01:10 08/01/2011

Giá lương thực tăng gây bất ổn chính trị

Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo giá lương thực đã tăng cao kỷ lục trong tháng 12/2010 và có thể tăng cao hơn nữa do diễn biến thất thường của khí hậu toàn cầu.

Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo giá lương thực đã tăng cao kỷ lục trong tháng 12/2010 và có thể tăng cao hơn nữa do diễn biến thất thường của khí hậu toàn cầu.


Lần đầu tiên, giá lương thực vượt xa mức giá "sốt" của năm 2008 - nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn ở những nước như Haiti, Ai Cập và Camơrun, đồng thời đặt ra những yêu cầu cần quản lý thị trường hàng hóa chặt chẽ hơn.


Giá lương thực tăng gây bất ổn chính trị ở nhiều nước-Ảnh internet

Những tác động tiềm tàng lên các lĩnh vực chính trị, kinh doanh và nhân đạo, nhất là ở những nước nghèo đói, đang khiến các nhà hoạch định chính sách và quan chức cấp cao lo ngại. James Bond, trưởng điều hành của Cơ quan Bảo hiểm đầu tư đa phương (MIGA) - một nhánh bảo hiểm rủi ro chính trị thuộc


Ngân hàng Thế giới (WB) nói: "Giá thực phẩm tăng tác động mạnh nhất tới người nghèo vì họ chi tiêu phần lớn khoản thu nhập vào việc mua thực phẩm. Do vậy, giá lương thực tăng sẽ gây căng thẳng đáng kể ở những nước nghèo, làm gia tăng bất bình đẳng về mức sống và là 'thủ phạm' chính gây bất ổn".

Cho đến nay, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến giá lương thực tăng phần lớn là bởi nguồn cung giảm do có liên quan tới thời tiết như lũ lụt tại Ôxtrâylia, hạn hán tại Áchentina, thời tiết khô hạn và cháy rừng ở Nga và có thể là do sương giá phá hoại mùa màng ở châu Âu và Bắc Mỹ.


Nhưng họ cũng lo ngại rằng những diễn biến trên chính trường và thị trường có thể sẽ sớm trở thành nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng cao.

Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) hành động để đảm bảo nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi ổn định trước tác động bất lợi của giá lương thực tăng cao. Theo ông Zoellick, trong bối cảnh hiện nay, các nước G-20 phải ưu tiên cung cấp lương thực cho các nước nghèo và người nghèo. Chủ tịch WB đã đề xuất 9 biện pháp cần thực hiện để đảm bảo người nghèo trên thế giới có thể nhận được lương thực cần thiết, trong đó cần hiểu rõ quan hệ giữa giá lương thực quốc tế và giá lương thực ở các nước nghèo, cải thiện sự minh bạch trong cung cấp lương thực, nâng cao khả năng dự báo thời tiết dài hạn, xây dựng các kho lương thực dự trữ nhân đạo tại các khu vực hay xảy ra thảm họa, ban hành bộ luật ứng xử quốc tế loại lương thực viện trợ nhân đạo khỏi các danh mục lương thực cấm xuất khẩu, đồng thời đảm bảo hiệu quả hệ thống an sinh xã hội...

Maximo Torero, Giám đốc chi nhánh về thị trường, thương mại và các thể chế thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) ở thủ đô Oasinhtơn, nhận định: "Có nguy cơ xuất hiện cú sốc thứ hai nếu các nước phản ứng lại bằng cách áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu, trong khi giới đầu tư vào thị trường tài chính chỉ đầu tư ngắn hạn, khiến giá cả tăng hơn nữa như họ đã từng gây ra hồi năm 2008".


Năm 2010, Nga đã áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu do cháy rừng và hạn hán. IFPRI cho biết trong năm 2008, ít nhất 13 nước, trong đó có Áchentina, Campuchia, Cadắcxtan, Trung Quốc, Êtiôpi, Malaixia và Dămbia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hoặc áp thuế, và do vậy, hạn chế thêm nguồn cung.

Ngoài ra, ông Toreo cho rằng những báo cáo về tình hình bất ổn trên thế giới có thể làm giá nhiên liệu tăng thêm, thúc đẩy hoạt động đầu cơ tích trữ và mua hàng ồ ạt, cho dù nguyên nhân thực tế nhiều khi còn phức tạp hơn.


Theo ông, điều cần thiết là phải gia tăng sản xuất bằng cách đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, đẩy mạnh thông tin thị trường toàn cầu, tăng cường quản lý các thị trường giao theo kỳ hạn và lập một cơ chế mạng lưới an toàn để bảo vệ người tiêu dùng ít tiền.

Cơn sốt giá lương thực năm 2008 đã khiến các nước phương Tây và các nước mới nổi như Trung Quốc và các quốc gia Vùng Vịnh quan tâm tới việc mua đất nông nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.


Theo Jonathan Wood, chuyên gia phân tích các vấn đề toàn cầu của Công ty Control Risks, những rủi ro chính sẽ nảy sinh từ những thương vụ mua đất tại các khu vực mà cư dân bị thiếu lương thực và những thỏa thuận đó bị xem là không được đàm phán thỏa đáng.


Có rất nhiều dự án như vậy ở các nước Đông Phi như Êtiôpi, Kênia, Tandania. Trong khi đó, một số nhà đầu tư thuộc Quỹ Quản lý Tài sản khẩn cấp có trụ sở ở Luân Đôn và Công ty Chayton Capital cho biết yếu tố quan trọng trong chiến lược của họ là đảm bảo các dự án như thế đem lại lợi ích rõ rệt cho cộng đồng địa phương.

TTK (Theo Reuters)