09:07 09/09/2014

Giá xăng dầu sẽ biến động hợp lý hơn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2014/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều điều chỉnh về quy định giá bán. Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ 1/11/2014.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2014/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều điều chỉnh về quy định giá bán. Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ 1/11/2014.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, với những thay đổi trong Nghị định mới ban hành, người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng xăng dầu với mức giá hợp lý hơn, việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ ít gây ra bức xúc trong xã hội.


Ngăn giá xăng dầu tăng cao và điều chỉnh liên tục


Việc điều hành giá xăng dầu là vấn đề dư luận rất quan tâm. Thời gian qua, việc điều hành giá của Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã bám sát quy định của Nghị định 84, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận là giá trong nước phải biến động theo giá thế giới.

 

Từ 1/11/2014, quy định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ được áp dụng.
Ảnh: LP


Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Nghị định 84 là một bước tiến trong việc thị trường hóa kinh doanh xăng dầu nhưng do đây là Nghị định đầu tiên nhằm xóa bỏ bù lỗ đối với xăng dầu nên vẫn bộc lộ một số hạn chế. Ví dụ, Nghị định 84 quy định, giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá xăng dầu thế giới của 30 ngày trước kỳ tính giá nên gây ra độ trễ nhất định trong việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước theo diễn biến giá xăng dầu thế giới.


“Mục tiêu điều hành kinh doanh xăng dầu của Chính phủ là không thay đổi: kiên định điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú

Nghị định mới cũng đã điều chỉnh biên độ giá để giảm bớt tình trạng giá xăng dầu tăng quá mạnh, gây tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng. Theo Nghị định 84, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% trở xuống so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá tương ứng. Ví dụ như hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước khoảng trên 24.000 đồng/lít, nếu áp dụng biên độ điều chỉnh như Nghị định 84 thì mỗi lần tăng khoảng trên 1.600 đồng/lít, mức tăng nhiều như vậy sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ.


Để khắc phục vấn đề trên, Nghị định mới thay đổi biên độ điều chỉnh giá, quy định nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% trở xuống so với giá cơ sở liền kề trước đó thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá tương ứng. “Qua theo dõi quy luật giá xăng dầu thế giới cho thấy, hàng năm giá thế giới tăng trong khoảng 5 - 7%. Với mức tăng 3% tương ứng với 700 - 750 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng tiêu dùng của người dân. Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, doanh nghiệp gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Liên Bộ Công Thương - Tài chính)”, Thứ trưởng Tú lý giải.


Bảo đảm tính công khai, minh bạch


Nghị định mới nêu rõ, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý, các biện pháp điều hành khác. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu; giám sát việc trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp.


Doanh nghiệp có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán.


Về bảo đảm tính công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, dù Nhà nước trao quyền cho doanh nghiệp nhưng vẫn quản lý, giám sát qua công tác hậu kiểm, bảo đảm giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp không được vượt quá giá cơ sở mà Nhà nước đã tính toán. Nếu doanh nghiệp tăng quá mức quy định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Nghị định mới cũng tạo môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, nếu như trước đây chỉ có doanh nghiệp đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, thì nay Dự thảo Nghị định mới cho phép đối tượng mới là doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời doanh nghiệp phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối. Ví dụ, một doanh nghiệp phân phối xăng dầu mua xăng của Petrolimex với giá là 24.000 đồng/lít, mua xăng của PV Oil với giá là 26.000 đồng/lít, sau đó tự định giá bán xăng trong hệ thống phân phối của mình với mức giá là 25.000 đồng/lít để cạnh tranh trực tiếp với các đầu mối khác. Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường không được cao hơn giá cơ sở do Nhà nước quy định.


Thanh Hương - Thu Hường