03:11 05/03/2015

EU tìm cách giảm phụ thuộc năng lượng Nga

Các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã có cuộc họp quan trọng nhằm tìm ra giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.

Ngày 4/3, tại thủ đô Madrid, các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đã có cuộc họp quan trọng nhằm tìm ra giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với các nước phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine dự kiến còn kéo dài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên của "Xứ sở Bạch dương" sang châu Á mang tên "Sức mạnh của Siberia" hôm 1/9/2014. Ảnh: AFP-TTXVN


Tại hội nghị với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho và Tổng thống Pháp Francois Hollande, các nhà lãnh đạo đã thông qua bản hiệp ước xây dựng các đường ống dẫn khí đốt và đường dây truyền tải điện mới, để kết nối bán đảo Iberia, vốn bị cô lập với thị trường năng lượng châu Âu lâu nay.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận cách thức vận chuyển số năng lượng dư thừa từ khu vực phía Nam dãy núi Pyrenees (dãy núi chia tách Pháp với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) cho các nước châu Âu khác, đồng thời bày tỏ mong muốn đảm bảo tất cả các dự án kết thúc đúng thời hạn.

Theo kế hoạch, hệ thống đường ống dẫn khí đốt và cung cấp điện năng mới có thể giúp châu Âu giảm lượng nhập khẩu năng lượng từ Nga bằng cách đưa sản lượng điện được sản xuất từ các nhà máy năng lượng mặt trời và cánh đồng gió tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tới phục vụ một phần khu vực châu Âu.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhấn mạnh EC đang muốn hoàn tất việc tạo lập một thị trường năng lượng chung châu Âu. Căng thẳng giữa Ukraine và Nga - nước cung cấp năng lượng chủ chốt cho EU - là lý do chính để châu Âu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhằm mở rộng tối đa các nguồn cung năng lượng thay thế. Cải thiện tình trạng kết nối còn yếu giữa Anh, Ireland và Italy với các nước châu Âu khác cũng là điều mà EC đang hướng tới.

EU đang nhắm tới việc đưa nguồn năng lượng có được từ sự kết nối xuyên biên giới (giữa các nước châu Âu) chiếm tối thiếu 10% công suất sản xuất điện của mỗi quốc gia. Một số dự án năng lượng dự kiến sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ kế hoạch đầu tư trị giá 315 tỷ euro mà Chủ tịch Juncker vừa chính thức công bố hồi tuần trước.


TTXVN/Tin tức