09:09 21/09/2011

Ghế mây Tây Bắc

Ghế mây là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu, gắn bó với người H’Mông, Mảng, Dao, Nhắng… trong mọi sinh hoạt làng xóm, trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, thể hiện nét truyền thống văn hóa của đồng bào.

Ghế mây là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu, gắn bó với người H’Mông, Mảng, Dao, Nhắng… trong mọi sinh hoạt làng xóm, trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, thể hiện nét truyền thống văn hóa của đồng bào.

Nghề làm ghế mây đang được khôi phục lại ở Lai Châu.


Những năm trước đây, do kinh tế khó khăn và nguồn nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, hầu hết bà con đã bỏ nghề làm ghế hoặc chỉ làm vài bộ để dùng trong gia đình. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường tăng trở lại, nghề đan ghế mây được khôi phục ở một số địa phương trong tỉnh với quy mô nhỏ lẻ. Tại Lai Châu có vài xã duy trì nghề đan ghế như Tà Lèng, Giang Ma, Bản Hon...

Anh Tẩn Minh Tải, dân tộc Dao ở xã Giang Ma đã làm nghề đan ghế mây gần 20 năm nay cho hay: “Mấy năm trước gia đình tôi định bỏ nghề vì tiền thu được từ nghề làm ghế không đủ để lo cho cuộc sống gia đình. Gần đây ghế bán được giá cao do khách dưới xuôi lên mua nhiều, giá một cái ghế bán cũng được 50.000 đồng. Mỗi tháng gia đình làm được 30 cái, đủ tiền cho con ăn học và nhu cầu cuộc sống".

Theo anh Tải, để làm được một cái ghế rất vất vả. Một tháng một lần phải lên rừng kiếm cây mây, cây song, mỗi lần đi lấy song mây mất từ 2 - 3 ngày. Phải tìm được những cây già nhất, óng nhất làm nguyên liệu, để khi đan thành ghế là tạo được những sản phẩm tốt nhất.

Để làm được một cái ghế hoàn chỉnh, người thợ chỉ cần một cây đục, dao chuốt nan và đôi tay khéo léo, cần mẫn. Sau khi cây mây được mang về sẽ chuốt thành nhiều sợi, kích cỡ đều nhau với độ dài định sẵn. Chuốt xong người thợ sẽ phải hơ qua ngọn lửa hồng cho sợi mây dẻo, khô và óng lại. Chân ghế được làm từ cây song và những thanh gỗ già nhất, có đường kính khoảng 30 cm, tất cả cũng đều được hơ qua lửa để khi làm xong ghế thật chắc. Một sản phẩm sau khi làm xong phải đảm bảo độ chắc chắn, bền đẹp, các sợi mây đan đều nhau, dùng được từ 2- 3 năm.

Không phải ai cũng có thể trở thành một thợ đan ghế mây giỏi, để làm được phải bỏ khá nhiều thời gian, công sức học hỏi từ những người thợ giỏi trong bản. Người thợ giỏi một tháng có thể đan được 40 sản phẩm, ghế phải đẹp, có giá trị thẩm mỹ và đề cao cách làm truyền thống của đồng bào.

Mỗi chiếc ghế mây Tây Bắc không chỉ đẹp, có giá trị văn hóa, nghệ thuật, in đậm dấu ấn tâm hồn của người làm ra nó mà còn thật tiện ích khi sử dụng. Làm sao để giữ được nghề làm ghế truyền thống của người vùng cao và làm thế nào để mọi người trong nước biết đến nhiều hơn loại sản phẩm đặc trưng vùng Tây Bắc này, đó thật sự phải là điều đáng quan tâm.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Tùng