08:05 06/08/2011

Fidel là như thế! (tiếp theo)

Ít lâu sau ngày cách mạng thành công, vào khoảng tháng 9/1959, tờ Havana Post đăng tin nói một người trong dòng họ Castro đã lập ra một hãng bảo hiểm đối với tất cả đất đai được giao cho nông dân trong quá trình cải cách điền địa.

Dị ứng với tham nhũng

Ông Antonio Núñez Jimenez, nhà cách mạng lão thành, nguyên Phó chủ tịch Viện Cải cách ruộng đất Cuba (INRA), kể lại: Ít lâu sau ngày cách mạng thành công, vào khoảng tháng 9/1959, tờ Havana Post đăng tin nói một người trong dòng họ Castro đã lập ra một hãng bảo hiểm đối với tất cả đất đai được giao cho nông dân trong quá trình cải cách điền địa.

Lãnh tụ Fidel Castro đang chỉ huy chiến đấu tại bãi biển Giron tháng 4/1961.


Tờ báo cho biết vụ làm ăn có thể đem lại nhiều triệu peso lợi nhuận và chủ nhân của công ty này đã lập văn phòng ngay tại cơ quan INRA. Đọc được tin này Fidel, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Viện INRA, tự mình đến gặp Phó chủ tịch Núñez Jimenez, người đang trực tiếp điều hành công việc hàng ngày của Viện để hỏi cho rõ đầu đuôi sự việc ra sao. Ông Núñez Jimenez báo cáo rằng ông không hề biết gì về sự việc này kể cả việc có ai đó đặt văn phòng hãng bảo hiểm tại đây. Ngay tức thì, Chánh văn phòng INRA được gọi đến, ông này thừa nhận chính mình đã đồng ý cho công ty nói trên mượn chỗ đặt nơi làm việc của họ bởi người đến giao dịch là một thân nhân trong gia đình của Thủ tướng (Fidel giữ chức Thủ tướng Chính phủ từ 1959 cho tới 1976 mới kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) và ông tưởng rằng đề nghị đó đã được “bật đèn xanh” từ cấp cao.

Nghe xong câu chuyện, Fidel hết sức phẫn nộ trước việc người ta đã không hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề mà các thế lực phản động có thể lợi dụng chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngay lập tức, Fidel ký sắc lệnh chấm dứt hoạt động của công ty bảo hiểm nói trên, ông nói dứt khoát: Bất kỳ ai cũng đều không được phép lợi dụng sự thân quen và chức quyền để trục lợi. Ông cũng ra lệnh đình chỉ chức vụ Chánh văn phòng Viện INRA trong 6 tháng vì đã không báo cáo vụ việc lên cấp trên mà tự ý giải quyết một vấn đề nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của lãnh đạo và cơ quan nhà nước, mặc dù ông này chỉ vì cả tin chứ không có ý đồ tư lợi. Fidel luôn là người dị ứng với tệ tham nhũng, thói lạm dụng quyền hành, nhưng cũng rất công bằng với cấp dưới.

Chỉ có Raul thuyết phục được mẹ

Vào khoảng cuối năm 1959, Fidel cử ông Antonio Núñez Jimenez, Phó chủ tịch Viện Cải cách ruộng đất Cuba (INRA) về Birán gặp bà Lina Ruz, mẹ của Fidel để yêu cầu bà giao lại khu điền trang rộng lớn của gia đình cho cách mạng. Sau mấy ngày đi Birán, thuộc tỉnh Oriente cũ (nay là tỉnh Holguin), ông Núñez Jimenez trở về báo cáo lại rằng ông đã trổ hết tài thuyết khách nhưng cũng không thể nào làm bà lay chuyển. Trước sau bà chỉ nói: "Những trang trại này là do ông bà khai phá, gây dựng nên, vì vậy sẽ không giao lại cho bất cứ ai".

Lãnh tụ Fidel Castro và Raul Castro trở về Thủ đô Habana, tháng 1/1959.


Nghe xong, Fidel ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo: "Thôi được, để giao việc này cho Raul, chỉ có Raul mới thuyết phục được bà cụ". Ít ngày sau, Raul Castro (em trai Fidel), về nói: "Có gì đâu, mọi việc xong xuôi rồi" và ông kể: "Tôi về nói chuyện với bà già một hồi về đủ thứ trên trời dưới biển, bỗng bà bảo bà không hiểu chính trị cho lắm, mà cũng chẳng biết chủ nghĩa xã hội là cái gì. Tôi bèn nói: À đúng rồi, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là phải cải cách ruộng đất, mà cải cách ruộng đất tức là… như nhà mình có chừng này ha đất trang trại thì phải giao lại nhà nước bao nhiêu còn chỉ được giữ lại chừng nào thôi… Bà già lại hỏi thế chủ nghĩa cộng sản là gì? Tôi mới bảo: Chủ nghĩa cộng sản tức có nghĩa là… nhà mình sẽ phải nộp lại toàn bộ đất đai cho quốc gia ấy mà… Thế là bà nhìn tôi và mắng toáng lên: A đồ quỷ sứ, anh vẫn như cái thằng quỷ con ngày nào, thế bao giờ thì tôi phải giao nộp đất đai, vườn ruộng đây?".

Không quên một ai

Bà Conchita Fernández, từng là thư ký riêng của Fidel nhiều năm cho biết: Lãnh tụ Cuba là người không quên một ai trong số những người bạn đã ít nhiều có giúp đỡ ông trong thời kỳ trước khi cách mạng thành công. Ông Ramón Vasconcelos là một nhà tư sản hoạt động trong lĩnh vực báo chí đã giúp Fidel một số việc như đăng tải các tài liệu tố cáo sự đàn áp của chế độ độc tài Batista, hoặc các bài phỏng vấn Fidel và những thông điệp của phong trào 26/7 gửi tới nhân dân Cuba. Sau ngày cách mạng thành công, nhà tư sản Vasconcelos đã tình nguyện hiến khu trang trại rộng mấy chục ha của mình cho nhà nước. Nơi đó ngày nay là khu hội chợ triển lãm EXPOCUBA rộng lớn nằm ở phía tây nam thủ đô La Habana. Ít lâu sau, vì những lý do riêng tư, ông lặng lẽ chuyển sang sinh sống ở Miami (bang Florida, Mỹ), nhưng không tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng của các nhóm người Cuba lưu vong. Đến khi già yếu, Vasconcelos muốn trở về chết ở quê hương và người con gái của ông đã liên hệ với bà Conchita nhờ giúp đỡ.

Khi được nghe báo cáo về nguyện vọng của người bạn cũ, Fidel đã ngay lập tức quyết định cho người ra sân bay đón và đưa ông Vasconcelos về một ngôi nhà nghỉ dưỡng ở khu bãi biển Santa María del Mar (ngoại ô La Habana). Tại đây, Fidel thường xuyên đến thăm và chuyện trò với ông già Vasconcelos về các vấn đề xã hội và lịch sử một cách hoàn toàn thoải mái, không chút cách biệt cho tới khi vì tuổi cao, bệnh nặng ông này đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Sách viết đến đâu rồi?

Victor Mesa, một vận động viên bóng chày nổi tiếng của Cuba nhớ lại: Có lần ông gặp Fidel trong một buổi mít tinh, hai người cùng nói chuyện về thể thao. Trong câu chuyện, Fidel hỏi: "Bao giờ thì anh sẽ viết hồi ký về cuộc đời thể thao của mình?". Lúc đó Victor Mesa đã trả lời: "Vâng, tôi cũng định sắp viết".

Tưởng rằng chỉ là câu chuyện thoáng qua, bẵng đi một thời gian, chừng nửa năm sau ông lại có dịp gặp Fidel trong một hoạt động khác. Vừa trông thấy ông, Fidel hỏi ngay: "Này Victor, sách viết đến đâu rồi?" Hóa ra Fidel vẫn nhớ, chẳng phải là chuyện nói chơi, Victor Mesa bèn trả lời: "Thưa Tư lệnh, tôi đang… đang viết ạ". Fidel vỗ vai ông và động viên: "Cố gắng viết cho xong, và nhớ gửi cho tôi một quyển nhé". Ngay sau đó, Victor Mesa bắt tay vào viết và một năm sau ông hoàn thành cuốn tự truyện: Bóng chày trong cuộc đời tôi, và việc đầu tiên là ông viết lời đề tặng để gửi sách tới Tổng Tư lệnh Fidel Castro.

(còn tiếp)

Phạm Đình Lợi (Sưu tầm và biên dịch)