06:22 27/06/2012

Gia đình - nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc,...

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của nhiều ban, ngành, nhiều tổ chức xã hội và là trách nhiệm của mỗi công dân.


Sự quan tâm sâu sắc


Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập, truyền thống gia đình Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới với sự quan tâm yêu thương sâu sắc. Với ý nghĩa to lớn của gia đình, ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTg về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là “Ngày Gia đình Việt Nam”. Đây là ngày tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội hướng về gia đình, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Ngày hội gia đình Việt Nam 2012 . Ảnh: Dương Thủy -TTXVN

Theo bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác gia đình đã thực sự trở thành một vấn đề lớn, mang tầm quốc gia, luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm, công tác gia đình cũng ngày càng được triển khai một cách sâu rộng trong phạm vi toàn quốc.


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của gia đình và văn hóa gia đình. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã nêu rõ: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.


Văn kiện của Đảng cũng đã xác định: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”, Phong trào “Người tốt, việc tốt”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam…”. Nghị quyết Đại hội X của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình CNH-HĐH. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tổ ấm hạnh phúc của mỗi gia đình .


Đặc biệt, ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 629/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (sau đây gọi tắt là Chiến lược) càng thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về gia đình Việt Nam. Quan điểm của Chiến lược là: Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Ưu tiên, tạo điều kiện để các gia đình khu vực nông thôn, miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.


Theo đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ. Nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định.


Những tồn tại cần khắc phục


Ngày nay, lĩnh vực gia đình và văn hóa gia đình đang đứng trước những thách thức của tiến trình hội nhập. Nước ta đang trên đường CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước.


Song, bên cạnh những mặt tích cực đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình Việt Nam, làm cho gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam.


Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động.


Tôn vinh giá trị truyền thống


Với thông điệp truyền thông “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Ngày gia đình Việt Nam năm nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức từ 26 - 28/6 với nhiều hoạt động ý nghĩa.


Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Phó Ban tổ chức “Ngày hội gia đình Việt Nam 2012”, cho biết: Thông qua các hoạt động của ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, thúc đẩy việc thực hiện công tác gia đình, động viên, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của gia đình trong việc duy trì sự ổn định, phát triển gia đình bền vững.


Triển khai hoạt động của các đề án “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những hoạt động đầy ý nghĩa trong Ngày gia đình Việt Nam năm nay đó là triển lãm với chủ đề tổ ấm gia đình, người cao tuổi với gia đình Việt Nam, ngày văn hóa gia đình Hà Nội...


Đặc biệt, Ngày gia đình Việt Nam năm nay còn có sự tham gia của 500 người cao tuổi đến từ các câu lạc bộ, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đồng diễn thể dục dưỡng sinh; liên hoan hát ru; mừng thọ các cựu chiến binh cao tuổi tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. “Chương trình liên hoan hát ru nhằm mục đích giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống, vì ngày nay hát ru đang ngày bị mai một bởi cuộc sống hiện đại, những bà mẹ trẻ không còn mấy ai hát ru con mình... Tại Liên hoan sẽ công diễn 20 tiết mục hát ru đã thông qua tuyển chọn từ các Câu lạc bộ Người cao tuổi của Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định” – bà Nguyễn Thị Hoa khẳng định.

Song hành với các hoạt động Ngày gia đình Việt Nam còn có Hội thi “Vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm bình đẳng tiến bộ hạnh phúc”. Đây là hội thi tiểu phẩm sân khấu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức. Nội dung của cuộc thi hết sức thiết thực về chủ đề xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, vấn đề bình đẳng giới trong gia đình phải được hiểu và vận dụng một cách linh hoạt, tế nhị và thuyết phục như thế nào, khái niệm gia đình truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hiện nay sẽ được tiến hành ra sao để phù hợp với điều kiện sống của từng gia đình…


Trong chương trình Ngày hội văn hóa gia đình Hà Nội, Sở VH,TT&DL Hà Nội còn phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm về vai trò của thành viên trẻ trong xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Cùng với quan điểm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về gia đình, diễn đàn là dịp để chính những người trong cuộc trao đổi những trải nghiệm, kinh nghiệm bổ ích và cả những tồn tại trong việc xây dựng và củng cố gia đình.

 
Cũng trong dịp này, thành phố Hà Nội còn tổ chức lễ gặp mặt, tuyên dương 100 gia đình trẻ tiêu biểu năm 2012. Để được tôn vinh trong dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam năm nay, các gia đình phải đạt những tiêu chuẩn khắt khe về thành tích cống hiến trong sản xuất kinh doanh, kết quả nghiên cứu, học tập; độ tuổi của hai vợ chồng phải dưới 40 để đảm bảo tiêu chí “trẻ”… phải được tổ chức Đoàn cơ sở bầu chọn, giới thiệu. Ngoài ra, không chỉ bố mẹ mà các con trong gia đình đó cũng phải đạt thành tích tiêu biểu trong học tập, rèn luyện…

Viết Tôn