11:14 23/11/2012

EU vẫn bất đồng về dự thảo ngân sách

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) bước sang ngày họp thứ hai với nguy cơ không đạt được thỏa thuận cuối cùng về ngân sách trị giá khoảng một nghìn tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) bước sang ngày họp thứ hai với nguy cơ không đạt được thỏa thuận cuối cùng về ngân sách trị giá khoảng một nghìn tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020.

Trước đó, hội nghị đã phải tạm hoãn sau khi được khai mạc rất muộn tối 22/11. Sự cố xảy ra do tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên về kế hoạch cắt giảm ngân sách chi tiêu, ở mức có thể dung hòa lợi ích của cả 27 quốc gia thành viên.

Các đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), ngày 22/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại ngày họp thứ nhất, các nhà đàm phán vẫn chưa nhất trí với đề xuất dự thảo ngân sách trị giá 950 tỷ euro do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đưa ra, giảm 80 tỷ euro so với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC).

Thủ tướng Đức Angela Merkel hiện ủng hộ việc cắt giảm ngân sách EU theo từng giai đoạn, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định ngân sách EU vẫn phải dành ưu tiên cho tăng trưởng và duy trì chính sách nông nghiệp chung.

Việc duy trì hoặc tăng Khuôn khổ tài chính cho giai đoạn 2014-2020 chỉ được Hy Lạp, EC và Nghị viện châu Âu (EP) quan tâm. Còn một số nước khác, trong đó Anh đứng đầu, dọa sẽ dùng quyền phủ quyết nếu hội nghị không đáp ứng yêu cầu của Luân Đôn cắt giảm mạnh mẽ ngân sách 7 năm tới và đặt ra chương trình "thắt lưng buộc bụng" của cả EU trong thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng.

Một số nước như Pháp, Tây Ban Nha phản đối việc cắt giảm chi tiêu trong khu vực nông nghiệp, thậm chí một số nước nghèo hơn ở Trung và Đông Âu phản đối việc cắt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Italy cho rằng họ là một trong số những nước có mức đóng góp lớn cho ngân sách EU nhưng lại nhận được rất ít từ kho tài chính chung này, trong khi Tây Ban Nha lại nhận được trợ giúp nhiều hơn những gì họ đóng góp.

Giới phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ gặp không ít khó khăn và mất rất nhiều thời gian trong các cuộc thảo luận nhằm đạt được một sự đồng thuận có thể dung hòa lợi ích của các thành viên.

Mặc dù trước thềm hội nghị, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đã có cuộc gặp riêng rẽ với từng lãnh đạo các nước thành viên, song gần như vẫn không thu hẹp được bất đồng xung quanh ngân sách EU giai đoạn 2014-2020. Mâu thuẫn cũng nổi lên giữa các nước thành viên và các thể chế của EU về dự thảo ngân sách chung.

Bà Merkel cảnh báo nếu các quốc gia tiếp tục chia rẽ về vấn đề ngân sách, hội nghị không chính thức dự kiến diễn ra trong hai ngày này có thể sẽ kéo dài đến cuối tuần và không loại trừ khả năng EU phải tiến hành một hội nghị thượng đỉnh thứ hai bàn về vấn đề ngân sách trong vài tháng tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann đưa ra sáng kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nữa vào tháng 1 hoặc tháng 2/2013.


TTXVN/Tin tức