04:09 18/04/2011

Giá vàng trong nước chậm nhịp với thế giới

Mặc dù giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong những phiên cuối tuần trước, tới hơn 10 USD/ounce, nhưng thị trường vàng trong nước lại gần như “án binh bất động”, chỉ tăng nhẹ từ 50.000 - 80.000 đồng/lượng.

Mặc dù giá vàng thế giới tăng khá mạnh trong những phiên cuối tuần trước, tới hơn 10 USD/ounce, nhưng thị trường vàng trong nước lại gần như “án binh bất động”, chỉ tăng nhẹ từ 50.000 - 80.000 đồng/lượng.

Ảnh: internet

Vào lúc 16 giờ chiều qua (17/4), giá vàng mua vào - bán ra tại Bảo Tín Minh Châu là 37,15 – 37,28 triệu đồng/lượng, vàng SBJ của Ngân hàng Sacombank được mua ở mức 37,16 triệu đồng/lượng, bán ở mức 37,26 triệu đồng/lượng, vàng SJC mua bán ở mức 37,22 - 37,32 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với ngày 16/4, giá vàng trong nước hiện chỉ tăng thêm khoảng 50.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, do tình trạng lạm phát của một số nước trên thế giới đã đẩy giá vàng thế giới tăng tới gần 11 USD/ounce, hiện đang đứng ở mức 1.486 USD/ounce, đây là kỷ lục mới của giá vàng thế giới. Nếu lấy tỷ giá trần do các ngân hàng thương mại công bố là 20.935 đồng thì mỗi lượng vàng thế giới có giá khoảng 37,55 triệu đồng.

Theo một nhân viên của Bảo Tín Minh Châu, dù giá vàng thế giới tăng mạnh trong những phiên cuối tuần nhưng thị trường vàng trong nước không có biến động nào đáng kể, lượng người mua và bán vàng vẫn diễn ra bình thường.

Trên thị trường ngoại hối, hôm qua (17/4), tỷ giá USD/VND liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ấn định vẫn tiếp tục được giữ ở mức đỉnh 20.728 đồng đổi 1 đô la, tăng khoảng 5 đồng/USD so với đầu tuần trước. Tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt được giữ ở mức gần kịch trần. Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá bán ra được công bố ở mức gần kịch trần 20.930 đồng/USD, giá mua vào là 20.925 đồng/USD, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) giao dịch quanh mức trần là 20.925- 20.935 đồng/USD; Ngân hàng Á Châu (ACB), giá bán ra được công bố kịch trần tại 20.935 đồng, còn mua vào 20.920 đồng…

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế cuộc đua lãi suất ngoại tệ bằng cách quy định trần lãi suất huy động tiết kiệm bằng USD ở mức 3% và nâng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2%. Theo các ngân hàng thương mại, quyết định này sẽ khiến lượng ngoại tệ gửi vào ngân hàng giảm dần, người dân sẽ dần chuyển sang gửi tiền bằng VND vì lãi suất huy động tiền đồng hiện đang cao hơn lãi suất huy động ngoại tệ khoảng 10%/năm. Thực tế, trong nhưng ngày gần đây, tiền gửi VND vào ngân hàng cũng đang tăng lên.

H.V