01:14 06/01/2011

“Gặp nhau cuối năm”: Hấp dẫn nằm ở yếu tố bất ngờ

“Gặp nhau cuối năm” “Táo quân” đã trở thành một “thương hiệu”, tạo nên bản sắc riêng của VTV và luôn thu hút sự quan tâm đón đợi của đông đảo công chúng mỗi dịp Tết đến xuân về.

“Gặp nhau cuối năm” “Táo quân” đã trở thành một “thương hiệu”, tạo nên bản sắc riêng của VTV và luôn thu hút sự quan tâm đón đợi của đông đảo công chúng mỗi dịp Tết đến xuân về.


Trò chuyện với PV về chương trình giải trí trên VTV dịp Tết Tân Mão, đặc biệt “Gặp nhau cuối năm” “Táo quân”, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), ĐD Đỗ Thanh Hải, cho biết:

Mặc dù đến tháng 1/2011 chúng tôi mới bắt đầu dàn dựng và tập luyện chương trình, nhưng việc nghĩ ý tưởng cho “Táo quân” luôn được nung nấu trong cả năm qua.


Chúng tôi lựa chọn trong rất nhiều sự kiện, vấn đề nóng của xã hội trong năm, được nhiều người quan tâm để khai thác dưới lăng kính hài hước…

Ông có thể cho biết Táo quân Tết Tân Mão có điều gì thú vị?

Đây không chỉ là thương hiệu của riêng VFC, mà còn là chương trình đặc biệt của Đài Truyền hình VN phục vụ khán giả trong đêm 30 Tết, nên ban lãnh đạo đài cũng yêu cầu huy động lực lượng, đầu tư chất xám, dàn dựng chương trình công phu nhất, tốt nhất.

Có thể khẳng định cái hay, hấp dẫn của chương trình “Táo quân” nằm ở yếu tố bất ngờ. Chưa kể, mặc dù đã được bàn bạc, viết đi viết lại rất nhiều lần, nhưng nhiều khi đến phút chót, kịch bản vẫn tiếp tục thay đổi.


Thực tế, mỗi sản phẩm “Táo quân” khi đến với công chúng chỉ bám được tối đa 50% kịch bản ban đầu, còn lại là những sáng tạo trong quá trình tập luyện của các nghệ sĩ.

Nghệ sỹ tham gia “Gặp nhau cuối năm 2010” sẽ có mặt trong chương trình năm nay, hứa hẹn sẽ mang đến những tràng cười cho khán giả.

Tiêu chí của chúng tôi là làm ra những chương trình ngày càng hay hơn lên, hấp dẫn hơn lên, nhiều thứ sắc sảo, thâm thúy hơn. Để làm được điều này cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, từ kịch bản, ngôn ngữ thể hiện, tình huống, đến diễn xuất của các nghệ sĩ diễn viên.

Đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội và được dư luận quan tâm, ông và ekíp thực hiện chương trình có ngại bị “sờ gáy”?

Đúng như bạn nói, chương trình đề cập đến nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội và được dư luận quan tâm nhưng sự thực là chúng tôi làm chương trình độc lập và không bị tác động, chịu ảnh hưởng của điều gì.


Tuy nhiên, không phải làm chương trình là cứ bê nguyên xi hiện thực vào, mà những người sản xuất chương trình phải có sự sàng lọc, phải tư duy, phân tích và sáng tạo. Có những vấn đề định làm nhưng trong quá trình thực hiện mà nhận thấy việc khai thác, thể hiện nó không mang lại hiệu quả thì có thể không làm nữa.

Đối với một chương trình hài như “Táo quân”, nếu sử dụng ngôn ngữ hài, cách biểu đạt của hài để phản ánh một vấn đề, nếu “nói chưa tới” thì chúng tôi cũng thôi không thực hiện. Vì suy cho cùng, những vấn đề “Táo quân” đề cập là những vấn đề trong một năm ai cũng biết, cũng nghe thấy rồi, điều quan trọng là chuyển hóa nó qua lăng kính hài hước như thế nào cho “đắt”.

Mỗi năm chúng tôi có một cách nghĩ, cách làm để sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. Nhà sản xuất nào mà chả mong muốn làm ra chương trình hấp dẫn, được khán giả nhiệt tình đón nhận.

Khi chuẩn bị bắt tay vào thực hiện chương trình, có khi nào ông nhận được tin nhắn kiểu…

Đó không phải điều chúng tôi quan tâm. Khi chúng tôi thực hiện chương trình nào thì cũng xuất phát trước tiên từ nhãn quan của chúng tôi, những người làm báo hình, cộng với nhãn quan của một nghệ sĩ sáng tác, nên phải tự chủ và độc lập về mọi cái mình làm.


Còn những đồn đoán này kia cũng chỉ là chuyện bên lề thôi, nếu mình cứ quan tâm chạy theo thì sẽ thành “đẽo cày giữa đường” mất!

Nhưng thế nào cũng có sự can thiệp, thưa ông?

Đó là điều không tránh khỏi! Nhưng chúng tôi không bao giờ lo lắng về việc bị can thiệp, vì khi người ta can thiệp vào báo chí thì tức là báo chí đã không làm đúng vai trò, chức năng của mình.


Điều quan trọng đối với những nhà sản xuất là phải xác định chương trình làm ra để phục vụ ai? Là khán giả hay một đối tượng riêng nào? Đối với “Táo quân”, đích hướng đến chính là phục vụ khán giả truyền hình cả nước.

Ông có thể nói gì về “Táo quân”?

“Táo quân” là một chương trình truyền hình mang tính chất châm biếm hài hước, nhưng đằng sau cái châm biếm đó là mục đích hướng thiện, nhắc nhau tốt đẹp hơn. Chúng tôi không đả kích, phản biện gay gắt vì đó không phải chức năng của chương trình giải trí!

“Táo quân” Tân Mão này ông có mời các nghệ sĩ hài phía Nam hay vẫn chỉ những gương mặt cũ?

Từ góc độ khách quan, ai cũng muốn chương trình mang đầy đủ gia vị, gương mặt Nam - Bắc, giọng điệu vùng miền. Tuy nhiên, điều này lại phải phụ thuộc vào tình hình thực tế.


Chúng tôi cũng có rất nhiều dự định nhưng lại khó khả thi, khi mà lực lượng nghệ sĩ cuối năm rất bận rộn, nhất là ở phía Nam, cuối năm các nghệ sĩ thường có show diễn dày đặc. Nhưng tôi hy vọng năm nay một số nghệ sỹ phía Nam sẽ góp mặt!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

K. Minh (thực hiện)