05:10 23/05/2011

Gặp một “bông hồng” kiểm lâm

Chị Đinh Thị Tám, đang công tác tại Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa (Gia Lai) là một trong những nữ kiểm lâm đầu tiên của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai về “đứng chân” ở địa bàn xã, được biết đến như một tấm gương sáng trong ngành.

Chị Đinh Thị Tám (ảnh), đang công tác tại Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa (Gia Lai) là một trong những nữ kiểm lâm đầu tiên của Chi cục Kiểm lâm Gia Lai về “đứng chân” ở địa bàn xã, được biết đến như một tấm gương sáng trong ngành.

Đối mặt với nhiều hiểm nguy, rắc rối

Đời kiểm lâm 28 năm của chị Đinh Thị Tám có nhiều kỷ niệm, nhưng quãng thời gian mà chị nhớ nhất là năm đầu tiên làm nhiệm vụ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đắk Sơ Mei - một điểm nóng về vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. Chị kể: “Hồi đó mình theo dõi một xe chở cọc tiêu bằng gỗ trắc từ huyện lị về xã xem thử nó đến đâu. Sau khi vừa đến địa phận xã Đắk Roong, xe đó rẽ vào một nhà riêng. Khi đó mình mặc thường phục, giấy chứng nhận kiểm lâm thì cất trong túi. Mình vào, chủ nhà hỏi “Cô là ai”, trả lời “Tôi là kiểm lâm phụ trách địa bàn ở đây”. Họ cao giọng: “Cô là phụ nữ thì kiểm lâm cái gì!”. Họ hỏi: “Cô có giấy tờ gì không?”. Tôi bảo có giấy chứng nhận của kiểm lâm và đưa ra. Đột nhiên, một người đuổi tôi ra khỏi nhà”. Sự việc đó cuối cùng phải nhờ sự can thiệp của cả đội kiểm lâm cơ động của tỉnh giải quyết.

Sau đó, hầu như khi nào đi địa bàn, chị cũng phải cải trang. “Khi đi xe của con, khi lấy xe của bố. Lúc mặc áo khoác này, khi đi giày kia. Tôi phải đi cùng vài người, không dám đi một mình”.

Chị nói: “Kiểm lâm có đặc thù riêng, không như các ngành khác có thể về sớm lo cơm nước cho chồng con. Còn nghề này, nhiều khi 12 giờ đêm, có điện thoại từ địa bàn là phải đi”.

Nhiều người nói đây là việc của đàn ông, phụ nữ thì làm được cái gì?! Đồng nghiệp đa phần là nam giới, vì tính chất công việc, phải đêm hôm trở dậy đi xuống địa bàn, nhiều khi bị dị nghị. “Nhưng nhiệm vụ thì phải làm thôi” - chị khẳng định gọn gàng và đơn giản - “Nhận nhiệm vụ rồi thì thấy là không có gì khó nếu mình nhiệt tình với nghề”.

Hồi mới đi địa bàn, con chị mới 10 tuổi. Trong hoàn cảnh đó, vì yêu cầu công tác, chị cũng lo lắng. Trong khi đó, đợt cao điểm có khi phải ở lại địa bàn cả tuần. Mùa khô phải trực phòng cháy chữa cháy, thường xuyên nhắc nhở đồng bào. Mùa đồng bào phát rẫy cũng phải trực.

Nhưng “may mà gia đình mình rất hiểu. Chồng tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của vợ”, chị Tám vui vẻ chia sẻ về “hậu phương” của mình như thế.

“Hiệu quả công việc có khi hơn nam giới”

Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa (Gia Lai) phụ trách việc bảo vệ và phát triển rừng của 16 xã và 1 thị trấn. Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa Nguyễn Trọng Khẩn chia sẻ: “Liên quan đến việc phân công cán bộ nữ xuống địa bàn, ngay từ đầu, lãnh đạo Hạt cũng trăn trở lắm. Nhưng qua thời gian công tác, thấy yên tâm, các chị làm việc hiệu quả không thua kém nam kiểm lâm. Thậm chí, công tác tuyên truyền hơn hẳn nam giới”.

Theo lãnh đạo hạt này, ở Gia Lai, người bám rừng chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Theo chế độ mẫu hệ của đồng bào, trong nhà, người phụ nữ có tiếng nói, vai trò mạnh hơn người đàn ông. Cho nên, các nữ kiểm lâm có nhiều lợi thế.

“Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số thấy nữ kiểm lâm đến mừng lắm! Họ thấy gần gũi với các nữ kiểm lâm. Trước, đồng bào thấy kiểm lâm chỉ có nam giới. Nay, thấy có nữ làm kiểm lâm, họ cũng rất tự hào. Các nữ kiểm lâm hướng dẫn gì là đồng bào nghe ngay”.

Chị Tám cũng công nhận: “Khi mình tới nhà dân làng, khi họp dân, họp với già làng, trưởng thôn để vận động bà con, nói chuyện với đồng bào, thuận lợi lắm. Mình nói là họ nghe. Mình bảo bà con không phát nương làm rẫy, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cấy, làm các đường ranh giới để ngăn nguy cơ cháy rừng… Họ nghe, về nói lại với gia đình”.

Điều đặc biệt nữa là bằng cách riêng của mình, các nữ kiểm lâm gây dựng được cho mình “những cộng tác viên” rất chất lượng. “Nhiều khi ở nhà vẫn nhận được tin báo từ địa bàn”, chị Tám nói. Và, điều thú vị là “thông tin của chị em rất chính xác”, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đắk Đoa nói.

Chia sẻ về những chế độ chính sách đối với kiểm lâm hiện nay, chị Tám cho rằng: “Phụ nữ, đi địa bàn cũng được, nhưng cũng mong được ưu tiên địa bàn thuận lợi và có thêm nam giới để hỗ trợ khi cần thiết”. 

Mạnh Minh