01:11 28/01/2011

Euro - Tâm điểm của WEF 41

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và những ảnh hưởng đối với đồng euro là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong ngày làm việc thứ hai (27/1) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 41 tại Davos (Thụy Sĩ).

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và những ảnh hưởng đối với đồng euro là một trong những chủ đề chính được thảo luận trong ngày làm việc thứ hai (27/1) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 41 tại Davos (Thụy Sĩ). Trong đó, Pháp và Đức khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ đồng tiền chung này.

Tại diễn đàn, một số đại biểu tham dự tỏ ra hoài nghi về số phận của đồng euro và cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng euro khó có thể được giải quyết mà không lây lan sang Tây Ban Nha. Trước những ý kiến đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nói một cách quyết liệt: "Chúng tôi quyết tâm bảo vệ đồng euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel và tôi sẽ không bao giờ để đồng euro sụp đổ". Mặc dù thừa nhận có lo lắng về sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu từ khi Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải giải cứu Hy Lạp và Ailen, nhưng Tổng thống Pháp Sarkozy cam kết "không quay lưng lại với đồng euro".

Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cũng chia sẻ quan điểm với ông Sarkozy khi phát biểu: "Rõ ràng là không có cuộc khủng hoảng nào đối với đồng euro". Tương tự, ông Dieter Wemmer, Giám đốc tài chính của hãng bảo hiểm Zurich Financial, nhận định: "Chúng tôi cho rằng đồng euro sẽ tiếp tục tồn tại và các nước sử dụng đồng euro sẽ thoát khỏi vấn đề hiện nay".

Về việc EU và IMF phải cứu trợ tài chính Hy Lạp và Ailen, một số chuyên gia cho rằng đó là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất để vượt qua khủng hoảng. Nếu không có đồng euro, không có sự phối hợp giữa các nước EU, châu Âu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng khủng khiếp, Hy Lạp sẽ phá sản vì không thể trả được nợ và số phận của Ailen cũng tương tự.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác cũng lưu ý rằng, đồng euro có thể sẽ chia rẽ châu Âu thành hai, với một bên là các nước như Đức - có lợi về xuất khẩu khi đồng euro yếu, một bên là những Hy Lạp, Bồ Đào Nha… - đang chật vật đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về tài chính của EU. Ông James Dimon, Giám đốc điều hành của ngân hàng JP Morgan, cũng thừa nhận rằng khoảng cách giữa các quốc gia khu vực sử dụng đồng euro gây khó cho việc giải quyết khủng hoảng nợ công.

Thùy Dương (tổng hợp)