11:07 01/11/2012

EU xem xét can thiệp quân sự vào Mali

Ngày 30/10, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU đang cân nhắc đưa khoảng 200 binh sĩ huấn luyện tới Mali nhằm giúp quân đội nước này giành lại quyền kiểm soát khu vực phía bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm giữ. Tuy nhiên, EU khẳng định số quân này sẽ không tham gia chiến đấu.

Ngày 30/10, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU đang cân nhắc đưa khoảng 200 binh sĩ huấn luyện tới Mali nhằm giúp quân đội nước này giành lại quyền kiểm soát khu vực phía bắc đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm giữ. Tuy nhiên, EU khẳng định số quân này sẽ không tham gia chiến đấu.


 

Châu Âu ngày càng lo ngại rằng Mali có thể trở thành căn cứ địa của các cuộc tấn công khủng bố. Hồi tháng 3/2012, một cuộc đảo chính xảy ra Mali đã tạo điều kiện cho các chiến binh Tuareg (ảnh) và lực lượng Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda nổi dậy, nắm quyền kiểm soát 2/3 đất nước. Phiến quân đang tuyển mộ hàng trăm người Mali, trong đó có trẻ em và hàng loạt tay súng nước ngoài. Khu vực này đang trở thành thiên đường cho các nhóm buôn lậu người, ma túy và thuốc lá.


Trong một hội nghị thượng đỉnh hôm 19/10, EU từng cho rằng cuộc khủng hoảng Mali là một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu. Tại hội nghị, các ngoại trưởng EU đã kêu gọi EU vạch ra kế hoạch để hỗ trợ quân đội Mali. EU đang xem xét các kế hoạch gồm hỗ trợ huấn luyện, huấn luyện kết hợp cải cách cơ cấu quân đội hoặc cả hai. Theo kế hoạch thứ ba, quân đội của EU sẽ tham chiến cùng binh sĩ Mali


Cùng với nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mali của EU, Mỹ cũng hối thúc Angiêri về kế hoạch can thiệp vào Mali nhằm loại bỏ các phiến quân ở nước này. Theo một quan chức Mỹ cấp cao, hôm 29/10, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm một ngày tới Angiêri cho rằng nỗ lực chống khủng bố ở Mali không thể chờ đợi đến khi có một giải pháp chính trị cho vấn đề của Mali. Bà Clinton nói: “Chúng ta có rất nhiều lợi ích chung ở đây và có một điều rõ ràng rằng Angiêri phải đóng vai trò trung tâm”.


Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mali, Yamoussa Camara và đặc phái viên của Cộng đồng các quốc gia Tây phi (ECOWAS), ông Cheaka Aboudou Toure, ngày 30/10 cũng cho rằng chiến tranh là điều không thể tránh khỏi nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền bắc Mali.


Thùy Dương