01:14 07/01/2015

Eurozone: Liệu có một cú sốc vẫn mang tên Hy Lạp?

Thủ tướng Litva Algirdas Butkevicius bước đến một máy ATM và rút tờ 10 euro, như một sự khẳng định đồng nội tệ lita chỉ còn trong hoài niệm. Cách đó 2.000 km, nhiều người Hy Lạp cũng “đếm ngược”, nhưng ở một khía cạnh đối lập: Còn bao ngày nữa nữa thì Athens sẽ rời Eurozone.

Đức từng lo sợ hệ quả của việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mối lo này lại xuất hiện khi cuộc bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp tới gần.

Vẫn là Hy Lạp

Trong thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, người dân Litva đổ ra đường phố ở thủ đô Vilnius, họ “đếm ngược” (countdown), nhưng với một niềm vui riêng: chào đón sự kiện Litva gia nhập Liên minh châu Âu (EU), chính thức trở thành thành viên thứ 19 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thủ tướng Algirdas Butkevicius bước đến một máy ATM và rút tờ 10 euro, như một sự khẳng định đồng nội tệ lita chỉ còn trong hoài niệm.

Cách đó 2.000 km, nhiều người Hy Lạp cũng “đếm ngược”, nhưng ở một khía cạnh đối lập: Còn bao ngày nữa nữa thì Athens sẽ rời khỏi Eurozone. Ngày 21/1 tới, quốc gia Nam Âu này sẽ tiến hành bầu cử. Liên minh cánh tả Syriza nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi, nếu căn cứ theo kết quả thăm dò mới được công bố. Hệ quả kéo theo: euro có thể sẽ lại là đồng tiền trong dĩ vãng ở Hy Lạp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tại một cuộc họp báo ở Berlin, hôm 23/9/2014. Ảnh: AFP


5 năm sau thời điểm nổ ra bất ổn tài chính ở lục địa già, khủng hoảng đồng euro lại trở về điểm xuất phát. Một lần nữa, cái tên Hy Lạp được nhắc đến như là nguyên nhân gây ra rạn nứt. Nó phản chiếu một sự thật: tâm điểm đối đầu Nam-Bắc trong EU chính là chương trình cải cách, ngân sách thắt chặt do Đức “thiết kế”, buộc mọi quốc gia khủng hoảng phải tuân thủ nếu muốn nhận được hỗ trợ tài chính từ EU.

Tại đỉnh điểm khủng hoảng giữa năm 2012, người ta từng đến kịch bản Athens rời khỏi Eurozone. Lúc đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cứng rằng, EU sẽ phải bảo vệ sự thống nhất của đồng euro và Hy Lạp sẽ vẫn phải nằm trong Eurozone mà “không có sự lựa chọn nào khác”. Thời thế thay đổi và bà Merkel cũng đổi thay theo. Phát biểu với tờ Der Spiegel cuối tuần trước, nhà lãnh đạo Đức nói rằng bà sẵn lòng với sự rời đi của Hy Lạp (Grexit) nếu chính phủ cánh tả lên nắm quyền và không tuân thủ các quy định về cải cách, thắt chặt chi tiêu.

Chỉ là thăm dò lẫn nhau?

Thủ lĩnh Syriza, Alexis Tsipras đã hứa hẹn rất nhiều trước thềm bầu cử, đáng chú ý nhất là tuyên bố sẽ xem xét lại các chương trình ngân sách và cải cách. Tuy nhiên, dường như đây chỉ là cách để ông Tsipras trên cương vị mới tìm kiếm sự nhượng bộ nhiều hơn nữa từ Brussels đối với các khoản vay mới, cũng như việc giãn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ. Không có nhiều lý do thực sự để Hy Lạp ngoảnh mặt với EU.

Tình cảnh hiện nay của Hy Lạp đã sáng sủa hơn nhiều 3 năm trước: Kinh tế hồi phục, phát triển; ngành du lịch – trụ cột của nền kinh tế, đã có được mùa bội thu trong năm 2014; ngân sách đạt tới mức thặng dư sau khi đã cân đối các khoản vay đến hạn. Thêm nữa, bất kì ai lên nắm quyền ở Athens đều hiểu rằng, 10 tỉ euro (11,95 tỉ USD) - số tiền Hy Lạp đang cần, sẽ cần, khó có thể tìm được nguồn cung đáp ứng một khi “Grexit” nổ ra.

Mức giá mà Athens phải trả cho việc đoạn tuyệt với Eurozone cũng không hề rẻ. Xét về mặt kĩ thuật, khi đó Ngân hàng châu Âu (ECB) hoàn toàn có thể từ chối bơm tiền cho các ngân hàng Hy Lạp do không có đủ nguồn dự trữ, hoặc Hy Lạp không có khả năng huy động vốn trên các thị trường đủ khả năng để chi trả. Trong bối cảnh đó, quốc gia Nam Âu này chỉ còn mỗi cách buộc phải in thêm tiền và đi theo đó là một vòng luẩn quẩn mới.

Ở chiều hướng ngược lại, viễn cảnh tái khủng hoảng với ngòi nổ từ Hy Lạp hiện không gây ra những sợ hãi ở Brussels, Berlin và nhiều thủ đô khác ở châu Âu. Tại cuộc họp hồi tuần trước ở Berlin, bộ trưởng tài chính các nền kinh tế Eurozone phát đi thông điệp không chấp nhận “một Hy Lạp tái diễn”, lần lữa trong việc thực hiện các cải cách, cam kết.

Nhiều thay đổi diễn ra kể từ đỉnh điểm khủng hoảng ở Eurozone năm 2012. Quan trọng nhất là việc EU giờ không còn lo sợ tác động tiêu cực mang tính dây chuyền. Bồ Đào Nha, Ireland, 2 nước sau Hy Lạp buộc phải viện tới sự trợ giúp giờ đã tạo lập được sự ổn định. Giới chức ở Berlin và Brussels không còn bận tâm đến thuyết “hiệu ứng domino” cho rằng sự sụp đổ của Hy Lạp sẽ nhấn chìm nhiều nước khác. Thay vào đó là thuyết “hiệu ứng chuỗi”, với luận điểm cả khối sẽ trở nên vững mạnh hơn nếu loại đi được mắt xích yếu nhất.


Hoài Thanh (Tổng hợp)