08:11 19/08/2011

Gia Lai: Nguy cơ mất mùa cà phê do ve sầu phá hoại

Hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê của huyện Đắk Đoa (Gia Lai) rất lo lắng trước tình trạng nhiều diện tích cà phê đang vào mùa thu hoạch quả bỗng dưng xuất hiện triệu chứng vàng lá, khô cành rồi rụng quả, thậm chí long rễ chết cả cây do một loại ve sầu gây nên.

Hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê của huyện Đắk Đoa (Gia Lai) rất lo lắng trước tình trạng nhiều diện tích cà phê đang vào mùa thu hoạch quả bỗng dưng xuất hiện triệu chứng vàng lá, khô cành rồi rụng quả, thậm chí long rễ chết cả cây do một loại ve sầu gây nên.

Ông Nguyễn Văn Hải ở thôn 5, xã Nam Yang (Đắk Đoa) cho biết: Thời gian qua, trên diện tích hơn 2ha cà phê của ông có hiện tượng cây vàng lá rồi rụng quả, có nhiều cây đã chết khô. Cạnh rẫy cà phê của ông Hải là rẫy của anh Nguyễn Văn Thanh cũng chịu chung số phận bị ve sầu tàn phá. Anh Thanh đã dùng cuốc đào từng gốc cà phê lên và chỉ cho chúng tôi xem ở mỗi gốc cà phê bị chết có rất nhiều ấu trùng ve sầu trắng muốt, to bằng ngón tay út.

Ve sầu xuất hiện với mật độ dày đặc khiến người trồng cà phê tại Gia Lai điêu đứng. (Nguồn: internet)


Cũng theo anh Thanh, hơn 10 năm làm cà phê, đây là lần đầu tiên rẫy nhà anh bị nạn này nhưng vẫn chưa có cách để phòng trừ. Riêng năm nay rẫy nhà anh có khoảng 50% diện tích bị ảnh hưởng. Nếu tính theo mức giá cà phê nhân hiện tại, năm nay gia đình anh sẽ tổn thất cả trăm triệu đồng. Anh Thanh cho biết thêm: Đây vẫn chưa phải là tổn thất đáng ngại mà nó còn di chứng qua nhiều năm về sau bởi vì bộ rễ cây cà phê bị ve sầu làm tổn thương sẽ khiến nhiều loại bệnh dễ xâm nhập cây, cành, lá bị mất nơi cung cấp dinh dưỡng nên héo úa, chết dần, rất khó hồi phục lại. Nếu bị nhẹ thì phải vài năm sau cây mới có thể hồi phục lại như ban đầu, nặng hơn thì cây sẽ bị long gốc và chết.

Ông Nguyễn Công Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang cho biết, việc cây cà phê bị nạn ve sầu phá hoại tại xã này đã có từ mấy năm nay tuy nhiên vẫn chưa tìm ra giải pháp tiêu diệt, phòng trừ. Trước thực trạng này, một số nông dân đã mua chế phẩm sinh học rồi phối hợp với vôi để diệt thử nhưng chưa thấy hiệu quả. Chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan bảo vệ thực vật của huyện, mong rằng sẽ sớm tìm được biện pháp giúp nông dân đối phó với loại ve sầu này.

Theo thống kê sơ bộ của Hội Nông dân xã Nam Yang (huyện Đăk Đoa), xã hiện có khoảng 20% trong tổng số gần 1.300 ha cây cà phê bị ve sầu cắn phá dẫn đến cây chết, rụng quả, vàng lá làm giảm năng suất của cây cà phê.

Hiện giá hồ tiêu đang rất cao, trước đó hàng chục hộ nông dân đã đốn cây cà phê để trồng hồ tiêu. Nếu cơ quan Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai không có biện pháp diệt trừ loại côn trùng gây hại này, chuyện nông dân ồ ạt phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu là điều không tránh khỏi và nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng là rất cao.

Quang Thái