10:00 29/10/2011

GDP quý III của Mỹ bất ngờ tăng mạnh

Nền kinh tế Mỹ trong quý III/2011 đã bất ngờ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một năm qua, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2,5%, sau khi chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4% trong quý I và 1,3% trong quý II.

* Dấu hiệu tích cực về sự phục hồi kinh tế Nhật Bản

Nền kinh tế Mỹ trong quý III/2011 đã bất ngờ đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một năm qua, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 2,5%, sau khi chỉ đạt mức tăng trưởng 0,4% trong quý I và 1,3% trong quý II. Điều này đã góp phần xua tan mối quan ngại lâu nay về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chi tiêu tiêu dùng tăng đã giúp GDP trong quý III/2011 của Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng một năm qua.


Theo các nhà phân tích, sở dĩ kinh tế Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong quý III là nhờ cả chi tiêu tiêu dùng và doanh nghiệp đều tăng, trong khi thâm hụt thương mại giảm và các khoản chi của chính phủ tăng. Trong quý vừa qua, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng 2,4%, mức tăng nhanh nhất trong một năm, đặc biệt là đối với các sản phẩm lâu bền như ô tô và tủ lạnh. Trong khi đó, đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực không thuộc bất động sản tăng 16,3%, cũng là mức tăng cao nhất kể từ một năm trước. Tỷ lệ lạm phát trong quý cũng đã giảm xuống 2,1%, so với 2,3% trong quý trước.

Ông Millan Mulraine, chiến lược gia kinh tế vĩ mô cấp cao thuộc công ty chứng khoán TD ở New York, nhận định: “Kinh tế đang đi đúng hướng và điều này rất đáng khích lệ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và nhiều nền kinh tế lớn có thể suy thoái”.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho rằng, thông tin tích cực trên về nền kinh tế Mỹ sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bớt áp lực trong phiên họp tuần tới nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 9% trong 5 tháng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ cần tăng trưởng ở mức trên 2,5% trong một giai đoạn lâu dài thì mới đủ để hạ tỷ lệ thất nghiệp. Nhà Trắng cũng tỏ ra thận trọng khi nhận định về tín hiệu tích cực bất ngờ trên. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định, tăng trưởng 2,5% là tín hiệu tốt hơn so với hai quý trước nhưng không đủ tác dụng trong dài hạn. Do đó, Mỹ cần hành động để nền kinh tế tăng trưởng hơn nữa và tạo việc làm.
Trong khi đó, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - cũng có những dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế đang phục hồi. Ngày 28/10, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế nước này, theo đó chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng và tỷ lệ thất nghiệp đang hạ, cho dù giá trị sản xuất công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã lần đầu tiên giảm trong vòng sáu tháng qua.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng chủ chốt của nước này (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí năng lượng tăng. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tăng, cho thấy tình trạng thiểu phát đang có xu hướng giảm dần. Đáng chú ý, giá xăng dầu tăng tới 10,3% và giá dầu sưởi tăng 17,4% trong tháng 9, trong khi giá điện tăng 3,9%. Một dấu hiệu tích cực khác về sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản đó là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 4,1% trong tháng 9 so với 4,3% trong tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp ở nam giới là 4,4% và ở nữ giới là 3,6%.

Thùy Dương (tổng hợp)