06:09 29/06/2012

Gia Lai: Di dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở

Nhằm giải quyết nơi ở, góp phần ổn định cuộc sống cho 1.400 hộ, với 7.500 nhân khẩu, ở địa bàn huyện Krông pa và Chưprông, tỉnh Gia Lai đang triển khai “Dự án sắp xếp di dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở do thiên tai và di dân ngoài kế hoạch”.

Nhằm giải quyết nơi ở, góp phần ổn định cuộc sống cho 1.400 hộ, với 7.500 nhân khẩu, ở địa bàn huyện Krông pa và Chưprông, tỉnh Gia Lai đang triển khai “Dự án sắp xếp di dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở do thiên tai và di dân ngoài kế hoạch”.


Dự án ở huyện Krôngpa có mức đầu tư 17,3 tỷ đồng, sẽ triển khai giải quyết di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở thuộc 4 buôn của xã Ia RSai, gồm: Buôn Púh, buôn Chik, buôn Pan và buôn KTing, với tổng số 170 hộ, gồm 875 nhân khẩu người J'rai. Huyện đã quy hoạch lại khu dân cư mới ở trên cao, cách nơi ở cũ khoảng 3 km và sẽ hoàn thiện vào năm 2014, đảm bảo đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống như nhà ở, điện thắp sáng, đường giao thông nội làng, lớp học... của bà con khi về nơi ở mới.


 

Một khu tái định cư ở huyện Krôngpa. Ảnh: CTV

 

Dự án di dân ở huyện Chưprông có mức đầu tư 46 tỷ đồng, nhằm ổn định cuộc sống cho 1.246 hộ, với 6.600 dân di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp từ nhiều năm trước. Dự án đã quy hoạch 9 điểm dân cư tập trung và xen ghép tại địa bàn các xã: Ia Piơ, Ia Lâu, Ia Ver và Ia Gar để vận động đưa bà con ra nơi ở mới an toàn và đảm bảo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao cuộc sống. Dự án này đã được triển khai từ năm 2010 và đã có một số điểm dân cư xây dựng hoàn thành, bước đầu đã có nhiều hộ dân tự nguyện di dời về nơi ở mới. Theo lãnh đạo huyện Chưprông, những tháng cuối năm 2012, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn tất các công trình và hạng mục công trình ở các điểm dân cư mới và di dời hết số hộ còn lại.


Tại huyện Krôngpa, trước đây bà con định canh định cư dọc theo con sông Ba, nay do tác động của biến đổi khí hậu và của con người nên đã làm thay đổi dòng chảy, làm nước sông dâng cao gây ngập cả vùng đất sản xuất, đồng thời lấn sâu vào khu dân cư. Còn tại huyện Chưprông, bà con sống rải rác trong những cánh rừng sâu, chủ yếu dựa vào việc phá rừng để lấy đất sản xuất, bệnh tật hoành hành, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, con cái không được đến lớp học chữ. Hai dự án di dân này vì vậy không những chăm lo bảo vệ tốt cho cuộc sống của người dân ở những vùng khó khăn, mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

Văn Thông