06:09 30/06/2011

Gia đình người Tày có thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi lợn

Để làm được trang trại có quy mô đòi hỏi người chăn nuôi phải có kiến thức về khoa học kỹ thuật, say mê tìm tòi học hỏi và có ý chí vươn lên làm giàu, khả năng quản lý và kinh doanh.

Để làm được trang trại có quy mô đòi hỏi người chăn nuôi phải có kiến thức về khoa học kỹ thuật, say mê tìm tòi học hỏi và có ý chí vươn lên làm giàu, khả năng quản lý và kinh doanh.
 
Những yếu tố này đã từng là rào cản của các hộ tham gia xây dựng mô hình chăn nuôi tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Nhìn rõ vấn đề để có những định hướng, điều chỉnh cho phù hợp mới có cơ hội thành công." Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Là, vợ của chủ trang trại Hà Sỹ Phúc.

Ảnh:Internet

Đến thăm trang trại của gia đình ông Hà Sỹ Phúc, bà Phạm Thị Là, thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn), mới thấy sự công phu của hộ gia đình dân tộc Tày này. 3 dãy nhà chuồng của trang trại được xây dựng quy mô trên một quả đồi, có thiết kế thích hợp cho từng loại lợn. Dãy dành riêng cho lợn nái được xây dựng ở vị trí cao nhất với 60 lợn nái và 3 lợn đực, rồi đến dãy chuồng dành cho lợn mẹ con mới sinh; dãy cuối cùng dành để nuôi lợn thịt (thường luôn có khoảng 300-400 lợn từ mới tách mẹ đến 80-100kg).

Chuồng lợn được thiết kế thích hợp khi mùa hè thoáng mát, mùa đông có hệ thống che chắn khoa học và đèn hồng tím cao áp sưởi ấm…2 năm gần đây, mỗi năm ông bà Phúc, Là xuất chuồng khoảng 1.000-1.100 lợn thịt, với trọng lượng từ 80-100kg/con. Theo tính toán của bà Là mỗi năm trừ toàn bộ chi phí, gia đình bà lãi gần một tỷ đồng. Một mức thu lý tưởng cho gia đình nông dân.

Gia đình ông bà bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái từ 2005, ban đầu chỉ mua 6 con lợn nái, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm và những tư vấn cần thiết, nên cả 6 con nái này đều bị chết, gia đình lỗ khoảng 20 triệu đồng. Không chấp nhận thất bại dễ dàng, ông Phúc học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại ở Ninh Bình, Thái Nguyên...
 
Được sự hỗ trợ của các Trung tâm khuyến nông tỉnh, ông đã đầu tư mua tiếp 27 lợn nái và một lợn đực từ Công ty DABACO, trong số này ông đã tuyển chọn được 12 lợn nái sinh sản tốt. Không dừng lại ở đây, năm 2008, được sự hỗ trợ về kỹ thuật và một phần kinh phí của Sở Khoa học-Công nghệ Bắc Kạn, trong đề án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại tập trung quy mô vừa để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ tại thị xã Bắc Kạn”, gia đình ông tiến hành xây dựng chuồng trại để tổ chức chăn nuôi với quy mô lớn hơn.

Đây là một mô hình sản xuất lợn thịt an toàn, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, có giá thành hạ, để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh và có thể cạnh tranh với thị trường ngoài tỉnh, giúp nông dân tận dụng nguồn thức ăn nguyên liệu tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Phúc được khép kín từ khâu sản xuất thức ăn đến nuôi lợn nái, lợn bột, lợn thịt… Để làm được trang trại như thế, tổng kinh phí lên đến gần 3 tỷ đồng. T heo ông Phúc, với việc cho vay chăn nuôi mà ngân hàng chính sách chỉ cho vay 30 - 40 triệu đồng trong thời hạn từ 3 - 4 tháng thì không đủ để kết thúc một chu kỳ sinh trưởng và lợn thịt để xuất chuồng.

Gia đình ông đã chạy đủ cách để vay vốn, cả vốn không ưu đãi để thực hiện đề án. Rất may, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã tác động với công ty thức ăn gia súc để họ hỗ trợ bằng cách cho ứng trước vốn thức ăn…

Với “Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại tập trung quy mô vừa để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ tại Bắc Kạn” được đánh giá là rất thành công này, Sở Khoa học-Công nghệ Bắc Kạn đã lập phương án chuyển giao cho người sản xuất và cán bộ kỹ thuật địa phương cách thiết kế và tổ chức chăn nuôi lợn quy mô vừa tập trung; công nghệ chăn nuôi lợn sinh sản; công nghệ chăn nuôi lợn thịt hướng nạc; công nghệ sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn… Đây là một mô hình kinh tế trang trại quy mô vừa, cho thu nhập cao.

Tuy nhiên, vốn vẫn là bài toán khó giải cho các hộ nông dân. Mong rằng Nhà nước có chính sách hợp lý cả về ưu tiên vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nhận thức quản lý… để mô hình được phát triển ở Bắc Kạn và được nhân rộng cho các địa phương miền núi có cùng đặc thù ở vùng Tây-Đông Bắc này.

Nguyễn Trình