07:07 15/07/2014

Giá xăng tăng, sức mua giảm

Hai lần xăng tăng giá gần đây nhất, với tổng mức tăng 740 đồng/lít sẽ tác động đến cước vận tải, khiến hàng hóa lên giá, giảm sức mua của thị trường và cản trở các giải pháp kích cầu.

Hai lần tăng giá xăng gần đây nhất với tổng mức tăng 740 đồng/lít, giá xăng đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 5 lần, với tổng mức tăng là 1.430 đồng/lít. Theo các chuyên gia, giá xăng tăng sẽ tác động đến cước vận tải, khiến hàng hóa tăng giá và cản trở các giải pháp kích cầu, làm giảm sức mua của thị trường.


Khó kìm giá được lâu


Việc giá xăng dầu tăng lên mức kỉ lục thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải thêm gánh nặng. Ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch HĐQT hãng Taxi Tiên Sa nhẩm tính, hiện nay hãng có 350 xe các loại. Tính trung bình, mỗi xe chạy 200 km/ngày và mất 20 lít xăng thì sau hai lần tăng giá xăng gần đây, mỗi tháng, hãng này tốn thêm hơn 150 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay, một ô tô phải gánh 9 loại thuế và phí. Đó là một gánh nặng lớn đối với các DN vận tải, buộc các DN này phải tăng giá cước.

 

Các DN vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá xăng tăng.


Tuy nhiên, không thể muốn tăng giá là tăng được ngay. “Muốn điều chỉnh giá cước, DN cần phải có đơn xin tăng giá (khoảng 10 ngày), phải điều chỉnh đồng hồ, thay đổi bảng giá cước, hóa đơn, tiếp đó xin Cục Tiêu chuẩn Đo lường đến dán tem và dừng toàn bộ xe để điều chỉnh cước đồng hồ. Khoảng thời gian này, DN vẫn phải hoạt động với giá cước cũ nên xe chạy thì sẽ lỗ”, ông Quang phân trần.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh:

“Để giảm bớt khó khăn cho các DN vận tải trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, thiết nghĩ mỗi lần tăng giá xăng nên có thông báo trước để DN chuẩn bị tâm lý. Thời gian giữa lần tăng trước với lần tăng sau cũng nên cách nhau từ 2 - 3 tháng chứ không nên chỉ trong vòng 15 ngày mà có 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng. Điều đó khiến các DN vận tải trở tay không kịp”.


Cũng trong tâm trạng lo lắng, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận chuyển Toàn Cầu cho biết, công ty thường ký các hợp đồng vận tải tuyến cố định và dài hạn. Do đó, việc tăng giá cước vận tải ngay lập tức theo giá xăng tăng là không thể. “Tuy nhiên, công ty cũng đã có những dự tính kỹ với các biến động giá xăng dầu để có phương án điều chỉnh giá cước, theo đó nếu như giá xăng dầu tăng hơn 5% thì công ty mới thực hiện phương án điều chỉnh giá cước”, ông Tuấn cho biết.


Mặc dù các DN đã có những nỗ lực để cơ cấu lại chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá cước, tuy nhiên, điều này khó có thể kéo dài được lâu, nhất là khi giá xăng có thể còn biến động khó lường thời gian tới. Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, việc tăng giá xăng hai lần vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến các DN, trong đó có DN vận tải, bởi khi giá nguyên liệu đầu vào tăng thì sẽ kéo theo giá thành tăng theo. “Hiện tại, các hãng taxi chưa điều chỉnh cước, nhưng nếu sắp tới giá xăng tăng nữa thì họ sẽ buộc phải điều chỉnh giá cước tăng để khỏi lỗ”, ông Hỷ cho biết.

 

Giá hàng hóa có nguy cơ tăng theo giá xăng, ảnh hưởng đến sức mua vốn đã yếu của thị trường.


Các chuyên gia kinh tế đặc biệt lo ngại, chi phí vận tải tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá cả các loại hàng hóa thiết yếu, khiến người tiêu dùng càng phải thắt chặt chi tiêu hơn. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, giá xăng sẽ tác động vào phí vận chuyển, phí vận chuyển lại tác động vào giá hàng hóa. Hơn nữa, giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều tới sức mua hàng hóa cũng như chỉ số tiêu dùng. Chỉ số bán lẻ 6 tháng đầu năm chỉ tăng có 5,5%.

Người dân mất thêm tiền xăng thì sẽ giảm bớt tiền lương thực thực phẩm, bởi túi tiền của người dân chỉ có thế thôi. Vì thế, sức mua càng thấp.


Bà Nguyễn Thanh Hà, PGĐ phụ trách kinh doanh, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết: Mỗi lần điều chỉnh giá xăng tăng đều ảnh hưởng đến các hàng hóa, dịch vụ khác, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu hàng ngày của người dân. Với đồng lương ít ỏi, những người dân thu nhập thấp phải trang trải mọi chi phí điện nước, xăng dầu, việc học hành của con cái, lương thực thực phẩm... nên cuộc sống của họ sẽ ngày càng khó khăn hơn.


Tác động nhiều đến người dân và doanh nghiệp


Hiện nay, do sức mua đang yếu, các siêu thị có phần thận trọng hơn trong việc điều chỉnh giá hàng hóa. Đại diện siêu thị Lotte Mart khẳng định sẽ cố gắng giữ nguyên giá cũ dù nhà cung cấp có lên kế hoạch tăng. Siêu thị sẽ đàm phán với nhà cung cấp để có giá cả ổn định cho người tiêu dùng. Với những mặt hàng tươi sống có thể điều chỉnh giá, nhưng phải chờ một thời gian nữa. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các tiểu thương ngoài chợ có thể vin cớ giá xăng tăng để tăng giá lương thực, thực phẩm trong vài ngày tới. Còn các siêu thị sẽ tăng chậm hơn do đã dự trữ hàng từ 3 - 6 tháng.

“Khi giá tăng lên cần đề phòng lạm phát quay trở lại, khiến cho đời sống của người dân bị giảm sút, nhất là đối với người nông dân, công nhân, người có thu nhập thấp”.

Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh


Các chuyên gia kinh tế đặc biệt lo ngại là việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động đến sức mua. Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 1.439 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%), các năm thông thường tăng trên 20%. 6 tháng qua, sức mua tăng không cao do xu hướng tiết kiệm chi tiêu. “Hiện nay, sức mua hàng hóa của thị trường vẫn yếu. Những đợt tăng giá xăng liên tiếp có thể khiến cho các mặt hàng “ăn theo” để cùng tăng giá, gây khó khăn cho người tiêu dùng, cũng như khiến sức mua giảm sút”, ông Vũ Vinh Phú nhận xét.


Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo ngại: “Nếu như cả năm 2013, giá xăng điều chỉnh có 11 lần thì 7 tháng đầu năm 2014, giá xăng đã điều chỉnh tới 10 lần, với 5 lần tăng. Độ tăng rất dầy là một sức ép lớn đối với nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. “Đã có người dân phải bán xe máy chuyển sang mua xe đạp điện, hoặc một số người bỏ đi xe ô tô để quay về đi xe đạp điện và xe máy. Giá xăng tăng hôm trước thì ngay ngày hôm sau, các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm đã tăng giá. Ở TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng này đã tăng bình quân từ 9 - 15%. Rõ ràng, ở đây có hiện tượng té nước theo mưa”, ông Doanh cho biết.


Cũng theo vị chuyên gia này, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có xăng, không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng mà sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất kinh doanh, khiến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam giảm đi. Hơn nữa, sức mua của thị trường yếu có thể tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Bà Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng: “Trong các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giá thành sản xuất là một trong những vấn đề nhiều đơn vị lo ngại do chịu ảnh hưởng của yếu tố chi phí đầu vào, qua đó, tác động đến khả năng cạnh tranh”.

 

Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định, dự báo trong tháng 7, những bất ổn chính trị tại nhiều nước trên thế giới có thể tác động tới giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác. Bên cạnh đó, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa bão nên có thể sẽ tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị tốt, một số mặt hàng nông sản như lúa gạo vào vụ thu hoạch, phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao… nên giá hàng hóa sẽ khó tăng đột biến, một số mặt hàng sẽ tiếp tục giảm nhẹ.


Tuy nhiên, với diễn biến tăng giá xăng dầu như vừa qua, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, cần phải có các biện pháp kiểm soát việc tăng giá ồ ạt. Còn về lâu dài, cần phải kiểm soát việc tăng giá xăng một cách chặt chẽ hơn. “Đi liền với việc tăng giá xăng, Nhà nước cần có những biện pháp để chia sẻ khó khăn với DN. Chẳng hạn, tăng đến mức độ nào đó thì nên giảm thuế, giãn thuế cho các DN sản xuất”, TS Doanh nói.


Hoàng Dương - Thu Hồng - Hoàng Tuyết