợt phóng tàu gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi ISRO phát triển một vệ tinh như là một món quà của nước này cho các nước láng giềng tại Hiệp hội Nam Á vì Hợp tác khu vực (SAARC) vì một vệ tinh như thế có thể thúc đẩy hợp tác khu vực. Cùng với việc duy trì các mục tiêu phát triển của mình, chương trình không gian của Ấn Độ có thể giúp giải quyết các vấn đề chung như nghèo đói, mù chữ, thảm họa thiên nhiên…

Như vậy, sự thành công của tàu Mangalyaan cuối tháng 9 vừa qua đã mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Ấn Độ. Đi kèm với những lợi ích về thương mại, Ấn Độ qua đó cũng đang tiến những bước đầu tiên trong việc sử dụng không gian vũ trụ như một công cụ để mở rộng quyền lực mềm trong khu vực và thế giới.


Thái Nguyễn (The Diplomat)