05:10 11/05/2011

Giá nhà thu nhập thấp tại Hà Nội đang cao vô lý

Dư luận đang rất quan tâm đến lý giải của các nhà xây dựng, quản lý tại Hà Nội về nguyên nhân dẫn tới sự “vênh giá” giữa nhà thu nhập thấp (NTNT) tại Hà Nội và NTNT tại Đà Nẵng, cũng như chuyện giá NTNT Hà Nội lại ngang giá với nhà ở thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dư luận đang rất quan tâm đến lý giải của các nhà xây dựng, quản lý tại Hà Nội về nguyên nhân dẫn tới sự “vênh giá” giữa nhà thu nhập thấp (NTNT) tại Hà Nội và NTNT tại Đà Nẵng, cũng như chuyện giá NTNT Hà Nội lại ngang giá với nhà ở thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể thấy, những lý giải của chủ đầu tư Vinaconex Xuân Mai hay Bộ Xây dựng mới đây chưa làm dư luận “tâm phục, khẩu phục”.

Người dân làm thủ tục xác định vị trí căn hộ của mình trong khu chung cư cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) ngày 5/5. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Theo một chuyên gia tư vấn giám sát xây dựng (giấu tên) thuộc Công ty cổ phần Tư vấn công nghệ và Thiết bị kiểm định xây dựng (CONINCO), với thời giá hiện nay, giá NTNT tại Hà Nội khoảng 7 – 8 triệu đồng/m2 là hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành phân tích: Với giá nguyên vật liệu hiện nay, trung bình, mức giá xây thô của mỗi m2 NTNT là khoảng 4 - 5 triệu đồng. Cộng thêm 1 triệu đồng/m2 tiền lắp đặt nội thất, giá hoàn chỉnh cho mỗi m2 NTNT là 6 triệu đồng. “Các chủ đầu tư chỉ cần bán NTNT với mức từ 7 – 8 triệu đồng/m2 là đã có lời”, ông Đực khẳng định.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đồng thuận, mức giá xây thô NTNT tại Hà Nội cũng vào khoảng 5 triệu đồng/m2. Theo đó, cộng thêm các chi phí giá đất và thiết bị nội thất, giá NTNT tại Hà Nội sẽ cao hơn Đà Nẵng. Nhưng dù tính thế nào đi nữa thì giá NTNT tại Hà Nội cũng không thể vượt quá 9 triệu đồng/m2.

Thế nhưng chủ đầu tư NTNT tại Hà Nội vẫn quả quyết, giá tạm tính mỗi m2 NTNT tại các vùng ngoại ô của Hà Nội khoảng hơn 11,5 triệu đồng/m2. Nếu giá nguyên vật liệu tăng thì đồng nghĩa, giá NTNT không dừng ở mức giá tạm tính.

Anh Nguyễn Văn Thiêm, kỹ sư thủy lợi, trú tại số 12/ngõ 189, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, nếu các chủ đầu tư muốn khẳng định mình đúng và để dư luận khỏi thắc mắc thì nên công khai các chi phí tạo nên giá thành nhà trên website của công ty và Sở Xây dựng Hà Nội. Khi các chủ đầu tư công khai bảng tính toán, người có kiến thức về xây dựng sẽ thấy rõ sự có lý hay vô lý của chủ đầu tư khi tính giá NTNT tại Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Viettinbank, quận Hoàng Mai phản ánh, không thể có chuyện giá đất chiếm tới 40% giá NTNT. Bởi với các dự án phát triển đô thị ở vùng ngoại thành Hà Nội, giá bồi thường giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp không quá đắt, chi phí làm hạ tầng cũng không quá cao. Còn với những dự án thu hồi đất riêng cho việc xây NTNT thì chính quyền thường áp giá Nhà nước quy định (vì NTNT được coi là một trong những công trình phúc lợi xã hội) chứ không phải giá thỏa thuận. Do đó, chi phí đất vào mỗi m2 NTNT không thể lên tới 40%. “Các doanh nghiệp xây NTNT sẽ được Nhà nước bảo lãnh lợi nhuận tối thiểu 10%. Do đó, Nhà nước cần xác định rõ các chi phí để giảm thiểu việc ngân sách nhà nước bị lạm dụng…”, chị Hằng đề xuất.

Theo GS Đặng Hùng Võ, tình trạng không minh bạch của thị trường bất động sản (BĐS) nói chung và NTNT nói riêng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư tùy ý tính giá. Các chủ đầu tư ở Hà Nội lý giải, giá NTNT ở Hà Nội cao là do các chi phí bồi thường GPMB, làm hạ tầng đội lên. Ở điểm này có thể nói ngay: NTNT ở Đà Nẵng cũng phải làm hạ tầng, nhưng giá NTNT lại chỉ bằng 1/2 giá NTNT tại Hà Nội? Hay một ví dụ khác dễ so sánh là tòa nhà CT1 – Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (Hà Nội), không phải chịu phi phí làm hạ tầng (vì nằm ở mặt đường Ngô Thì Nhậm), nhà được khởi công cách đây 3 năm khi giá nguyên vật liệu thấp hơn bây giờ, sao vẫn tính giá hơn 8 triệu đồng/m2? “Tôi cho rằng, nếu là nhà ở thương mại, Nhà nước không can thiệp vào giá bán là phù hợp với quy luật thị trường. Nhưng nhà ở được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì cần phải giám sát chặt chẽ để ngân sách nhà nước không bị lợi dụng”, ông Võ nói.

Ông Vũ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm rất thuận lợi để phát triển NTNT vì thị trường nhà ở thương mại đang ảm đạm. Các doanh nghiệp xây dựng đang rất cần việc làm. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cần đưa ra mức giá chuẩn về mỗi m2 NTNT. Nếu Nhà nước đồng ý hỗ trợ cho các chủ đầu tư NTNT với mức cao, thì sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, tổ chức thi công khoa học, tiết giảm chi phí để hạ giá thành. Nếu giá thành NTNT quá cao so với chi phí thật, các đối tượng thiệt thòi đầu tiên sẽ là người thu nhập thấp vì một là phải mua NTNT giá cao; hai là có thể bị tuột mất cơ hội có nhà vì thu nhập của họ không thể “với tới” mức giá này.

Xuân Hương