04:23 13/04/2011

Gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi

Hội nghị nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khai mạc tại Tam Á, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 13/4, theo nhận định của giới phân tích, có thể tạo cho Trung Quốc “cơ hội chứng tỏ vị thế thống lĩnh các nền kinh tế mới nổi trên thế giới...

Hội nghị nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khai mạc tại Tam Á, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 13/4, theo nhận định của giới phân tích, có thể tạo cho Trung Quốc “cơ hội chứng tỏ vị thế thống lĩnh các nền kinh tế mới nổi trên thế giới cũng như đối tác đầy tiềm năng của phương Tây” cũng như khẳng định vị trí của Nam Phi trên trường quốc tế.

Tổng thống Braxin D. Rousseff tới Tam Á tối 13/4 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS.


Tại hội nghị cấp bộ trưởng diễn ra ngày 13/4, các đại biểu đã nhất trí cho rằng kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi kể từ sau khủng hoảng, nhưng đang chịu "lực cản" khá lớn từ làn sóng chính biến lan rộng ở Trung Đông, Bắc Phi và thảm họa kép động đất-sóng thần ở Nhật Bản hôm 11/3. Trong khi đó, các nước thành viên BRICS lại đang đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng bong bóng tài sản, tỷ lệ lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng quá nóng. Vì vậy, nhóm BRICS cần phải đẩy mạnh hợp tác trong việc ban hành chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển một cách cân bằng, bền vững.

Theo các đại biểu, các nước thành viên BRICS cần tăng cường hợp tác kinh tế thông qua mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư. Ngoài ra, các đại biểu cũng cam kết phản đối mọi hình thức bảo hộ thương mại, đồng thời cho rằng cần phải thành lập cơ quan liên lạc có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất về khung cơ chế hoạt động, cũng như những biện pháp cụ thể nhằm mở rộng hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên và từng nước thành viên với các nền kinh tế đang phát triển khác. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm nay. Hội nghị được tổ chức một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của nhóm BRICS.

Theo dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS sẽ diễn ra hôm nay (14/4), trong đó lãnh đạo các nước thành viên sẽ tập trung thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, từ phương thức đẩy mạnh sự đóng góp của BRICS trong việc cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế cho đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi. Nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết, tình hình Libi là “mối lo ngại lớn” đối với các nhà lãnh đạo BRICS. Giáo sư Shi Yinhong, chuyên gia về các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định: Tuyên bố chung của hội nghị sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề Libi, “có thể kêu gọi một lệnh ngừng bắn, một giải pháp chính trị, kêu gọi cộng đồng quốc tế và LHQ thông qua các biện pháp giảm thiểu thảm họa nhân đạo” tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, theo các quan chức BRICS và nhiều nhà quan sát, một số vấn đề “gây chia rẽ” trong nhóm như chính sách đồng NDT của Trung Quốc hoặc cải cách HĐBA LHQ nhiều khả năng sẽ không được bàn bạc tại hội nghị.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này bởi sự có mặt của Nam Phi, được Trung Quốc mời gia nhập nhóm hồi cuối năm 2010. Trả lời phỏng vấn hãng AFP, nhà kinh tế Andrew Kenningham thuộc Capital Economics đặt tại Luân Đôn cho rằng: Một vấn đề BRICS sẽ “cùng hợp sức” là gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi. Với việc kết nạp Nam Phi, quốc gia được xem là có “tầm quan trọng mang tính biểu tượng như là nền kinh tế hàng đầu châu Phi”, vấn đề trên “sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều”. Cùng chung quan điểm này, một số chuyên gia nhấn mạnh thêm, Nam Phi đang đạt được vị thế là “cửa ngõ lục địa”, được cả phương Đông và phương Tây xem như “một đối tác chiến lược” và đó là lý do chính BRICS muốn quốc gia này gia nhập nhóm.

Nhóm BRICS đại diện cho hơn 40% dân số thế giới và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lượng đóng góp của nhóm này trong tăng trưởng kinh tế thế giới tăng từ 13,1% năm 2000 lên hơn 60% năm 2010. Dự kiến đến năm 2014, nhóm này sẽ chiếm tới 61% tăng trưởng toàn cầu.

Nam Hạnh