07:06 25/07/2011

Gặp người tìm kiếm 1.200 mộ liệt sỹ ở Hải Lệ

Các anh trở về làng sau 3 ngày trèo đèo, lội suối. Niềm vui sâu lắng hiện trên khuôn mặt sạm đen vì nắng mưa Quảng Trị. Các anh vui vì thêm một liệt sỹ được về với thân nhân, với đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Các anh trở về làng sau 3 ngày trèo đèo, lội suối. Niềm vui sâu lắng hiện trên khuôn mặt sạm đen vì nắng mưa Quảng Trị. Các anh vui vì thêm một liệt sỹ được về với thân nhân, với đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Đội trưởng Truyền làm thủ tục đưa hài cốt liệt sỹ về mai táng.


Các anh là những thành viên Đội quy tập Liệt sỹ xã Hải Lệ (trước thuộc huyện Hải Lăng, nay là thị xã Quảng Trị). "May quá các anh ạ. Bữa ni chúng em gặp may, gia đình thật có phúc. Anh nhà ta gần 40 năm nằm lại núi rừng, không được mai táng mà tìm được còn cả cốt. Ít khi chúng em gặp được những trường hợp như vậy", gạt những giọt mồ hôi lẫn bụi đất khắp người, đội trưởng Ngô Gia Truyền tâm sự.

Đầu tháng 5 vừa qua, theo một đoàn thân nhân liệt sỹ và cựu chiến binh đi tìm kiếm liệt sỹ, chúng tôi được anh Truyền cho biết đây là hài cốt liệt sỹ thứ trên 1.200 mà anh đã tham gia tìm kiếm, quy tập được trong suốt 25 năm qua trên núi rừng Quảng Trị, chiến trường ác liệt thời chống Mỹ. Liệt sỹ Lê Duy Quang mà các anh vừa tìm được thuộc Sư đoàn 304. Đối với các anh, việc tìm kiếm liệt sỹ Lê Duy Quang diễn ra thuận lợi hơn nhiều trường hợp khác, vì cùng đi với các anh có cả thân nhân và đồng đội cũ của liệt sỹ, cựu Đại đội trưởng Nguyễn Văn Quế, người đã tham gia trận đánh cuối cùng của liệt sỹ ở chân điểm cao 264, gần điểm cao Động Ông Do, trong những ngày vô cùng ác liệt cuối tháng 12 năm 1972, ngay trước thềm lễ ký Hiệp định hòa bình Pari.

Đội trưởng Truyền (thứ hai, phải qua) cùng các cựu chiến binh xác định vị trí mộ liệt sỹ trên bản đồ quân sự.


Các cựu chiến binh không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của chiến trường xưa. Những đồi, những núi, những điểm cao, khe suối... bị bom đạn cày xới năm nào nay đã được phủ xanh một mầu tràm, keo, bạch đàn. Đường giao thông, đường xe chở gỗ chằng chịt. Đây đó, những cỗ máy xúc, máy ủi đang cày xới những quả đồi, nhổ hết gốc cây gỗ sau khi khai thác để trồng lứa khác. Chốc chốc lại thấy những “thợ” tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Họ cưỡi xe máy đem theo máy dò kim loại và lương thực, nước uống cho những chuyến đi dài ngày. Chính họ cũng góp phần phát hiện, nhưng đôi khi lại làm mất dấu vết mộ liệt sỹ. Thiên nhiên và con người đang xóa đi những dấu tích cũ khiến cho công việc tìm kiếm liệt sỹ ngày càng khó khăn hơn. Thật là một cuộc chạy đua, nhiều khi bất lực, với thời gian. Nếu không có sự giúp đỡ của đội quy tập liệt sỹ của Ngô Gia Truyền và người dân địa phương chắc khó có thể nhanh chóng tìm được những nơi trước đây các cựu chiến binh đã chôn cất hoặc chứng kiến sự hy sinh của đồng đội.

Trên địa bàn của xã Hải Lệ có hàng nghìn liệt sỹ cần được tìm kiếm, quy tập. Nhưng 36 năm qua, xã cũng mới chỉ tìm kiếm được hơn 700 mộ liệt sỹ, phần nhiều là chưa biết danh tính. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Cường, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ, cho biết: Giờ đây, nhiều người ở các tỉnh phía Bắc đã biết đến anh Truyền và Đội quy tập liệt sỹ xã Hải Lệ. Đội do anh Truyền chỉ huy đã góp phần quan trọng trong công tác tìm kiếm và quy tập liệt sỹ trong nhiều năm qua. Các anh cũng là nòng cốt trong đội dân quân cơ động của xã.

Đội trưởng Truyền (bên trái) và đồng đội Minh trên điểm cao Động Ông Do.


Người dân và cán bộ ở làng Như Lệ bên bờ sông Thạch Hãn, ngôi làng yên bình của xã Anh hùng LLVTND Hải Lệ, cho biết: Ngô Gia Truyền sinh năm 1967, là con một của liệt sỹ. Từng là đội phó Đội quy tập mộ liệt sỹ huyện Hải Lăng, anh bắt đầu tham gia tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ từ năm 1986 sau khi tìm kiếm hài cốt của người cha hy sinh năm 1972. Với những đóng góp trong công tác quy tập liệt sỹ suốt một phần tư thế kỷ, Truyền đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, được đi dự những hội nghị thi đua các cấp...

Tiếng là Đội quy tập liệt sỹ, nhưng các anh không có chế độ đãi ngộ thường xuyên nào từ chính quyền. Mỗi khi tự tìm kiếm, quy tập được một liệt sỹ, các anh được cấp 500.000 đồng theo quy định để trang trải chi phí quy tập mộ liệt sỹ. Ngoài công việc đồng áng, nương rẫy, các anh giúp các gia đình và cựu chiến binh đi tìm liệt sỹ, nhận chuyên chở họ bằng xe gắn máy - phương tiện thích hợp nhất để di chuyển trong các chuyến đi này- rồi tùy tâm, họ cảm ơn các anh sau mỗi chuyến đi.

Khi được gặng hỏi, Truyền thủng thẳng nói: “Năm ngoái được mời tham dự Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, em không đi được vì đang trong rừng giúp các gia đình tìm kiếm mộ liệt sỹ. Nhiều người gọi điện, mời ra thăm miền Bắc, thăm Thủ đô nhưng em đã đi được mô. Công việc nhiều lắm”. Ngồi dựa một gốc cây rừng, bên cạnh những đồng đội trong đội quy tập mộ liệt sỹ Hải Lệ: những anh Minh, Thăng, Xuân, Việt..., Truyền xúc động nhớ lại có lần tìm thấy 3-4 mộ liệt sỹ được đồng đội mai táng trong tăng (loại vải nilông mà bộ đội dùng trong chiến trường) nhưng quên không rạch thủng, khi mở ra các anh vẫn còn nguyên như đang ngủ. Nhưng phần nhiều trường hợp chỉ còn ít xương cốt, có khi thi hài liệt sỹ đã bị phân hủy hết, nhất là ở những nơi ẩm ướt, đành bốc chút đất đen và những kỷ vật được mai táng theo liệt sỹ.

Tranh thủ đọc những dòng nhật ký của liệt sỹ do các thân nhân mang theo, đôi lúc Truyền và anh em trong đội lại ồ lên chăm chú khi trong nhật ký có ghi lại tên tuổi, quê quán, nơi hy sinh của ai đó. Các anh nói, sơ đồ mộ chí và nhân chứng sống (các cựu chiến binh) là những chỉ dẫn quan trọng nhất giúp tìm được phần mộ liệt sỹ. Bằng kinh nghiệm của mình, các anh cũng phát hiện ra những mộ liệt sỹ chưa được quy tập và tìm được những công sự, hầm chiến đấu bị sập với các hài cốt liệt sỹ còn nằm bên dưới.

Truyền không nhớ đã bao nhiêu lần có những chuyến đi hàng tuần lễ, vượt rừng núi, sông suối, chịu vắt và muỗi cắn, cùng các nhóm thân nhân và cựu chiến binh đi tìm phần mộ liệt sỹ do chính họ mai táng. Chiều tối, khi đoàn cất trại, căng tăng võng nghỉ, là lúc các anh xuống suối bắt cá, vào rừng tìm kiếm củ môn, củ mài về nấu bữa tối cho cả đoàn vì lương thực mang theo không đủ. Lúc mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng, khi bằng những dụng cụ “thửa” riêng, khi dùng tay không, các anh thành thục trong mọi thao tác như những nhà khảo cổ học. Nhiều cựu chiến binh, tuổi đã ngoài 60, không quản ngày đêm, mưa rừng, cơm vắt, ăn ngủ trong rừng như những ngày gian khổ chiến đấu, mong tìm được dấu tích đồng đội xưa. Nhưng không phải đoàn nào và không phải lần nào họ cũng may mắn tìm được nơi các anh, chị đã nằm xuống. Truyền và đồng đội vui khi tìm được hài cốt liệt sỹ nhưng cũng buồn, nỗi buồn của những thân nhân và cựu chiến binh khi công việc không thành. Anh nhắn nhủ: “Nếu có gia đình liệt sỹ hay cựu chiến binh nào có thông tin về nơi liệt sỹ hy sinh, chúng em sẵn sàng giúp họ tìm kiếm”.

Chiều Quảng Trị, nắng vẫn như đổ lửa. Tiếng ve sầu râm ran trong những lùm cây. Xa xa, phía điểm cao Động Ông Do vẳng tới tiếng gà rừng, tiếng chim "bắt cô trói cột"... Thắp nắm nhang trước bộ hài cốt liệt sỹ vừa khai quật, giữa triền đồi tím ngát hoa mua mọc trên những miệng hố bom, hố pháo, Truyền xin phép được đưa liệt sỹ về an táng. Rồi anh rưng rưng khấn to như muốn các liệt sỹ còn nằm rải rác đâu đây, trên những sườn đồi, con suối, trong những công sự, những hầm chiến đấu... nay đã lẩn khuất dưới những thảm rừng keo, rừng tràm được trồng phủ gần khắp núi rừng chiến trường xưa, nghe được: "Thưa các bác, các cô chú, các anh, các chị... mai mốt chúng em cùng các gia đình và đồng đội sẽ tìm cách đưa các cô bác, anh chị trở về với gia đình... Tội lắm, các anh ơi !".

Bài và ảnh: Mai Hương