07:19 17/07/2014

Giá trị những bài học từ Hiệp định Geneve

Sau hơn hai tháng đàm phán, (từ ngày 8/5/1954), Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương được ký (ngày 20/7/1954). Qua 60 năm, việc đánh giá đúng những bài học, kinh nghiệm từ Hội nghị Geneve và bản Hiệp định này trong bối cảnh hôm nay vẫn có ý nghĩa sâu sắc.

Sau hơn hai tháng đàm phán, (từ ngày 8/5/1954), Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương được ký (ngày 20/7/1954). Qua 60 năm, việc đánh giá đúng những bài học, kinh nghiệm từ Hội nghị Geneve và bản Hiệp định này trong bối cảnh hôm nay vẫn có ý nghĩa sâu sắc.

 

Diễn đàn của các nước “lớn”

 

Hội nghị Geneve với mục đích giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh Đông Dương với sự tham gia của 9 bên (Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ba chính phủ do Pháp dựng lên và giật dây ở Đông Dương - Lào, Campuchia và Bảo Đại). 

 
 

Quang cảnh Hội nghị Geneve.Ảnh: Tư liệu TTXVN

 


Khi đó các nước “lớn” đến hội nghị với những động cơ không giống nhau - những mục đích riêng và những toan tính cho một ván cờ mới trên bàn cờ địa - chính trị quy mô toàn cầu. Nhìn chung, các nước châu Á, kể cả Trung Quốc, khi tới Hội nghị Geneve không có vai trò bình đẳng với các nước phương Tây. Nhưng cuối cùng những nguyên tắc về chủ quyền quốc gia dân tộc đã được thừa nhận. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế với sự tham dự của nhiều cường quốc đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

 

Tuy nhiên trật tự thế giới hai cực và cục diện Chiến tranh lạnh đã chi phối kết quả việc giải quyết cuộc chiến tranh bằng một hội nghị quốc tế, với sự tham gia của nhiều cường quốc với những lợi ích khác nhau khi lẽ ra việc đàm phán để kết thúc chiến tranh phải là công việc chủ yếu giữa các lực lượng kháng chiến ở Đông Dương với Pháp. Bản Hiệp định đạt được chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường do sự chi phối của xu thế hòa hoãn và sự thỏa hiệp của các nước lớn.

 

Hội nghị đã quyết định những vấn đề có liên quan đến các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia mà không có sự tham gia của các chính phủ kháng chiến ở hai nước này. Đại diện cho cả ba Chính phủ kháng chiến ở Đông Dương chỉ có một đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc xác định ranh giới quân sự tạm thời và phân chia khu vực tập kết chuyển quân ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 hay 16 theo phương án của Việt Nam, mà là vĩ tuyến 17. Việt Nam mất 3 tỉnh khu V và nhiều vùng tự do phía nam vĩ tuyến 17.

 

Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ được một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Lực lượng kháng chiến Campuchia phải phục viên tại chỗ. Thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam không phải là 6 tháng như phương án của Việt Nam, mà là 2 năm. Dù vậy, việc này đã không thể thực hiện do chính sách can thiệp và xâm lược của Mỹ. Một cuộc chiến tranh mới cũng bắt đầu.

 

Nữ luật gia Laury Anne Bellessa (người Pháp) nhận xét: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của hiệp định chỉ để nhằm làm thỏa mãn các cường quốc… Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên chiến trường nhưng tại bàn hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”.

 

Hiệp định Geneve là kết quả của 9 năm kháng chiến anh dũng, nhiều hy sinh gian khổ của nhân dân ta nhưng đó là kết quả không tương xứng với thực tế trên chiến trường. Nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam còn phải đi tiếp chặng đường dài 21 năm với nhiều sự hy sinh mất mát đau thương hơn để đạt tới điều lẽ ra đã diễn ra tháng 7/1956.

 

Đánh giá đúng tình hình quốc tế


Hội nghị Geneve 1954 về Đông Dương chịu tác động của xu thế hòa hoãn giữa các nước lớn và cục diện Chiến tranh lạnh. Sự dàn xếp, thỏa hiệp giữa các nước lớn làm hại đến lợi ích của Việt Nam, Lào và Campuchia là điều khó tránh ở một hội nghị quốc tế, khi “luật chơi” và cả diễn biến “cuộc chơi” đều do các nước “lớn” quyết định.


Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những “nước lớn” luôn có những toan tính chiến lược riêng. Những toan tính của các nước “lớn” thành công đến mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là sự cân đối giữa những nhu cầu và năng lực của chủ thể. Bên cạnh và cùng với đó là việc điều chỉnh, cân bằng những mối quan hệ quốc tế và khu vực.


Trong bối cảnh những vấn đề trong quan hệ quốc tế (kể cả những vấn đề song phương giữa hai nước) đều được đặt trong tương quan với các mối quan hệ khu vực, trong một thế giới đang toàn cầu hóa và mỗi nước “lớn” đều phải cân nhắc đến phản ứng của những nước “lớn” khác - những tính toán này không thể không quan tâm đến tiếng nói của khu vực và từng nước liên quan. Các nước “lớn” sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và chi phối những sự kiện, những mối liên kết, liên minh, những hợp đồng kinh tế lớn nhưng không dễ áp đặt những toan tính của mình như trong những giai đoạn trước.


Điều bộc lộ rõ trong quan hệ quốc tế hiện nay là trong nhiều trường hợp các nước “lớn” áp đặt những “luật chơi” không phù hợp, làm tổn hại đến lợi ích của nước khác. Trên thế giới vẫn còn khá phổ biến chính sách “ngoại giao pháo hạm” - dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để đòi hỏi những điều vô lý với các nước khác. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng tiếng nói của khu vực và các nước vừa và nhỏ có “sức nặng” đến mức nào phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó một phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động, sự nhạy bén, khôn khéo của những nước này với các “nước lớn” và cả giữa các nước “vừa” và “nhỏ” với nhau.


Điều các nước “nhỏ” luôn cần làm là tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế. Trong hoạt động đối ngoại phải đánh giá chính xác tình hình thế giới, nhất là chiến lược của các nước “lớn”, tìm ra đối sách phù hợp trong từng thời gian, cho từng vấn đề, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc. Am hiểu đối tác - đồng thời cũng là đối tượng - là yêu cầu quan trọng trong quá trình hội nhập.


Theo con đường hòa bình


Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nêu cao phương châm là bạn, là đối tác chủ động và tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi Việt Nam phải chủ động tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, chủ động khai thác những thuận lợi từ bên ngoài, dựa vào những tập hợp lực lượng có lợi, hạn chế những tác động tiêu cực. Quá trình đó được kết hợp chặt chẽ với yêu cầu giữ vững chủ quyền, đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh


Cho dù các cường quốc có nhiều khả năng chi phối, nhưng biện chứng của quan hệ quốc tế là các nước “nhỏ” bằng chính sách đối ngoại khôn ngoan của mình có thể tác động trở lại cục diện. Sự phối hợp của Việt Nam với các nước trong khu vực, xây dựng một cộng đồng Đông Nam Á hùng mạnh là cơ sở để phát huy thế chủ động, cùng tranh thủ những điều kiện thuận lợi, đồng thời hợp tác để vượt qua những thử thách do tình hình quốc tế mang lại, nhằm giữ vững chủ quyền, hòa bình, ổn định và phát triển.


Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, những nhân tố bất ổn khó lường vẫn rình rập ở Biển Đông, lúc tiềm ẩn, lúc bùng phát. Khả năng xảy ra xung đột vũ trang do Trung Quốc gây ra để thực hiện chủ trương chiến lược của mình trong Biển Đông là hoàn toàn có căn cứ thực tế, được chứng minh trong quá trình lịch sử. Nhưng khả năng này có trở thành hiện thực được hay không, vào thời điểm nào và ở qui mô nào lại phụ thuộc vào cán cân sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị… giữa các nước có liên quan trong khu vực và quốc tế. Thực tiễn cho thấy chiến tranh và vũ lực không thể chấm dứt được mọi tranh chấp quốc tế. Việc sử dụng chiến tranh và vũ lực trong thế giới ngày nay là hành động không văn minh và không thông minh. Đàm phán hòa bình và hợp tác là con đường phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc và của cả nhân loại.


Bài học lớn nhất, bao quát nhất nhìn từ Hiệp định Geneve sau 60 năm là bài học về tinh thần độc lập tự chủ. Hôm nay, không còn sự lựa chọn khác cho dân tộc Việt Nam là phải vươn lên thành quốc gia mạnh về (trên) biển nếu chúng ta không muốn tiếp tục bị mất đất, mất biển, trời trong Biển Đông. Để vượt qua thách thức đó, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng, hướng đến hòa bình và phát triển cần hội đủ đủ hai yếu tố: sức mạnh và trí tuệ. Sức mạnh của dân tộc được hiểu là sức mạnh tổng hợp, sức mạnh từ sự đoàn kết và đồng thuận.

 

Sức mạnh tổng hợp đó còn biểu hiện ở việc xác định được đúng mô hình các mối quan hệ cũng như mức độ xung đột và hợp tác giữa các nước, xác định được thời điểm chuyển hóa các mối quan hệ với nghệ thuật ngoại giao khôn khéo. Bên cạnh sức mạnh tinh thần - trí tuệ, sức mạnh vật chất luôn phải được củng cố về mọi mặt - trong đó thực lực sức mạnh quân sự là điều không thể bỏ qua. “Tài nguyên” địa - chính trị - như một yếu tố “trời cho” - có giá trị làm tăng vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng tỷ lệ thuận với sự vững mạnh của quốc gia, sự năng động trong các mối quan hệ song phương và đa phương cần được khai thác bằng một chiến lược khôn ngoan.


TS.Ngô Vương Anh