06:08 05/06/2012

Giá xăng dầu trong nước khó giảm cùng nhịp với giá thế giới

Hiện nay, giá xăng dầu thế giới đang giảm nhưng tại họp báo thường kỳ về tình hình hoạt động của ngành công thương tháng 5 tổ chức hôm qua (4/6), đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sẽ khó thực hiện giảm giá xăng dầu trong nước tương ứng theo giá thế giới.

Hiện nay, giá xăng dầu thế giới đang giảm nhưng tại họp báo thường kỳ về tình hình hoạt động của ngành công thương tháng 5 tổ chức hôm qua (4/6), đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sẽ khó thực hiện giảm giá xăng dầu trong nước tương ứng theo giá thế giới. Bởi, bên cạnh việc giảm giá, các giải pháp khác cũng cần phải tính đến là tăng thuế nhập khẩu, trích quỹ bình ổn giá... để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

Giá hàng hóa thiết yếu không có biến động lớn


Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay đang duy trì ổn định ở mức thấp nhưng đại diện các báo vẫn dành nhiều câu hỏi cho Bộ Công Thương về việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện...


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 5/2012, dịp lễ 30/4 và 1/5, thị trường sôi động đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, giá gạo, đường, xăng dầu, gas giảm; sắt thép, thực phẩm... ổn định. Tháng 5, CPI của cả nước tăng 0,18% so với tháng 4, tăng 8,3% so với tháng 5/2011 và tăng 2,78% so với tháng 12/2011.

Trong cơ cấu CPI tháng 5, hai nhóm hàng hóa tiếp tục giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,97%); tiếp đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% so với tháng 4, trong đó nhóm lương thực và thực phẩm giảm tương ứng là 0,54% và 0,26%. Trong tháng, nhóm giao thông có mức tăng khá cao là 1,32% và đặc biệt nhóm các hàng hóa và dịch vụ khác tăng đến 3,09%. Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,07% đến 0,56%.


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn do nguồn cung hàng hóa dồi dào và sức mua hàng hóa trên thị trường còn hạn chế.


Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 5 ước đạt 191,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng 4 và tăng 18,8% so với tháng 5/2011. Tính chung 5 tháng đầu năm ước đạt 952,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 5 tháng chỉ tăng 6,6%.

 

Cân nhắc trong điều hành giá xăng dầu, giá gas


Hiện giá xăng và giá gas ở một số thị trường lớn trên thế giới giảm nên nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về khả năng trong thời gian tới có thể giảm giá xăng và giá gas hay không? Ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Việc điều hành xăng dầu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thực hiện theo Nghị định 84 về điều hành xăng dầu có quy định cụ thể về cách tính giá xăng dầu trên cơ sở giá thế giới trong vòng 30 ngày. Hiện nay, giá thế giới giảm và cụ thể tại thị trường New York đang xoay quanh mức trên 90 USD/thùng. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thực hiện và Bộ Công Thương phối hợp thực hiện việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu và phải bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Tuy nhiên, sẽ khó thực hiện giảm giá xăng dầu trong nước tương ứng theo giá thế giới do quy định về cách tính giá xăng dầu trên cơ sở giá thế giới trong vòng 30 ngày bởi xăng dầu thế giới thay đổi "từng ngày". Bên cạnh đó, khi giá xăng dầu thế giới giảm, ngoài biện pháp giảm giá xăng dầu, các giải pháp khác cũng phải tính đến là cần tăng thuế nhập khẩu, trích quỹ bình ổn giá... để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.


Về điều chỉnh giá gas, việc quản lý nhà nước về giá gas khác với giá xăng dầu là không có quy định giá. Do đó, đối với mặt hàng này, các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký giá. Gần đây nhất, các doanh nghiệp đã giảm khoảng 30.000 đồng/bình. Nhưng, mức giảm này có thể chưa tương xứng. Do giá gas thế giới đang giảm mạnh, sắp tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ vào giá gas thế giới kiến nghị với các doanh nghiệp để tiếp tục giảm giá gas.


Để kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu (nhất là giá sữa), kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại...


Cùng với việc kiểm soát về giá hàng hóa, Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trước thông tin về hiện tượng “phù phép” xăng A83 thành xăng A92 bằng cách pha trộn ethanol, methanol, đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, nếu phát hiện trường hợp nào thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định hiện hành. Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 21/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Trong đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng cường quản lý chất lượng xăng dầu từ khâu nhập khẩu và phân phối, nhất là hệ thống các đại lý.


Thu Hường