01:13 10/01/2015

Giá dầu có thể trượt về 40 USD/thùng

Giá dầu vẫn "cắm đầu" lao dốc trong phiên cuối tuần 9/1, khép lại một tuần giao dịch "bi đát" của thị trường dầu mỏ thế giới.

Bất chấp báo cáo tích cực từ Bộ Lao Động Mỹ cho hay tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống 5,6% trong tháng 12/2014 - mức thấp nhất trong vòng sáu năm rưỡi qua, giá dầu vẫn "cắm đầu" lao dốc trong phiên cuối tuần 9/1, khép lại một tuần giao dịch "bi đát" của thị trường dầu mỏ thế giới.

Đây chỉ là phiên giảm giá tiếp nối chuỗi phiên "đổ dốc" trong gần như suốt cả tuần qua của thị trường dầu mỏ thế giới, ngoại trừ một vài phiên "le lói" phục hồi. Nguyên nhân vẫn là nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu trên toàn cầu đối với "vàng đen" lại sụt giảm, cho dù nền kinh tế tiêu thụ dầu thô hàng đầu là Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ.

Cơ sở lọc dầu Saudi Aramco trên sa mạc gần khu vực giàu dầu mỏ Khouris, cách thủ đô Riyadh, Saudi Arabia khoảng 160km về phía đông. Ảnh: AFP/TTXVN


Với số liệu mới nhất nói trên, năm 2014 đã trở thành năm tạo công ăn việc làm tốt nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ năm 1999. Một nguyên nhân quan trọng khác đẩy giá dầu đi xuống là đồng USD mạnh lên, gây áp lực lên giá dầu.

Giảm mạnh liên tiếp trong hai phiên đầu tuần, với mức giảm lên tới trên 10%, giá dầu đã chìm xuống các mức thấp kỷ lục mới. Thị trường dầu mỏ thế giới đã "gượng dậy" trong hai phiên giữa tuần nhờ sắc xanh trên các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu, khiến tâm lý đầu tư mạo hiểm được cải thiện.

Thêm vào đó là báo cáo tích cực của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khá mạnh (3,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/1). Thông tin này được xem như một "tia sáng cuối đường hầm" đối với thị trường dầu mỏ tại thời điểm mà vấn đề cung vượt cầu vẫn đang là nguyên nhân chính khiến giá dầu tuột dốc không phanh trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, sự phục hồi mong manh của giá dầu đã chấm dứt ngay sau đó khi trong phiên cuối tuần 9/1, giá dầu lại quay đầu giảm, thậm chí có thời điểm đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Ngoài những nguyên nhân cơ bản như cung vượt cầu, USD mạnh, "bồi" thêm vào đà giảm của giá dầu còn là bức tranh u ám của nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khi số liệu mới nhất cho biết sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn tiếp tục sụt giảm.

Thêm vào đó là việc chưa xuất hiện tín hiệu nào cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ "ra tay" hành động để can thiệp vào tình trạng dư thừa sản lượng hiện nay.

Đóng cửa phiên 9/1 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 2/2014 giảm 43 xu Mỹ xuống chốt phiên và chốt tuần ở mức 48,36 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ để mất 85 xu xuống chốt phiên ở 50,11 USD/thùng, sau khi đã có lúc trong phiên tụt xuống 48,90 USD/thùng.

Theo các nhà phân tích, giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục trượt về mốc 40 USD/thùng trong những tuần tới nếu những yếu tố cơ bản chi phối thị trường như hiện nay vẫn không có sự thay đổi, đặc biệt là về nhu cầu.


Thùy Chi
(Theo AFP)