06:11 26/06/2012

EU cấm vận dầu mỏ toàn diện với Iran

Liên minh châu Âu (EU) một mặt sẽ tăng cường gây áp lực, mặc khác tiếp tục đối thoại với Iran để nước này thấy rõ mối lo ngại của cộng đồng quốc tế trong vấn đề hạt nhân của Têhêran.


Liên minh châu Âu (EU) một mặt sẽ tăng cường gây áp lực, mặc khác tiếp tục đối thoại với Iran để nước này thấy rõ mối lo ngại của cộng đồng quốc tế trong vấn đề hạt nhân của Têhêran.

 

Phát biểu trên của Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton được đưa ra ngày 25/6, ngay sau khi Hội đồng EU, trong một cuộc họp ở Lúcxămbua, thông qua quyết định chính thức áp dụng đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran từ ngày 1/7 tới, theo đúng thời hạn mà EU đã nhất trí đề ra từ cuối tháng Giêng năm nay..

EU nhất trí áp đặt đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran. Ảnh: Internet



Ngày 23/1, EU đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran, bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của Iran. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng cung cấp dầu mỏ được ký trước ngày 23/1, các biện pháp này sẽ được hoãn thực thi trong nửa năm, nhằm để các nước EU có thể tìm nguồn cung mới thay thế lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

Ngoài ra, EU cũng hy vọng trong thời hạn trên, hai bên có thể đạt được những tiến bộ mới trong tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của Têhêran, từ đó cho phép EU có thể xem xét lại lệnh cấm vận của mình đối với Iran.


Theo bà Ashton, EU phối hợp rất chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và những lo ngại của EU về vấn đề hạt nhân của Iran ngày một gia tăng. Bà Ashton cũng đồng thời thừa nhận vẫn tồn tại bất đồng lớn giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức) về chương trình hạt nhân của Iran.

Vì vậy, ngoài việc áp đặt đầy đủ cấm vận dầu mỏ, EU cũng đe dọa tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong những tháng tới nếu không đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân.


Trong khi đó, các nước EU cho biết từ cuối tháng 4 vừa qua, họ đã thay thế được khoảng 70% nguồn cung dầu mỏ từ Iran và sẽ không gặp phải trở ngại gì trong việc áp đặt đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran từ đầu tháng tới. Các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế châu Âu cũng như thị trường dầu mỏ thế giới sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau ngày 1/7.


Liên quan tới lệnh cấm vận của EU, Chính phủ Hàn Quốc ngày 26/6 đã thông báo nước này sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran từ ngày 1/7 tới theo lệnh cấm trên. Như vậy, Hàn Quốc là khách hàng lớn đầu tiên của Iran tại châu Á ngừng mua dầu của quốc gia Hồi giáo này. Hiện khoảng 9% lượng nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc là dầu mỏ được sản xuất tại Iran.

TTXVN/ Tin Tức