03:11 09/03/2011

“Gai” một chút để giữ hạnh phúc

Nhiều người vẫn nhầm tưởng những phụ nữ nhút nhát sẽ giữ được gia đình êm đẹp. Nhưng trên thực tế, hôn nhân chỉ mỉm cười với những người “dũng cảm”, hay nói theo cách dân gian là “gai” một chút.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng những phụ nữ nhút nhát sẽ giữ được gia đình êm đẹp. Nhưng trên thực tế, hôn nhân chỉ mỉm cười với những người “dũng cảm”, hay nói theo cách dân gian là “gai” một chút.

Người nhút nhát khó nói thẳng


Sau ba năm yêu nhau, Dũng và Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm đám cưới trong sự vui sướng của cả hai họ. Đặc biệt, bố mẹ Dũng bằng lòng ra mặt, luôn tự hào vì cô con dâu hiền lành, nhút nhát. “Như thế mới mới đúng con nhà gia giáo. Nếu các cụ sinh ra tôi còn sống, chắc cũng bằng lòng”, mẹ Dũng không giấu nổi nụ cười mãn nguyện.

“Ngoan” chưa phải bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình.


Nhưng sự mãn nguyện ấy không tồn tại lâu. Hà hiền lành, chịu khó nhưng vẫn có những việc không hợp ý mẹ chồng. Những việc ấy, nói cho cùng cũng chẳng trách được cô. Chẳng hạn, ở nhà cô quen lấy một chiếc đĩa đậy lên thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh. Nhà Dũng lại không dùng đĩa mà trút vào hộp đựng thức ăn thừa. Nhưng mẹ chồng Hà thấy rất không ưng, và ngay lập tức “dạy dỗ”. Ngay sau đó, Hà sửa sai. Có điều, những lời cụ nói nặng quá mức cần thiết làm cô buồn ghê gớm.

Tới khi có con, mệt mỏi với công việc cơ quan, cố gắng làm vừa lòng mẹ chồng, cộng thêm việc “âm thầm” chịu đựng không cho chồng biết, Hà đổ gục vì suy nhược thần kinh. Đêm thức, ngày vật vờ buồn ngủ. “Em cứ nghĩ mình cố gắng được đến đâu thì đến. Mẹ nói nhiều khi rất xúc phạm thôi thì cũng nhịn luôn, chả dám hé một lời. Với chồng, em càng không dám nói vì sợ anh ấy mất vui. Mà chả hiểu sao, cứ nhà chồng có ai lườm lườm là chân tay em bủn rủn”, Hà nhớ lại.

“Gặp bác sỹ tâm lý, em kể chuyện mình đến cả mấy tiếng mà lòng vẫn còn muốn nói tiếp. Cả buổi tư vấn, em khóc rũ. Bác sỹ càng hỏi, càng kể ra, em càng khóc tợn. Cuối cùng chị bác sỹ khuyên em nên dũng cảm mở lòng nói hết với chồng và mẹ chồng. Tính em hay sợ, nên phải rất cố gắng mới hé được lời. Nhưng rất may, sau đó mọi chuyện ổn thỏa vì mẹ chồng em cũng rút kinh nghiệm”, Hà thở phào.

Mất lòng trước, được lòng sau

Một nghiên cứu tâm lý học cho thấy, tính rụt rè, nhút nhát tuy có thể làm bạn được thương mến, nhưng không thể mang đến thành công cho bạn trong cuộc sống lẫn tình yêu. Chỉ có điều, trong cuộc sống thường ngày, người Việt vẫn thường có quan điểm sự rụt rè, nhút nhát, nhẫn nhịn chứng tỏ “công, dung, ngôn, hạnh” cho phái nữ, do đó sự nhút nhát lại được đánh giá cao. Trong khi, với mối quan hệ lâu dài, đặc biệt là trong hôn nhân, thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Với những mối quan hệ lâu dài, tính nhút nhát, không dám quyết đoán của một người (bất kể là chồng hay vợ) có thể làm hỏng một cách nghiêm trọng cuộc sống gia đình và kết quả thậm chí là tiêu diệt nó. Bởi tính cách này khiến các vấn đề nhỏ trong gia đình không được xử lý kịp thời, dẫn đến việc sự hình thành các xung đột gay gắt.

Thêm vào đó, sự nhút nhát thường đi kèm với nghi ngờ bản thân. Điều này dẫn đến sự không hài lòng với hôn nhân và với nửa kia. Lâu dài, chính bất mãn này sẽ dẫn đến sự suy giảm lòng tự trọng của một người.

Một luận điểm khác của các nhà tâm lý học là những người nhút nhát ít thích nghi với xã hội và trong bất kỳ mối quan hệ nào với thế giới bên ngoài họ đều cảm thấy ngại ngần. Ví dụ, họ không biết hoặc hiểu những qui luật cơ bản của sự cùng tồn tại trong xã hội và vì thế họ không thể giải quyết tốt các cuộc xung đột đơn giản hàng ngày.

Nhưng vẫn có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân như vậy và "đào tạo lại" người chồng hay người vợ quá nhút nhát kia – trên tạp chí Science Daily, các tác giả những công trình nghiên cứu tâm lý trên khuyên bạn. - Con người có thể dần dần học cách đối phó với các tình huống hàng ngày một cách hiệu quả hơn. Có nghĩa là các vấn đề gia đình có liên quan tới đặc điểm cá tính của người phối ngẫu nên được giải quyết thông qua việc "đào tạo lại" người đó qua từng trường hợp, vụ việc cụ thể trong quá trình chung sống.

Các nhà tâm lí cũng nhấn mạnh, quá trình "đào tạo lại” cần có sự hỗ trợ của nửa thứ hai, nếu không, thay vì sự tự tin, người quá nhút nhát sẽ trở nên mặc cảm tự ti hơn nữa.

Thu Hường