07:20 07/07/2014

EVN Hà Nội phủ nhận tính sai giá điện cho khách hàng

Trước thông tin về việc hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 của một số hộ gia đình tại Hà Nội tăng đột biến, có nơi tăng gấp 10 lần, tại cuộc họp báo thường kì của Bộ Công Thương chiều 7/7, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã trả lời những thắc mắc của báo chí xung quanh vấn đề này.

Trước thông tin dư luận về việc hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 của một số hộ gia đình tại Hà Nội tăng đột biến, có nơi tăng gấp 10 lần so với tháng trước, tại cuộc họp báo thường kì của Bộ Công Thương chiều 7/7, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) đã trả lời những thắc mắc của báo chí xung quanh vấn đề này.

Đây cũng là vấn đề nóng nhất buổi họp báo, chiếm 2/3 số câu hỏi của các phóng viên báo chí.

Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin, EVN Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra lại hệ thống đo đếm, quá trình tính toán hóa đơn cũng như rà soát lại tất cả các nguyên nhân dẫn đến việc tăng sản lượng điện dẫn đến việc tăng tiền điện trên hóa đơn của các khách hàng này. Sau khi kiểm tra, phân tích, EVN Hà Nội cho biết, không có sai sót về chỉ số công tơ cũng như cách tính tiền điện.

Ngành điện lực lắp đặt công tơ điện cho khách hàng. Ảnh minh họa - TTXVN


Lý giải nguyên nhân dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, EVN Hà Nội cho biết: Từ đầu tháng 5/2014 đến đầu tháng 6/2014 có nhiều đợt nắng nóng kéo dài nên nhu cầu làm mát tăng cao; học sinh nghỉ hè nên thời gian sử dụng điều hòa và thiết bị làm mát trong gia đình tăng; chu kỳ làm hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 lại trùng với đợt nắng nóng.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội cho biết, trong quá trình vận hành cung cấp điện nếu có sự cố sai sót kỹ thuật, nghiệp vụ dẫn đến sai lệch về hóa đơn (sản lượng, tiền điện), khách hàng sử dụng điện có thể tự kiểm tra và gửi đơn đề nghị kiểm tra chỉ số công tơ. Các Công ty Điện lực sẽ tiến hành kiểm tra thực tế. Nếu có sai sót sẽ tiến hành lập lại hóa đơn đúng cho khách hàng. Nếu sai do chất lượng công tơ thì sau khi kiểm định lại công tơ sẽ thực hiện truy thu hay thoái hoàn sản lượng, tiền điện cho khách hàng.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội, trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Thu Hồng


Tại cuộc họp báo, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định, không phải việc áp dụng biểu giá điện mới từ ngày 1/6 là hình thức tăng giá điện như suy nghĩ của nhiều người.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4887/QĐ-BCT quy định về khung giá điện mới, theo đó kể từ ngày 1/6/2014 giá điện được chia thành 6 bậc thang: Từ 0 - 50 kWh là 1.388 đồng/kWh; từ 51 - 100 kWh là 1.433 đồng/kWh; từ 101 - 200 kWh là 1.660 đồng/kWh; từ 201 - 300 kWh là 2.082 đồng/kWh; từ 301 - 400 kWh là 2.324 đồng/kWh và từ 401 kWh trở lên là 2.399 đồng/kWh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, trong 100% đơn khiếu nại về giá điện tăng, thì có tới 72% đơn là của các hộ dùng trên 400 kWh, 28% khiếu nại là từ các hộ dùng từ 100 - 400 số điện và không có hộ nào nào dùng dưới 100 số. Nếu dùng dưới 100 kWh thì giá điện sẽ thấp, tuy nhiên với khi dùng quá 400 kWh giá điện sẽ tăng hơn. Do đó có thể nói, việc tính giá điện là nghiêm túc.

“Từ 1/6, Bộ Công Thương có thay đổi biểu giá điện chứ không phải tăng giá, tuy nhiên thời gian sắp tới không chỉ điện mà xăng dầu sẽ tiến tới giá thị trường do từ trước đến nay, các mặt hàng trên thường bán dưới giá thành”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng liệu có cần một cơ quan độc lập thực hiện việc ghi hóa đơn, chốt công tơ để đảm bảo tính khách quan, ông Đinh Thế Phúc cho biết, việc kiểm tra chốt chỉ số công tơ được phân cấp cho các Sở Công Thương. Tuy nhiên, theo ông Phúc, khách hàng có thể trực tiếp giám sát việc chốt công tơ của gia đình mình.


Hoàng Dương – Thu Hồng