09:09 27/09/2012

Gã trộm trèo tường khét tiếng nước Anh - Kỳ 4: Cuộc phiêu lưu cuối cùng

Trong hai năm cuối đời, Charles Peace đã trở thành một tên trộm khét tiếng, liên tục thành công trong nhiều phi vụ nhờ tài năng bẩm sinh và kinh nghiệm.

Trong hai năm cuối đời, Charles Peace đã trở thành một tên trộm khét tiếng, liên tục thành công trong nhiều phi vụ nhờ tài năng bẩm sinh và kinh nghiệm.


 

Charles Peace biểu diễn đàn vĩ cầm.

Từ một ngôi nhà tồi tàn ở khu ổ chuột tại Lambeth, Charles chuyển cả nhà đến một khu dân cư thành thị sang trọng ở Peckham. Charles cùng cô tình nhân Thompson, cô vợ Hannah và con riêng sống trong một ngôi nhà trên phố Evelina.


Ngôi nhà được trang trí có thẩm mỹ theo phong cách thời bấy giờ, gồm một bộ bàn ghế bằng gỗ óc chó loại tốt, thảm Thổ Nhĩ Kỳ, gương mạ vàng. Nhà Charles còn có một chiếc đàn piano và cây đàn ghita Tây Ban Nha.


Tối tối, nhà Charles trở thành tụ điểm tổ chức giải trí âm nhạc cho hàng xóm, trong đó Charles độc diễn với cây đàn vĩ cầm của mình.


Hàng xóm còn coi Charles là một người có tinh thần khoa học. Anh ta cùng một người đã nghĩ ra cách trục vớt tàu bị chìm bằng cách thay nước trong tàu bằng không khí và khí đốt. Tuy nhiên, phát minh này không được cấp bằng sáng chế. Không nản chí, Charles vẫn tiếp tục thí nghiệm khoa học, phát minh ra chiếc mũ chống khói cho lính cứu hỏa, cải tiến chổi quét dùng để rửa toa tàu và một loại thùng chứa nước.


 

Charles bị cảnh sát Robinson bắt.

 

Cùng thời gian nhà Charles dọn đến Peckham, khu vực này liên tiếp chứng kiến hàng loạt vụ trộm táo tợn. Cảnh sát đã liệt kê các đồ đạc bị ăn trộm theo danh mục và phát hiện ra rằng, ngoài những đồ đạc khác, nhiều khổ chủ bị mất nhạc cụ. Một điều nữa là các dụng cụ âm nhạc này không hề xuất hiện lại tại các cửa hàng cầm đồ ở Luân Đôn hay trên chợ đen.


Trong khi đó, không ai nghi ngờ khi ông Thompson (tức Charles) thân thiện, đầy phẩm hạnh, yêu động vật, yêu âm nhạc, có óc khoa học có ngày càng nhiều nhạc cụ. Cảnh sát không bao giờ nghĩ ông Thompson ở Peckham lại chính là tên trộm Charles Peace ở Sheffield.


Nếu như có ai đó ngờ vực ông Thompson mà theo dõi nhà của họ, người ta sẽ để ý thấy rằng sau khi chào tạm biệt hàng xóm đến nghe nhạc, ông Thompson sẽ cầm chiếc hộp đàn vĩ cầm rỗng, lẻn ra sau chuồng ngựa, mở cổng sau và biến mất vào bóng tối trên lưng con ngựa Tommy. Sau đó, ngay trước khi mặt trời ló rạng, con ngựa lại cùng chủ quay về an toàn.


Thời hoàng kim của Charles không kéo dài được lâu khi anh ta hăm hở tìm vận may bằng các vụ trộm liên tiếp ở khu vực nam Luân Đôn. Anh ta hoạt động ở Lambeth táo tợn đến mức cảnh sát cho rằng phải có hẳn một băng trộm cắp ở khu vực này. Về sau, khi Charles chuyển sang hoạt động ở Greenwich, cảnh sát ở đây cũng giả định rằng có một băng trộm thứ hai đang càn quét nơi này.


Đầu tháng 10/1878 là thời gian vận rủi của Charles bắt đầu. Sau một đêm biểu diễn nhạc cho hàng xóm nghe, như thường lệ, anh ta tạm biệt khách vào lúc 22 giờ 30 cùng con ngựa Tommy hướng về phía công viên St. James ở Blackheath – nơi anh ta lẻn vào nhà một người giàu có. Tuy nhiên, anh ta không biết rằng đây sẽ là đêm tự do cuối cùng của mình.


Lúc đó, hai viên cảnh sát là William Girling và Edward Robinson đang đi tuần ở khu vực Blackheath. 2 giờ sáng, họ để ý thấy có ánh đèn mờ đang di chuyển bên trong một ngôi nhà. Cảnh sát Robinson ra phía sau ngôi nhà còn Girling bấm chuông cửa phía trước. Ngay khi chuông nhà kêu lên, ánh đèn bên trong vụt tắt.


Cửa sổ ngôi nhà đột ngột mở và bóng một người mặc toàn đồ đen lao ra. Cảnh sát Robinson, lúc đó chỉ có một cái dùi cui, hét to “Dừng lại!”. Charles Peace quay lại và chĩa khẩu súng vào viên cảnh sát đang tiến gần. Anh ta hét lên: “Lùi lại nếu không tôi sẽ bắn!”


Tuy nhiên, viên cảnh sát dũng cảm vẫn tiến tới. Phát đạn đầu tiên của Charles không trúng mục tiêu. Phát đạn thứ hai trúng cánh tay và phát thứ ba bay sát sạt tai Robinson.


Khi hai người đang đối đầu thì Girling xuất hiện từ phía sau, dùng dùi cui quật vào tay cầm súng của Charles. Charles mất súng và biết rằng chống cự là vô ích nên đã đầu hàng cảnh sát.


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: Lật mặt tù nhân bí ẩn