08:05 02/08/2012

Giải bài toán ở những tiêu chí khó đạt

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thái Bình, sau một thời gian triển khai thực hiện, Thái Bình đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, vướng mắc mà Thái Bình cần phải tháo gỡ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thái Bình, sau một thời gian triển khai thực hiện, Thái Bình đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, vướng mắc mà Thái Bình cần phải tháo gỡ.


Đó là, vẫn còn một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa thực sự tin tưởng vào xây dựng NTM, nên quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Ngoài ra, do đây là mô hình mới, cơ chế, chính sách cũng mới nên việc tiếp cận và triển khai các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện cho đến các ban quản lý Chương trình của các xã cũng còn nhiều lúng túng.


Vấn đề đào tạo nghề cho nông dân Thái Bình vẫn đang gặp khó.
Ảnh: Thái Bình - TTXVN


Khi đưa 19 tiêu chí về mô hình NTM của tỉnh so sánh với điều kiện của những xã được chọn, Thái Bình còn không ít vấn đề cần bàn. Chẳng hạn, tiêu chí thứ 10 quy định rằng thu nhập bình quân đầu người của một xã đạt chuẩn NTM phải bằng 1,5 lần thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh. Hay như tiêu chí thứ 12, về cơ cấu lao động. Để trở thành NTM, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của mỗi xã chỉ còn lại 25%. Nghĩa là mỗi xã phải chuyển 75% lao động trong độ tuổi của mình sang làm việc phi nông nghiệp.


Chuyển được như vậy, chắc chắn thu nhập của người dân sẽ cao hơn. Nhưng vấn đề là làm thế nào để chuyển, khi phần lớn lao động ở các địa phương đều chưa qua đào tạo, và chuyển đi đâu.


Bên cạnh đó, theo tính toán của tỉnh, số tiền dành cho Chương trình xây dựng NTM Thái Bình giai đoạn 2011- 2015 (cho 67 xã đạt tiêu chí NTM) là 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế ưu tiên đặc thù bố trí vốn thì việc huy động các nguồn vốn trên là hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là khó có tính khả thi.


Vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi một quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tổ chức sản xuất thật hợp lý, cần xây dựng được những chuỗi nông sản liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro.


Trong công tác đào tạo nghề, nhiều địa phương người dân còn chưa hiểu thế nào là nghề nông nghiệp, vẫn còn loay hoay chưa biết phát huy đào tạo nghề cho nông dân như thế nào. Người dân Thái Bình thu nhập chính là từ nông nghiệp, nhưng hiện diện tích ruộng tính trên bình quân đầu người thấp, ruộng nhỏ, manh mún.


Trong khi đó xây dựng NTM hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là tập trung vào làm bờ ruộng lớn, khiến cho việc đầu tư cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào để phát triển nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.


Việc cơ giới hóa chủ yếu được áp dụng trong việc làm đất là chính. Hiện bà con nông dân vẫn gặt thủ công khiến cho chi phí sản xuất vẫn cao, giá trị từ nông nghiệp mang lại thấp khiến người nông dân không mặn mà với ruộng vườn. Hiện nay, tại một số địa phương đang xảy ra hiện tượng sau khi làm dồn điền đổi thửa lại gặp khó trong việc tiền hỗ trợ cho người nông dân. Kinh phí hỗ trợ chủ yếu chỉ dồn cho những xã điểm làm NTM. Do đó cần tìm ra cách hỗ trợ như thế nào hợp lý với từng địa phương.


Bên cạnh đó, nhiều tiêu chí như tiêu chí về thu nhập, tiêu chí cơ cấu lao động trong nông nghiệp, tiêu chí chợ nông thôn cũng cần điều chỉnh. Đặc biệt, vốn xây dựng quá lớn, hiện chưa biết huy động vốn như thế nào, trong khi người dân chỉ biết tham gia bằng ủng hộ ngày công lao động. Ngoài ra, theo nhận thức của nhiều người dân, việc xây dựng các điểm trường mầm non cũng như việc quy hoạch các nghĩa trang là không thuận tiện và phù hợp đối với bà con nông dân.


Ngoài vấn đề huy động vốn, việc nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, thay đổi cơ cấu lao động ở các xã đang tiến hành xây dựng NTM cũng đang là vấn đề khó và “vướng” với không ít địa phương.


Để tháo gỡ khó khăn cơ bản trên, Thái Bình đang tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp, đó là: Tuyên truyền, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho nông dân, đưa đào tạo cho cán bộ xã, phường có kiến thức về NTM, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố tổ chức đoàn thể, chính trị.


Để chương trình xây dựng NTM của Thái Bình đạt được kết quả, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, Thái Bình sớm hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, hoàn thành chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa, để đề án xây dựng nông NTM được triển khai đúng mục đích.



Lê Sơn