11:06 17/11/2014

G20 quyết tâm thúc đẩy kinh tế, việc làm

Chiều 16/11, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp tại thủ phủ Brisbane, bang Queensland.

Chiều 16/11, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp tại thủ phủ Brisbane, bang Queensland.

GDP tăng thêm ít nhất 2%

Tuyên bố chung của hội nghị cho biết G20 đặt mục tiêu tham vọng nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới. Các phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng nếu cam kết của G20 được thực hiện đầy đủ, GDP của nhóm có thể tăng thêm 2,1% từ nay đến năm 2018, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm.

Toàn cảnh hội nghị G20. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuyên bố chung cũng nêu rõ các hành động để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm chất lượng đã được hoạch định trong “Kế hoạch hành động Brisbane” và các chiến lược tăng trưởng toàn diện của G20. “Kế hoạch hành động Brisbane” được đánh giá là sự cải tổ kinh tế “toàn diện và chặt chẽ”, có thể tạo ra “hiệu ứng lan tỏa tích cực” cho các nước ít phát triển hơn nằm ngoài G20. Kế hoạch này cũng sẽ tạo ra áp lực để tất cả các nền kinh tế phát triển thực hiện khoảng 800 biện pháp cải tổ kinh tế, từ cải tổ thị trường lao động tới giảm bớt các hàng rào thương mại.

Tuyên bố chung cũng khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, có sức đề kháng tốt hơn và thúc đẩy các thể chế toàn cầu. G20 đã đề ra hàng loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm như nhất trí triển khai Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu, đặt mục tiêu giảm chênh lệch lao động nam nữ xuống 25% vào năm 2025, nhất trí Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016; tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiên tiến trình cải tổ IMF và hối thúc Mỹ thông qua Kế hoạch cải tổ IMF năm 2010.

Nâng tầm quan trọng của an ninh năng lượng

Một điểm đáng chú ý nữa của hội nghị G20 năm nay là lần đầu các nhà lãnh đạo G20 dành hẳn một phiên họp để thảo luận các vấn đề năng lượng toàn cầu. Cho đến nay, các nước thành viên G20 chiếm tới hơn 80% mức tiêu thụ năng lượng thế giới, khoảng 60% sản lượng dầu khí và hơn 90% sản lượng than đá toàn cầu.

Trong tuyên bố chung sau phiên bế mạc, G20 khẳng định an ninh năng lượng phải trở thành ưu tiên của G20 và sự ổn định của các thị trường là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng của nhóm.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh thị trường dầu ổn định được xem là yếu tố cốt lõi để đảm bảo thành công của những cải cách mà các thành viên G20 đã cam kết. Các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí ưu tiên trong tăng cường hợp tác năng lượng, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc họp bộ trưởng năng lượng các nước vào năm 2015 nhằm thảo luận cải cách trong hệ thống năng lượng thế giới.

Ngoài chương trình nghị sự chính, G20 còn có rất nhiều hoạt động bên lề đáng chú ý. Điển hình là cuộc gặp của Mỹ và EU bàn về vấn đề Ukraine, trong đó Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh Nga sẽ bị cô lập nếu tiếp tục vi phạm luật quốc tế ở Ukraine. Trước cuộc họp, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hội nghị là cơ hội tốt để các bên đạt được một nghị quyết cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cho dù giữa các bên còn có một số quan điểm khác nhau.
Tổng thống Putin cũng cho biết thêm là ông đã có các cuộc thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Tony Abbott về khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga.

Vấn đề tranh chấp trên biển cũng là chủ đề nóng bên lề hội nghị G20. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Australia và Nhật Bản đã tiến hành hội đàm ba bên lần đầu tiên kể từ năm 2007 nhằm củng cố hợp tác an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm, ba nước đã kêu gọi giải quyết hòa bình những tranh chấp trên biển theo luật pháp quốc tế, đồng thời hối thúc tự do hàng hải và các chuyến bay trên các vùng biển có tranh chấp.


Nhóm p/v TTXVN tại Australia