10:00 16/10/2012

EU siết chặt “thòng lọng” tài chính với Iran

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang dần bóp nghẹt nền kinh tế Iran, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/10 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới về tài chính và thương mại chống Têhêran nhằm gây sức ép lên chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang dần bóp nghẹt nền kinh tế Iran, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/10 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới về tài chính và thương mại chống Têhêran nhằm gây sức ép lên chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.


 

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle trả lời phỏng vấn trước cuộc họp tại Lúcxămbua.

 

Chi tiết của các biện pháp này sẽ được chính thức công bố trong ngày hôm nay, 16/10. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đã dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao EU cho biết, theo lệnh trừng phạt vừa được thông qua tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Lúcxămbua, các thương nhân của châu Âu phải xin phép chính phủ nước mình thì mới có thể thực hiện những giao dịch tài chính cho các loại hàng hóa được phép. Các nước EU sẽ bị cấm bán kim loại và than chì cho Iran cũng như bị cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Iran. EU cũng nhắm mục tiêu vào ngành vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của Iran, nhằm tìm cách cản trở Têhêran bán dầu cho các nước nằm ngoài Mỹ và EU. Các biện pháp mới cũng cấm các công ty châu Âu cung cấp công nghệ đóng tàu và các thiết bị trữ dầu cho các công ty vận chuyển dầu của Iran.


Theo nhận định của giới quan sát, các biện pháp trừng phạt mới mà EU áp đặt đối với Iran đánh dấu một bước chuyển biến đáng kể trong chính sách của EU, vốn trước đây chỉ tập trung nhắm vào các cá nhân và công ty cụ thể bằng các hạn chế về kinh tế. Hãng Reuters cho rằng, các lệnh trừng phạt nói trên được xem là một trong những "cú đòn" cứng rắn nhất từ trước đến nay của EU nhằm vào Iran.


Tuy nhiên, phát biểu trước thềm cuộc họp ngoại trưởng EU, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng giải pháp ngoại giao vẫn là một lựa chọn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán về ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20% nếu như Têhêran nhận được nguyên liệu hạt nhân này từ các quốc gia khác.


H.H (Tổng hợp)