11:06 11/11/2014

Gần 30 năm lên núi “trồng người”

Gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao với nhiều gian khó, vất vả, thầy giáo Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái), luôn trăn trở làm sao để những đứa trẻ thơ dại nơi vùng cao gian khó này có được con chữ...

Gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao với nhiều gian khó, vất vả, thầy giáo Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái), luôn trăn trở làm sao để những đứa trẻ thơ dại nơi vùng cao gian khó này có được con chữ, dần xóa bỏ khoảng cách chênh lệch với học sinh đồng bằng, trở thành người có ích cho xã hội.

Tốt nghiệp hệ 10 + 3 trường Trung cấp sư phạm tỉnh Hoàng Liên Sơn, năm 1985 thầy giáo trẻ Bùi Văn Chinh tình nguyện lên xã vùng cao Tú Lệ (huyện Văn Chấn) công tác. Sau nhiều lần luân chuyển đến các xã vùng cao để giảng dạy, năm 2004 thầy Chinh được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện điều động đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành, giữ cương vị Hiệu trưởng nhà trường từ đó đến nay.

Thầy Chinh tặng quà cho các học sinh



Mặc dù bận rộn nhiều với công việc hiệu trưởng, nhưng thầy Chinh luôn dành thời gian để gần gũi với học sinh, quan tâm đến việc học và sinh hoạt của học sinh, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn. Chính từ tình cảm chân thành của thầy nên các em học sinh nơi đây coi thầy như người cha thứ hai của mình.
Em Bàn Thị Thim, học sinh lớp 9B xúc động: “Thầy là người gần gũi và quan tâm, chăm sóc chúng em. Thầy rất ân cần, hiền hậu nên chúng em rất quý mến và tự hào có thầy hiệu trưởng như thế. Chúng em sẽ cố gắng học thật tốt để đáp lại tình cảm của thầy Chinh và các thầy cô”.

Nậm Lành là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết người dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học cái chữ, nên tỷ lệ trẻ nhỏ không được đến trường còn cao. Hơn nữa, vì trường cách nhà hàng chục cây số, giao thông đi lại cách trở, nên các em rất ngại đến lớp. Bởi vậy, công tác duy trì tỷ lệ chuyên cần gặp rất nhiều trở ngại và việc nâng cao chất lượng dạy và học là bài toán khó cho thầy cô, nhà trường.

Xuất phát từ cái tâm của người thầy đã gắn bó với giáo dục vùng cao nhiều năm, thầy Chinh chủ động tham mưu cho cấp trên, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh, quyên góp ủng hộ xây dựng nhà bán trú, bếp ăn tập thể cho học sinh vùng cao. Giờ đây, hơn 170 em học sinh của trường đã được hưởng chế độ ở bán trú trong khu nội trú khang trang, sạch đẹp.

Thầy Chinh tâm sự: “Nhiều năm công tác ở vùng cao, tôi thực sự thấy thấm thía cái khó khăn, vất vả, thiếu thốn cả về vật chất, tinh thần và niềm khao khát được học con chữ của các em. Vì vậy, tôi luôn coi các em học sinh như con của mình. Trong những năm công tác tại vùng cao, cái tâm của người thầy cũng như tấm lòng của người làm bố, làm mẹ luôn thôi thúc tôi cố gắng chăm sóc sự học hành cho các con trong trường để mong các con đạt thành tích tốt, sau này trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng quê hương vùng cao bớt khó khăn và ngày càng phát triển”.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, những năm qua, thầy Chinh cùng tập thể cán bộ giáo viên đã có nhiều sáng kiến, phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với học sinh vùng cao, tổ chức phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy phụ đạo cho những học sinh yếu kém. Từ việc thực hiện mô hình bán trú cùng những biện pháp tích cực trong công tác giảng dạy, nhiều năm trở lại đây, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có những thay đổi rõ rệt. Năm học 2013 - 2014, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 30%, tăng 3% so với năm học trước; qua các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi, nhà trường vinh dự có 2 học sinh giỏi cấp huyện môn lịch sử và đang ôn luyện chuẩn bị thi cấp tỉnh. Thành tích này đối với các trường vùng thấp có thể là bình thường, nhưng đối với trường vùng cao như Nậm Lành, đó là cả quá trình nỗ lực của thầy và trò.

Với những cống hiến không mệt mỏi cho giáo dục vùng cao, thầy giáo Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành luôn được học sinh yêu mến, đồng nghiệp nể phục và trở thành nhân tố quan trọng của ngành giáo dục Văn Chấn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Cô giáo Đỗ Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành tự hào chia sẻ: “Trong công việc, thầy Chinh là người rất nghiêm túc nhưng ngoài giờ làm việc thì sống rất tình cảm nên tập thể giáo viên nhà trường coi thầy như anh cả trong gia đình, được phụ huynh học sinh tin tưởng, yêu mến. Chúng tôi rất may mắn có được người lãnh đạo vừa có tài, có đức, sống tình cảm và có trách nhiệm rất cao với công việc. Thầy Chinh không chỉ là tấm gương tiêu biểu của nhà trường là còn là của ngành giáo dục huyện Văn Chấn”.

Với những đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, thầy giáo Bùi Văn Chinh đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của ngành giáo dục địa phương, của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thầy vinh dự là người duy nhất của ngành giáo dục Yên Bái được chọn để tham gia Chương trình “Nghĩa tình Tây Bắc”, tôn vinh những người con điển hình trong ngành giáo dục, lực lượng vũ trang, y bác sĩ và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Song với thầy Chinh, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin yêu, kính trọng của học sinh, đồng nghiệp và bà con nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này dành cho mình.

Trung Kiên