04:07 29/04/2012

Gặp gỡ những nhân chứng lịch sử

Nhân dịp kỉ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ) đã đón những nhân chứng lịch sử - người đã có mặt ở thời khắc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 tại nơi đây.

Nhân dịp kỉ niệm 37 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ) đã đón những nhân chứng lịch sử - người đã có mặt ở thời khắc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 tại nơi đây. Đó là Đại úy Vũ Đăng Toàn - chỉ huy xe tăng số 390 và Đại tá Bùi Quang Thận - chỉ huy xe tăng 843 tiến vào Dinh Độc Lập và nhà báo Đinh Quang Thành - phóng viên chiến trường của TTXVN, người đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử bằng hình ảnh. PV Tin tức đã ghi lại những cảm xúc cũng như những kỉ niệm của ba nhân chứng lịch sử vào thời khắc đó và những ý kiến của họ với thế hệ trẻ hôm nay.

´Là người tham gia vào những sự kiện lịch sử của ngày 30/4/1975, cảm xúc của ông đến nay như thế nào?

Đại tá Bùi Quang Thận: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chúng tôi may mắn - có thể nói như thế - đã thay mặt 5 cánh quân đánh chiếm Dinh Độc Lập đầu tiên. Nhiệm vụ của 5 cánh quân thực hiện 5 mục tiêu: Đánh vào Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Nha Cảnh sát Sài Gòn, đài Phát thanh và cuối cùng hội tụ ở Dinh Độc Lập. Có lẽ tôi sẽ không quên được thời khắc lịch sử của 37 năm về trước dù có tuổi già và có lẫn đi chăng nữa. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ như in trong đầu ngày 30/4/1975 đã hành động như thế nào khi đánh chiếm Dinh Độc Lập. Có thể nói không cuộc chiến tranh nào là không có đổ máu và những ngày cuối cùng của chiến tranh máu cũng đã đổ rất nhiều. Ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trước một hai tiếng đồng hồ giải phóng Sài Gòn - Gia định. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào là đơn vị đầu tiên húc xe tăng đổ cổng Dinh Độc Lập và cắm lá cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập.

Hai nhân chứng lịch sử Bùi Quang Thận và Vũ Đăng Toàn nói về kí ức hào hùng cạnh chiếc xe tăng lịch sử mang số hiệu 843 được trưng bày tại Hội trường Thống Nhất ngày nay. Ảnh: PV


´Ông có thể kể sơ lược về chiếc tăng số hiệu 390 và cảm xúc của ông như thế nào khi cùng các đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập?


Đại úy Vũ Đăng Toàn: Xe tăng 390 có 5 anh em, đã lên xe thì chung một hướng và chỉ có tấn công, cho nên các thành viên như trưởng xe, pháo thủ, lái xe, pháo 2, thông tin làm sao phải phối hợp nhau thật tốt. Lái xe phải giỏi và theo được ý đồ trưởng xe, pháo thủ phải giỏi và bắn đúng mục tiêu khi được lệnh. Anh pháo 2 phải lắp đạn sao chính xác, chuẩn, nhanh, anh thông tin phải đảm bảo liên lạc thông suốt để trưởng xe có thể chỉ huy được.

Đảng ta lãnh đạo dân tộc ta chống Mỹ cứu nước cực kì gian khổ và ác liệt, trải qua 21 năm mới đến đích. Hai mươi mốt năm ấy, đã có biết bao nhiêu gian khổ, biết bao nhiêu trận đánh, biết bao nhiêu chiến dịch. Riêng Đại đội 4 tăng của chúng tôi đánh suốt từ Núi Bông, Núi Nghệ, đánh xuống giải phóng Huế, rồi tham gia giải phóng Đà Nẵng. Rồi đến 29/4, chúng tôi đã tham gia đánh căn cứ Trường sĩ quan thiết giáp Nước Trong. Đây là trận đánh quan trọng. Giải quyết được căn cứ này, thì Quân đoàn 2 mới tiến xuống, mở đường đánh vào thành phố. Nếu không giải quyết được căn cứ Nước Trong sớm, Quân đoàn 2 có thể chậm và không thể tiến nhanh được như các mũi tiến công khác. Ngày 30/4, chúng tôi cùng đội hình 1 đánh cầu Sài Gòn. Đây là vị trí chiến đấu ác liệt, xe tăng địch bắn xối xả... khi tiến lên được thì anh em bị thương rất nhiều.

Khi chúng tôi tiến vào húc đổ được cổng chính Dinh Độc Lập thì phải nói đây là công lao của cả dân tộc, công lao của biết bao đồng chí đồng đội, công lao của 5 hướng tấn công và công lao nhất là những người ngã xuống, hi sinh mà đến giờ toàn thắng các anh không được hưởng thanh bình, hạnh phúc và chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là cảm xúc lớn nhất đối với bản thân anh em chúng tôi. Khi chúng tôi tiến vào, muốn làm sao nhanh chóng chiếm Dinh Độc Lập, để cắm lá cờ trên nóc Dinh và bắt nội các Dương Văn Minh đầu hàng càng nhanh càng tốt để đồng bào, đồng chí, đồng đội của chúng ta bớt đổ máu lúc nào hay lúc đó.

´Ông có thể kể lại giờ phút tiến vào Sài Gòn và kỉ niệm đáng nhớ nhất khi tiếp cận Dinh Độc Lập?

Đại tá Bùi Quang Thận: Khi xe tăng chúng tôi đến cổng Tây của Sở thú thì không biết Dinh Độc Lập đi lối nào. Gặp một chị đi xe Honda ngang qua, chúng tôi vẫy gọi thì chị ta không dừng. Tiện thể cầm khẩu AK, tôi bắn chỉ thiên mấy phát thì chị ta mới dừng lại. Đầu tiên hỏi: “Dinh Độc Lập ở chỗ nào?”, chị ta trả lời: “Tôi không biết”. Tôi lại bảo: “Nơi Nguyễn Văn Thiệu đến làm việc đó”, chị ta lại bảo: “Cũng không biết”. Chị ta kiên quyết không nói nên chúng tôi bảo chị lên xe với chúng tôi, còn chúng tôi đưa đi đâu thì quyền của chúng tôi. Cuối cùng chị cũng nói: “Nếu tôi chỉ cho các ông thì các ông có thả cho tôi đi không?”, chúng tôi nói: “Thế thì tốt quá rồi”. Chị đã chỉ đường và chúng tôi thả chị đi ngay. Sau khi chị ta đi, chúng tôi cứ ngỡ Dinh Độc Lập là tòa nhà cao tầng nhất của thành phố này nhưng đến gần lại không cao lắm. Khi còn cách Dinh khoảng 50 m, tôi không biết trong xe còn bao nhiêu quả đạn. Tôi ra lệnh đồng chí pháo thủ nạp đạn, nhắm chính giữa để bắn, mục đích không phải phá vỡ Dinh mà bắn để uy hiếp quân ngụy Sài Gòn vẫn còn trong Dinh. Bắn lần thứ nhất không nổ, sau đó tháo ra bắn lại lần thứ 2 cũng không nổ. Tôi hỏi đồng chí nạp đạn là trên xe còn bao nhiêu viên đạn, đồng chí ấy báo còn 1 quả nữa. Thế là tôi cho giữ lại quả đạn đó không bắn nữa và ra lệnh cho đồng chí lái xe húc xe vào chính giữa cổng Dinh Độc Lập. Húc đến lần thứ 3 vẫn không sập được cổng. Lúc đó xe tăng của anh Vũ Đức Toàn tiến đến và tôi yên tâm có thể vào Dinh được rồi. Tôi lấy lá cờ trên cần ăng-ten xe xuống và dặn đồng chí pháo thủ 2 là 10 phút không thấy cờ thì bắn nốt viên đạn còn lại.

Tôi chạy vào Dinh và gặp rất nhiều khó khăn. Dinh là công trình kiến trúc hiện đại mà tôi chưa từng tiếp xúc nơi nào như thế. Tôi chạy lên tầng 2, thấy một nhóm người lố nhố, sờ vào hông thì thấy không mang súng. Bấy giờ tôi sợ toát mồ hôi vì nếu họ bắn thì không có vũ khí để chống trả. May là những người đó không có phản ứng gì. Lúc đó, tôi nghĩ là nên bắt một ông to nhất đi với mình để an toàn nhất. Tôi chạy vào, va vào cửa kính và bật ra, thì thấy có một ông chạy ra, ông đó là Lý Chánh Trung - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin liên lạc truyền thông của ngụy quyền Sài Gòn. Tôi chộp lấy tay ông ta, ông ta là quan chức còn mình lúc đó là thanh niên khỏe mạnh nên bóp tay rất chặt. Ông ta kêu đau và đề nghị nới tay. Tôi quát to đòi gặp Tổng thống Dương Văn Minh, phải quát to vì mình không mang vũ khí, để uy hiếp tinh thần. Khi Dương Văn Minh ra, tôi bóp tay và bắt ông ta dẫn mình lên cột cờ vì như vậy mình an toàn hơn. Ông ta lại cử người khác dẫn tôi đi vào thang máy. Trong đời tôi chưa bao giờ quên giây phút khi vào thang máy này. Khi ông ta đưa tay ấn nút thang máy một phát, thang mở ra, trông nó như cái hòm. Ông ta bảo: “Mời ông vào”. Tôi lại nghĩ: “Mình vào đây mà ông ta nhốt lại trong cái hòm này biết bao giờ mà ra được”. Tôi không vào và cứ đứng mãi trước cái thang máy. Dùng dằng mãi, tôi bảo ông ta vào trước, úp mặt vào thành thang máy và tôi đi vào theo. Vừa vào thì ông ta đưa tay ấn nút thang máy. Mình đâu có biết, tưởng ông làm gì nên dùng 2 tay quật tay ông ta ra đằng sau và bảo: “Ông làm gì đấy”. Ông ta mới bảo: “Không, để tôi đưa thang máy lên”. Lúc bấy giờ mình mới biết đến cái thang máy là thế nào.

Sau khi ra khỏi thang máy, tôi hạ cờ xuống một cách dễ dàng vì nó cột bằng dây nilông. Xem đồng hồ thì thấy lúc này là 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, tôi ghi chữ Thận vào trên đó (chứ không viết cả họ lẫn tên) và kéo cờ lên. Vì người đưa tôi lên đã xuống trước, mình thì chẳng biết cách sử dụng thang máy thế nào nên cứ lần mò mãi theo đường cầu thang để xuống.

´Là nhà báo ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đất nước, ông gặp khó khăn nào khi chộp được những bức ảnh mang dấu ấn lịch sử và cảm giác của ông lúc đó như thế nào?

Nhà báo Đinh Quang Thành: Tôi tham gia nhiều chiến dịch ở mặt trận miền Bắc trước khi vào Nam để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhưng vinh dự lớn nhất của tôi là tham dự trận đánh mở đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: đánh vào căn cứ Nước Trong. Tôi đi theo Trung đoàn bộ binh 66 của Sư đoàn 304. Là phóng viên mặt trận, phải ghi lại đầy đủ những tư liệu của cuộc chiến, nhất là vinh dự đi theo mũi tiến công. Trên đường tiến vào Sài Gòn, tôi ghi lại hàng loạt hình ảnh những điểm đánh mấu chốt của trận đánh và cả những lúc hội ý của các chỉ huy chiến dịch; cũng như những hình ảnh đoàn xe qua cầu Thị Nghè, hình ảnh nhân dân ùa ra đường mừng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn...

Khi xe vào đến Dinh Độc Lập, tôi đã kịp ghi lại những tư liệu bằng hình ảnh rất quý, khi 2 xe tăng húc đổ cổng Dinh. Tôi cố tình chụp cả mặt đất, có vết bánh xích khi xe tăng quay tròn, án ngữ trước cổng Dinh Độc Lập. Khi anh Thận cắm cờ xuống, tôi đã chụp ảnh anh cùng đồng đội trước xe tăng của mình. Tôi vào Dinh, tôi phải chạy khắp nơi để ghi lại hình ảnh những sĩ quan chỉ huy bảo vệ dinh bị bắt sống, hay cảnh quân ta lấy danh sách địch đầu hàng... Hay hình ảnh máy bay ngụy quyền Sài Gòn chạy trốn bị chúng ta bắn rơi trên nóc nhà, đường Lý Thái Tổ...

´Là những người đi trước, các ông có nhắn nhủ gì cho thế hệ trẻ hôm nay?

Đại úy Vũ Đăng Toàn: Theo quan điểm của tôi, thế hệ trẻ hiện nay trước tiên phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và học tập tư tưởng Bác Hồ kính yêu về cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư. Có được những đức tính này thì mới làm được tất cả những việc lớn, việc nhỏ, Đảng và nhân dân mới được nhờ. Các cháu hưởng được thành quả hòa bình, được cắp sách đến trường thì phải rèn luyện phẩm chất đạo đức thế nào cho tốt, nghiêm khắc với mình trước những tệ nạn xã hội. Phải học để nắm được trình độ khoa học kĩ thuật phục vụ đất nước. Thế hệ trẻ cùng Đảng, cùng dân xây dựng đất nước giàu mạnh và nhất là phải bảo vệ Tổ quốc, dù một tấc đất cũng phải giữ bằng được. Để mất đất là có tội với những người đi trước và với Đảng, với dân.

Đại tá Bùi Quang Thận: Mong các cháu học tốt để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn, trở thành cường quốc sánh vai cùng các nước trên thế giới và phát huy truyền thống của cha anh để lại, đừng để mai một đi.

Nhà báo Đinh Quang Thành: Các cháu hiện nay có môi trường học tập tốt hơn, nhưng hình như các cháu hiện rất ít đọc. Tôi mong các cháu chịu khó đọc, chịu khó đi và chịu khó nghe để thấy được lịch sử đất nước phong phú biết nhường nào.

Minh Thuyết (ghi)