05:07 12/05/2014

Ghi chép từ Kharkov và Odessa

Những ngày đầu tháng 5, nhóm phóng viên chúng tôi đã thực hiện chuyến đi tìm hiểu về tình hình đời sống và làm ăn của bà con người Việt tại Ukraine với điểm đến là các thành phố Kharkov và Odessa trong bối cảnh quốc gia này đang diễn ra cuộc khủng hoảng kép về chính trị và kinh tế.

Những ngày đầu tháng 5, nhóm phóng viên chúng tôi đã thực hiện chuyến đi tìm hiểu về tình hình đời sống và làm ăn của bà con người Việt tại Ukraine với điểm đến là các thành phố Kharkov và Odessa trong bối cảnh quốc gia này đang diễn ra cuộc khủng hoảng kép về chính trị và kinh tế.

 

Người Việt buôn bán ở chợ Barabansovo.


Ấn tượng đầu tiên khi nhập cảnh vào thành phố Kharkov là sự "kém nhiệt tình" của nhân viên biên phòng. Phải mất gần 2 tiếng, chúng tôi, những người xuất phát từ LB Nga, mới được nhập cảnh. Thậm chí nhân viên công quyền còn dọa một cách lịch sự: "Có thể các bạn phải quay về Moskva do chúng tôi lo ngại cho an toàn cho các bạn vì tình hình ở đây không yên tĩnh". Tuy vậy, trên đường về làng Thời Đại của người Việt và tại khu nhà này, chúng tôi lại cảm nhận một bầu không khí khác. Đó là khung cảnh yên bình của thành phố Kharkov, sự yên bình tại làng Thời đại khi trong khuôn viên làng, trẻ em vẫn tung tăng chơi đùa còn các chị trông trẻ người vẫn đẩy nôi dạo quanh tượng đài Thánh Gióng.


Kharkov là nơi có đông người Việt nhất với khoảng một nửa trong tổng số trên dưới 10.000 người Việt làm ăn sinh sống tại Ukraine. Đại bộ phận người Việt ở Kharkov kinh doanh, buôn bán tại chợ Barabansovo (khoảng 3.000 người) vì thế điểm đến đầu tiên của chúng tôi chính là khu chợ khang trang và rộng lớn này. Chủ nhật, thông thường là một trong những ngày buôn bán tấp nập nhất tuần, các cửa hàng vẫn mở cửa song khách đến mua thưa thớt, giảm hẳn so với hồi tháng 8 năm ngoái. Giữa trung tâm chợ vẫn có những gian hàng đóng cửa và treo biển cho thuê. Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Văn Thiều, quê Hà Nam, làm ăn buôn bán tại Kharkov từ năm 2001 cho biết tình hình kinh doanh ở chợ thực sự khó khăn. Do khủng hoảng trầm trọng, hàng hóa hầu như không bán được nên gia đình hiện phải rút vốn ra chi tiêu và trả tiền thuê chỗ.


Nỗ lực hàng chục năm của cộng đồng đã biến chợ Barabansovo thành một trung tâm buôn bán, hút một lượng lớn khách hàng từ các vùng xung quanh, đặc biệt là một lượng đông đảo khách hàng Nga ở các tỉnh gần Kharkov. Tuy nhiên những hạn chế về nhập cảnh vào Ukraine cộng với tình trạng đi lại khó khăn do xung đột ở miền Đông khiến cho lượng khách mua hàng giảm hẳn. Nói chuyện với những người kinh doanh tại chợ, họ đều cho biết an ninh không hề đáng lo ngại. Đụng độ hay biểu tình chỉ diễn ra ở trung tâm thành phố, mà người Việt thì không hề tham gia vào những sự kiện này. Điều đáng lo ngại nhất với bà con là tình hình kinh doanh buôn bán. Việc đồng hryvna bản địa mất giá tới 50% cũng làm bà con thiệt hại đáng kể. Với những người Việt sinh sống tại đây đã lâu năm, có nền tảng tài chính tốt thì cuộc khủng hoảng tuy tác động nặng nề đến thu nhập song họ vẫn có thể chịu đựng được. Còn với những người mới ra chợ buôn bán vài năm, tài chính chưa chắc chắn thì tình hình khá bi đát. Nếu không xoay được tiền để tồn tại, rất có khả năng sẽ phải đóng cửa kinh doanh.


Ông Trần Đức Tựa, Chủ tịch Hội người Việt tại Kharkov cho biết Hội và cộng đồng luôn nhắc bà con bình tĩnh, không tới những nơi nhạy cảm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đối phó với những tình huống khó khăn có thể xảy ra. Ông Tựa cùng phần đông bà con buôn bán ở chợ Barabansovo đều bày tỏ mong mỏi cuộc khủng hoảng nhanh chóng trôi qua để quay về với cuộc sống như trước.


Rời Kharkov, chúng tôi đến thương cảng Odessa sầm uất của Ukraine. Có thể nói từ lâu nay Odessa luôn là mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh, do đây là nơi hàng hóa tấp nập ra vào đầu cầu buôn bán này. Hàng hóa qua thương cảng có nguồn gốc từ nhiều nước, trong đó có nhiều hàng Việt Nam. Nổi tiếng nhất tại Odessa là khu chợ "Cây số 7" khổng lồ được xem là chợ đầu mối lớn nhất Ukraine và là nơi kinh doanh buôn bán của đại bộ phận người Việt ở Odessa. Từ đây, hàng hóa tỏa đi tất cả các tỉnh, thành Ukraine cũng như các tỉnh của Nga giáp biên giới. Khoảng 3.000 người Việt đang làm ăn sinh sống ở Odessa, tức là đứng thứ 2 chỉ sau Kharkov về số lượng. Trao đổi với một đôi vợ chồng người Việt mới ra chợ kinh doanh chưa được 1 năm, họ cho biết tình hình bán hàng rất khó khăn, hàng hóa tiêu thụ rất chậm. Các chủ hàng cũng chỉ giao hàng trả chậm nhỏ giọt cho họ bán để bảo toàn vốn. Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của phóng viên, quang cảnh kinh doanh tại chợ "Cây số 7" vẫn khá hơn nhiều so với chợ Barabansovo. Ở thành phố Odessa, tình hình cũng yên bình, dù mọi người chưa hết sốc sau sự kiện hơn 40 người biểu tình thiệt mạng trong vụ cháy Nhà Công đoàn ngày 2/5.


Có thể thấy, nhìn chung, hầu hết những người Việt hiểu biết tại Ukraine đều bày tỏ lấy làm tiếc cho quốc gia hiền hòa và thanh bình này. Làn sóng Maidan tại Kiev từ tháng 11/2013 đã đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn và khó khăn hơn nhiều về kinh tế so với trước. Họ cũng thể hiện mong muốn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Ukraine sẽ tìm ra được một vị tổng thống đủ thao lược để xử lí tình hình, sớm chấm dứt khủng hoảng.


Bài và ảnh: Duy Trinh(đưa tin từ Ukraine)