06:06 19/06/2014

Garfield và những chú mèo hoạt hình nổi tiếng

Kể từ lần đầu ra mắt khán giả vào ngày 19/6/1978, đến nay, sau 36 năm, chú mèo béo Garfield giờ đã trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng trên toàn thế giới.

Hình ảnh những chú mèo ngộ nghĩnh, đáng yêu từ lâu đã mang nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn viết truyện tranh thiếu nhi trên toàn thế giới. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các em nhỏ đều biết đến nhân vật chú mèo béo lười biếng, ham ăn, ham ngủ Garfield với nụ cười nhếch mép “khinh khỉnh” và đôi mắt lờ đờ ngái ngủ trong bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Jim Davis. Kể từ lần đầu ra mắt khán giả vào ngày 19/6/1978, đến nay, sau 36 năm, chú mèo béo Garfield giờ đã trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng trên toàn thế giới.


Mèo Garfield.


Nhắc đến Garfield, ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh một con mèo mướp màu cam rực rỡ, béo ịch, lười biếng và thích ăn món lagsana. Mèo Garfield luôn tự cho mình là thông minh hơn con người và mọi loài động vật khác. Tuy béo ú, lười biếng và hơi ích kỷ nhưng Garfield lại cực kỳ hóm hỉnh và sáng tạo. Những trò nghịch ngợm của Garfield với cậu chủ Jon và chú chó tội nghiệp Odie luôn đem lại tiếng cười cho mọi người. Là mèo nhưng nó cũng chẳng bao giờ thèm bắt chuột mà chỉ luôn cố tìm mọi cách để ăn thịt bất cứ con chim nào mà nó nhìn thấy (mặc dù ý muốn của nó chẳng bao giờ thành công). Garfield cũng rất ghét ngày thứ Hai vì với nó, ngày thứ Hai mang lại nhiều điều xui xẻo…

 

Tuy có quá nhiều sự lập dị như vậy, nhưng chẳng ai ngờ dưới nét vẽ giàu trí tưởng tượng và sáng tạo của tác giả Jim Davis, Garfield lại được yêu thích đến vậy. Kể từ khi xuất hiện vào năm 1978 đến năm 2007, bộ truyện Garfield đã được đăng trên 2.570 tờ báo và tạp chí. Và cho đến nay, nó vẫn đang giữ Kỷ lục Guiness Thế giới về bộ truyện tranh được phát hành trên nhiều báo nhất.

 

Không những thế, bộ truyện cũng đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, và những bộ phim điện ảnh với sự diễn xuất lồng tiếng tuyệt vời của các diễn viên như Scott Beach, Lorenzo Music, Frank Welker, Bill Murray… Hình ảnh của Garfield đã trở thành một “thương hiệu” khi vô số hàng hóa mang hình ảnh của chú mèo béo màu cam, mang lại doanh thu vô cùng lớn cho những nhà đầu tư sở hữu được hình ảnh của chú. 

 

Tuy nhiên, trong lịch sử truyện tranh và hoạt hình thế giới, chú mèo Garfield không phải là chú mèo duy nhất nổi tiếng, với hình ảnh đã vượt ra ngoài phạm vi của một nhân vật hoạt hình đơn thuần. Với sự dễ thương, thân thiện, rất nhiều chú mèo khác cũng đã khẳng định được vị trí của mình trên màn ảnh và giành được sự mến mộ của nhiều khán giả đủ mọi lứa tuổi trên thế giới. Có thể kể đến những chú mèo hoạt hình nổi tiếng khác như: Felix, Hello Kitty, mèo Cheshire, mèo Tom (trong series hoạt hình Tom và Jerry), Doraemon…

 

Mèo Felix.


Chú mèo Felix là chú mèo đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh hoạt hình thế giới.  Ra đời từ năm 1919, thời kỳ của phim câm và phim đen trắng, mèo Felix được Pat Sullivan và Otto Messmer tạo nên với một hình ảnh đơn giản nhưng cực kỳ ấn tượng - một con mèo đen với đôi mắt to và nụ cười “đến tận mang tai”. Với hình ảnh quá đỗi thân thuộc này mà ngay cả khi thời kỳ phim đen trắng kết thúc, hãng Paramount Pictures vẫn quyết định trung thành với hình ảnh chú mèo Felix đơn giản với hai màu đen-trắng như trước. Tuy nhiên, thay vào đó, chú mèo Felix đã có “tiếng nói” của riêng mình kể từ năm 1936, với sự lồng tiếng của các diễn viên Mae Questel, Jack Mercer, Chris Phillips…

 

Khác với mèo Garfield và mèo Felix với tạo hình kỳ dị, mèo Hello Kitty lại là một cô mèo vô cùng xinh xắn, rất được các bé gái yêu thích. Xuất hiện lần đầu tại Nhật Bản (năm 1974) và tại Mỹ (năm 1976), giờ đây mèo Kitty đã trở thành một biểu tượng văn hóa của đất nước hoa anh đào. Nhà thiết kế Yuko Shimizu đã sáng tạo ra cô mèo Kitty dựa trên những đặc điểm của người phụ nữ Nhật Bản - hiền lành, nhỏ bé, xinh xắn và dễ thương. Với sự nổi tiếng vượt ra khỏi biên giới, năm 2008, mèo Kitty dã được chọn là Đại sứ văn hóa của Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên đất nước Nhật Bản chọn một nhân vật hư cấu làm Đại sứ văn hóa.

 

Mèo Hello Kitty.


Cùng quê hương với cô mèo Hello Kitty còn có Doraemon-chú mèo máy đến từ tương lai mà có lẽ không bạn nhỏ nào không biết đến. Doraemon là tên loạt truyện tranh của tác giả Fujiko F. Fujio người Nhật Bản, sáng tác từ năm 1969 dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Bộ truyện kể về một chú mèo máy màu xanh dễ thương tên là Doraemon đến từ thế kỷ 22.Với chiếc túi thần kỳ chứa các bảo bối của thế kỷ 22 đặt trước bụng và nhất là lòng dũng cảm, quý mến bạn bè, Doraemon đã trở thành vị cứu tinh cho Nobita, thậm chí cho cả nhân loại lúc hiểm nguy.

 

Ngay từ khi ra đời ở Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ 20, đến nay Doraemon vẫn có sức hút ngày càng lớn không chỉ với trẻ em mà với cả những bạn đọc lớn tuổi. Trở thành một nhân vật không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của thiếu nhi Nhật Bản, chú mèo máy Doraemon đã chính thức được xác nhận là cư dân của thành phố Kawasaki, Nhật Bản (nơi chú đã được họa sỹ Fujio sáng tạo ra) từ ngày 3/9/2012, đúng vào ngày sinh nhật của chú…

 

Lớn lên cùng tuổi thơ của nhiều người, nhiều nhân vật trong truyện tranh và hoạt hình đã vượt ra khỏi sự giải trí đơn thuần mà trở thành biểu tượng văn hóa cho mỗi quốc gia, khơi gợi ước mơ cũng như kỳ vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, nhân bản hơn.

 

 

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN